Tại Hội nghị tổng kết dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em năm 2013, đồng thời triển khai nhiệm vụ năm 2014, diễn ra tại thành phố Cần Thơ vào ngày 3/4, đại diện Bộ Y tế cho biết đã có gần 21.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh được phát hiện và điều trị trong năm ngoái.
Bác sỹ La Đức Cường, Trưởng Ban điều hành dự án phòng chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng-bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em, cho biết bệnh lý tâm thần chính là sự bất thường về các hoạt động tâm sinh lý. Hiện khoa học đã chứng minh có đến 80% số người có bệnh lý tâm thần có triệu chứng sinh lý hoặc triệu chứng cơ thể.
Vì vậy, phần lớn người có bệnh lý tâm thần thường không nhận biết được mình bị rối loạn tâm thần, không tìm đến thầy thuốc tâm thần điều trị mà lại tìm đến các chuyên khoa khác khám và điều trị trong thời gian dài.
Theo bác sỹ Cường, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe tâm thần cho nhân dân là một trong những chính sách ưu tiên nhằm bảo đảm quyền được bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân và đảm bảo nguồn lực phát triển xã hội. Do đó, từ năm 1999 đến nay, dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng đã được triển khai thực hiện trên cả nước. Đến nay, dự án đã được triển khai được 70% số xã, phường trên cả nước với gần 70% só người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh được quản lý và điều trị.
Sau hơn 13 năm thực hiện, Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em thực sự có hiệu quả tích cực. Tỷ lệ người bệnh ổn định, sống hòa nhập với cộng đồng, không tái phát đi viện tăng lên từng năm.
Theo Bộ Y tế, năm 2013, dự án Phòng chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng-bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Đối với bệnh tâm thần phân liệt, trong năm qua dự án đã triển khai tại hơn 8.600 xã, phường trong cả nước. Năm nay, dự án sẽ tiếp tục được triển khai tại 200-300 xã, phường; phát hiện, quản lý, điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm./.