Đình chỉ thi công resort không phép tại Vườn Quốc gia Ba Vì từ 1/3

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì yêu cầu chủ đầu tư đình chỉ toàn bộ công tác thi công công trình chưa được cấp phép từ mùng 1/3.
Đình chỉ thi công resort không phép tại Vườn Quốc gia Ba Vì từ 1/3 ảnh 1Khu Le Mont Bavi Resort. (Ảnh: Thanh Huyền/Vietnam+)

Trước thực trạng xây dựng một số công trình chưa được cấp phép tại Vườn Quốc gia Ba Vì, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo Ban quản lý Vườn Quốc gia yêu cầu chủ đầu tư đình chỉ toàn bộ công tác thi công từ ngày 1/3.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát có công văn đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức ngay đoàn thanh kiểm tra làm rõ việc xây dựng các công trình không phép tại Vườn Quốc gia Ba Vì (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội), báo cáo Bộ trưởng trước ngày 4/3.

Theo ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ngày 1/3, khu vực bị đình chỉ thi công có diện tích khoảng 2.000m2, nằm trọn vẹn trong Vườn Quốc gia Ba Vì.

Với địa hình gò đồi thoai thoải, xen lẫn những cây thông, cây bản địa, chủ đầu tư là công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Công nghệ có trụ sở tại Hà Nội cho xây dựng 50 phòng kiên cố hiện đại, nhằm phục vụ các hoạt động phục vụ khách du lịch.

Sau nhiều năm xây dựng, đến nay, nhiều hạng mục đã cơ bản hoàn thành, tạo dựng nên khu du lịch Le Mont Bavi Resort.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hữu Thế, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì, sau khi phát hiện công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Công nghệ chưa thực hiện đầy đủ các quyết định của cấp có thẩm quyền về việc xây dựng khu du lịch trên, Ban quản lý rừng đã có văn bản s​ố 328 ký ngày 23/10/2015, yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng triển khai dự án.

"Lực lượng kiểm lâm nói riêng và Vườn Quốc gia nói chung chưa cương quyết trong việc ngăn chặn xây dựng dự án, khi mà chủ đầu tư chưa hoàn thiện đủ các yêu cầu dẫn đến bị đình chỉ như hiện nay. Chúng tôi sẽ chấp hành mọi phán quyết của cấp trên về việc xây dựng dự án tại Vườn Quốc gia Ba Vì," ông Đỗ Hữu Thế ​cho biết.

Từ năm 2008, Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì đã ký hợp tác liên kết với công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Công nghệ. Theo đó, Ban quản lý Vườn cho công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Công nghệ thuê khoán 53ha diện tích đất rừng tại cốt từ 600​m đến 800m để làm khu du lịch, nghỉ dưỡng, bán hàng lưu niệm, giải trí phục vụ du lịch. Thời gian thuê là 50 năm.

Dựa trên sự liên kết trên, công ty Phát triển Công nghệ đã tiến hành thực hiện các thủ tục và xây dựng khu Le Mont Bavi phục vụ mục đích trên, cho dù còn chưa được cấp phép đầu tư xây dựng.

Trao đổi về việc doanh nghiệp xây dựng trên đất rừng thuộc địa bàn quản lý nhưng chính quyền không hay biết, ông Nguyễn Thành Sơn, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì cho biết diện tích đất rừng trên đã giao cho Vườn Quốc gia quản lý nên chính quyền không thể nắm bắt được quá trình liên kết cũng như xây dựng dự án.

Ông Nguyễn Thành Sơn nói: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan nắm toàn bộ quy hoạch, gồm quy hoạch vùng, quy hoạch chi tiết, theo nguyên tắc, Ban quản lý Vườn Quốc gia là đơn vị của Bộ nên trên thực tế, địa phương không can thiệp vào các công việc của Ban quản lý."

Về lâu dài để tiện cho việc quản lý, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì kiến nghị: "Huyện cũng mong muốn việc quản lý Vườn Quốc gia có sự phối hợp với địa phương để phục vụ chung kinh tế, xã hội của các địa phương có rừng, chứ không nên quản lý như hiện nay."

Tại nhiều mảnh rừng thuộc cốt 600m đến cốt 800m của Vườn Quốc gia Ba Vì còn nhiều dấu tích của những địa điểm lịch sử cách mạng, từng ghi dấu sự chiến đấu h​y sinh của quân đội ta với quân Pháp vào năm 1950. Từ cứ điểm này, có thể quan sát được về phía trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Thế nhưng theo quy hoạch được duyệt, tại khu vực cốt 600m đến cốt 800m, có một số diện tích đất rừng được sử dụng vào mục đích phục vụ du lịch. Điều này khiến dư luận Thủ đô cũng như cả nước băn khoăn.

Lý giải về việc đầu tư vào khu vực "nhạy cảm," phía công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Công nghệ cho hay, những vị trí doanh nghiệp chọn xây công trình phần lớn đều nằm trên những biệt thự, khu nhà ở người Pháp đã xây dựng từ những năm trước đây và đã được quy hoạch thuộc cấp có thẩm quyền.

Trong quá trình xây dựng, đơn vị đã tiến hành tổ chức đánh giá tác động môi trường, trên tinh thần, tôn trọng thiên nhiên, không có chặt phá thậm chí trồng thêm cây mới cho phù hợp với cảnh quan.

Tuy nhiên, cái sai của đơn vị là nôn nóng muốn thu lại vốn trong quá trình đầu tư, nên chưa có quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục