Đình công tại nhiều sân bay ở Đức do không đạt thỏa thuận với giới chủ

Những cuộc đình công, bắt đầu từ tối 19/4, có thể ảnh hưởng tới khoảng 700 chuyến bay tại 3 sân bay lớn ở Đức, trong đó sẽ có hơn 100.000 hành khách bị chậm hoặc hủy chuyến.
Đình công tại nhiều sân bay ở Đức do không đạt thỏa thuận với giới chủ ảnh 1Nhân viên an ninh sân bay tham gia đình công tại sân bay Düsseldorf, Đức ngày 20/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Do không đạt được thỏa thuận với giới chủ về mức thù lao tăng thêm trả cho người lao động, nghiệp đoàn Ver.di đã kêu gọi các thành viên tham gia cuộc đình công lớn tại nhiều sân bay ở Đức trong 2 ngày 20 và 21/4.

Cuộc đình công được cho là sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông hàng không ở Đức.

Thông báo của Hiệp hội sân bay ADV cho biết những cuộc đình công, bắt đầu từ tối 19/4, có thể ảnh hưởng tới khoảng 700 chuyến bay tại 3 sân bay lớn ở Đức gồm Hamburg, Düsseldorf và Köln/Bonn, trong đó sẽ có hơn 100.000 hành khách bị chậm hoặc hủy chuyến.

Theo nghiệp đoàn Ver.di, các nhân viên an ninh làm việc tại các sân bay đã tham gia cuộc đình công kéo dài 2 ngày này.

Ngoài các chuyến bay bị hủy, hành khách cũng được cảnh báo sẽ phải chờ đợi chuyến bay lâu hơn. Tại sân bay Hamburg, tất cả các chuyến bay cất cánh từ đây đều bị hủy, trong khi 1/3 số chuyến bay theo lịch trình hạ cánh ở Hamburg cũng bị hủy bỏ.

Thông báo của sân bay Hamburg nêu rõ các cửa lên máy bay sẽ vắng lặng khi hơn 300 chuyến bay bị hủy, ảnh hưởng tới khoảng 80.000 hành khách.

Sân bay Düsseldorf cũng đã thông báo tới hành khách về cuộc đình công và kêu gọi hành khách thường xuyên truy cập trang chủ của sân bay để cập nhật thông tin.

Trong khi đó, tại sân bay Köln/Bonn, riêng trong ngày 20/4 đã có khoảng 121/204 chuyến bay bị hủy, ảnh hưởng tới khoảng 28.000 hành khách. Dự kiến sẽ có thêm các chuyến bay bị hủy trong ngày 21/4 ở sân bay này.

Không chỉ tại 3 sân bay nêu trên, một số sân bay khác, như Stuttgart, cũng sẽ bị ảnh hưởng do cuộc đình công. Để bù đắp cho hành khách bị hủy chuyến do hoạt động đình công, nhiều chuyến bay sẽ được chuyển sang ngày 22/4 hoặc những ngày tiếp theo. Hành khách được đề nghị liên hệ với hãng hàng không hoặc các đại lý du lịch để nối lại các chuyến bay đã bị hủy.

[Nhiều nước châu Âu và châu Mỹ đối mặt với đình công quy mô lớn]

Trước đó, Ver.di đã kêu gọi nhân viên làm việc trong lĩnh vực an ninh hàng không, kiểm soát hành khách và hàng hoá cũng như bộ phận dịch vụ thực hiện cuộc đình công để gây sức ép với giới chủ khi những cuộc đàm phán về mức thù lao tăng thêm vẫn đang gặp bế tắc. Ver.di muốn người sử dụng lao động phải tăng thù lao cho nhân viên làm ca đêm, vào ngày cuối tuần, ngày lễ hoặc làm quá giờ.

Những cuộc đàm phán diễn ra trong 2 ngày 11-12/4 vừa qua không mang lại kết quả và phía nghiệp đoàn đã từ chối đề xuất của giới chủ khi mức thù lao trả thêm cho người làm ca đêm vẫn quá thấp, trong khi chỉ đồng ý tăng thù lao cho người lao động khi họ làm ca từ 22 giờ đêm, thay vì 20 giờ như yêu cầu của phía nghiệp đoàn. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/4.

Trước đó, tối 16/2, nghiệp đoàn Ver.di cũng đã phát động cuộc đình công kéo dài 24 giờ tại bảy sân bay trên cả nước, làm hỗn loạn hoạt động đi lại.

Hiệp hội sân bay ADV của Đức cho biết khoảng 295.000 hành khách bị ảnh hưởng vì khoảng 2.340 chuyến bay bị hủy tại các sân bay Bremen, Dortmund, Frankfurt, Hamburg, Hanover, Munich và Stuttgart.

Hãng hàng không Lufthansa cũng đã thông báo hủy hơn 1.300 chuyến bay trong ngày 17/2 do đình công, bao gồm toàn bộ các chuyến bay ở các sân bay đông đúc Frankfurt và Munich.

Ngoài những cuộc đình công đang diễn ra tại các sân bay, ngày 19/4, Nghiệp đoàn đường sắt và giao thông Đức (EVG) thông báo kế hoạch đình công trên phạm vi cả nước vào ngày 21/4.

Theo EVG, cuộc đình công dự kiến bắt đầu từ 3h sáng 21/4 theo giờ địa phương (8h sáng cùng ngày theo giờ Việt Nam) và kết thúc vào 11h cùng ngày (giờ địa phương, khoảng 16h theo giờ Việt Nam).

EVG cảnh báo cuộc đình công có thể ảnh hưởng tới 50 công ty, trong đó có Công ty đường sắt quốc gia Đức (Deutsch Bahn), làm ngưng trệ giao thông công cộng, do đó người đi làm cần chuẩn bị các phương án đi lại thay thế.

Nghiệp đoàn EVG đang thay mặt 230.000 người lao động đàm phán với bên sử dụng lao động nhằm đạt mức tăng lương 12%, hoặc ít nhất tăng 650 euro (712 USD) mỗi tháng.

Trong khi đó, công ty Deutsche Bahn đề xuất mức tăng lương 5%, cùng khoản thanh toán một lần tối đa 2.500 euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục