Điều trị cá thể hóa các ca bệnh COVID-19 đem lại hiệu quả cao

Giáo sư Nguyễn Văn Kính-Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết ở thời kỳ đầu, bệnh nhân mắc COVID-19 không có biểu hiện suy hô hấp nhưng sau đó tiến triển rất nhanh.
Điều trị cá thể hóa các ca bệnh COVID-19 đem lại hiệu quả cao ảnh 1Bệnh nhân 19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong hơn ba tháng qua, Việt Nam đã ghi nhận 288 trường hợp mắc bệnh COVID-19, trong đó có 249 trường hợp đã được chữa khỏi, chưa có ca bệnh nào tử vong.

Trong công tác điều trị, sự nỗ lực của các y bác sỹ tạo nên nhiều bất ngờ như trường hợp của bệnh nhân số 19 có thời điểm trong tình trạng rất xấu, bệnh nhân được các bác sỹ chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) 17 ngày, có nhiều lúc bệnh nhân ngừng tim.

[Việt Nam chỉ còn 20 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2]

Đến nay, qua sự giám sát theo dõi của các bác sỹ kịp thời, bệnh nhân đã thoát tử thần và hiện giờ bệnh nhân đã rút được ống thở, tự thở, tự ăn có thể vài ngày nữa được công bố khỏi bệnh.

Giáo sư Nguyễn Văn Kính-Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có những chia sẻ để hiểu rõ hơn về công tác điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

- Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới hiện nay với hơn 4,2 triệu người mắc bệnh, trong đó có 287.293 ca đã tử vong. Ông đánh giá như thế nào về đại dịch nguy hiểm này?

Giáo sư Nguyễn Văn Kính: COVID-19 là dịch bệnh rất mới, thế giới cần nhiều thời gian và các nhà khoa học cũng phải cần tìm hiểu thêm.

Dịch COVID-19 khác với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Dịch SARS bệnh nhân khỏi là dứt điểm luôn không còn "đuôi" nào cả. Bệnh nhân khỏi bệnh là xong, kể cả Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) có trung gian truyền bệnh ổ chứa là lạc đà virus cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ở khu vực này sau khi dịch bùng phát mạnh ở Hàn Quốc và không thấy các trường hợp MERS khác nữa.

Đến nay chúng ta lại đang phải đối mặt với SARS-CoV-2. Bản chất vẫn là corona virus đột biến nhưng tính đột biến của virus này đa dạng và không ổn định, không giống như SARS và MERS. Bởi vậy thế giới còn cần nhiều thời gian để nghiên cứu về sinh bệnh học và khoa học cơ bản về đáp ứng miễn dịch của virus này.

- Theo ông, virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam có sự khác biệt nào so với các nước hay không?

Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Những virus SARS-CoV-2 hiện nay ở mỗi một quốc gia đều khác một chút so với virus ban đầu được công bố tại Vũ Hán (Trung Quốc). Virus gây bệnh tại Việt Nam không giống 100% virus gây bệnh tại Vũ Hán, bởi vậy sau khi các bệnh nhân đã khỏi về lâm sàng cũng như theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới và Việt Nam, bệnh nhân khỏi hết sốt 3 ngày, khỏi về lâm sàng qua xét nghiệm 2 lần âm tính, cách nhau ít nhất 24 giờ.

Trong công tác điều trị ở Việt Nam, nhiều trường hợp được theo dõi cẩn thận hơn, các cơ sở điều trị tiến hành xét nghiệm âm tính 3-4 lần mới công bố khỏi bệnh.

Điều trị cá thể hóa các ca bệnh COVID-19 đem lại hiệu quả cao ảnh 2Giáo sư Nguyễn Văn Kính. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo kinh nghiệm của Trung Quốc và Hàn Quốc, sau khi công bố khỏi bệnh, bệnh nhân vẫn được tiếp tục theo dõi, cách ly thêm 14 ngày tiếp theo. Trong quá trình theo dõi như vậy, Hàn Quốc đã phát hiện một số trường hợp tái dương tính. Tại Việt Nam, một số trường hợp sau khi công bố khỏi bệnh về cách ly tại cộng đồng có xét nghiệm lần cuối trước khi công bố dứt điểm thì tái dương tính trở lại.

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn những kinh nghiệm điều trị lâm sàng trên các bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện nay?

Giáo sư Nguyễn Văn Kính: Khi vào viện, bệnh nhân COVID-19 không phải trong trình trạng nặng ngay, thông thường diễn biến nặng với tổn thương ở phổi sau đó khoảng 1 tuần mới xuất hiện. Điều này khác với SARS, với bệnh nhân SARS khi vào viện viêm phổi nặng nề ngay, còn với bệnh nhân mắc COVID-19 thường sau 1 tuần mới diễn biến nặng dần lên.

Bên cạnh rối loạn về mặt hô hấp, bệnh nhân COVID-19 phần nhiều có những rối loạn về đông máu, đặc biệt có trường hợp tiên lượng nặng.

Thứ hai theo dõi về mặt lâm sàng chúng tôi thấy tổn thương ở phổi rất khác với SARS và MERS và virus cúm. Những bệnh nhân mắc COVID-19 thường tổn thương ở rìa phổi, ngoài biên, ở dưới đáy phổi trước sau đó mới lan dần vào trung tâm. Chính vì vậy, thời kỳ đầu bệnh nhân không có biểu hiện của suy hô hấp, ôxy của bệnh nhân trao đổi vẫn tốt, nhưng sau đó tiến triển rất nhanh, bắt đầu từ những tổn thương nốt kính mờ tập hợp thành nhiều nốt thành những thùy, thậm chí tổn thương lớn, dần dần làm bệnh nhân suy hô hấp.

Trong chiến lược để bệnh nhân chiến đấu với COVID-19, nguy kịch là thiếu ôxy nên khi bệnh nhân đã trong tình trạng nặng với tổn thương suy hô hấp rõ ràng thì theo hướng dẫn quốc gia, chúng tôi điều trị cá thể hóa, không phải điều trị giống nhau cho tất cả mọi người. Có bệnh nhân nhẹ có thể không có triệu chứng, chúng tôi phát hiện 45% trường hợp không có triệu chứng lâm sàng, chỉ qua cách ly tập trung và xét nghiệm thì phát hiện, còn lại người có triệu chứng lâm sàng 55% từ thể nhẹ đến nặng.

- Theo giáo sư, việc các trường hợp người bệnh sau khi công bố khỏi COVID-19 tái dương tính trở lại có đáng lo ngại?

Giáo sư Nguyễn Văn Kính: Các bệnh nhân tái dương tính trở lại có mấy điểm quan trọng. Thứ nhất, qua khảo sát của chúng tôi cho thấy ở những người tái dương tính này không có bất cứ một dấu hiệu lâm sàng nào. Thứ hai là người đó hoàn toàn khỏe mạnh, ăn ngủ bình thường, chỉ có trước khi làm xét nghiệm lần cuối có kết quả xét nghiệm dương tính.

Bản chất của xét nghiệm hiện nay làm kỹ thuật Real Time-PCR, chỉ lấy một đoạn mồi để phát hiện đoạn gene y của con virus SARS-CoV-2. Độ nhạy của bộ xét nghiệm này cao, lên tới 98%, nhưng đây chỉ là một xét nghiệm phát hiện mật mã di truyền của con vius chứ không phải phát hiện toàn bộ con virus.

Nếu muốn xét nghiệm toàn bộ, muốn khẳng định ở bệnh nhân tái dương tính virus còn hoạt động hay không, chúng ta phải nuôi cấy con virus này.

Hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ tư có thể nuôi cấy, phân lập được virus SARS-CoV-2 tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Tất cả trường hợp tái dương tính được đưa quay trở lại chúng tôi theo dõi sẽ được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phối hợp với viện để nuôi cấy và đến nay đều cho kết quả âm tính.

Kết quả âm tính này là giả thiết đặt ra các test hiện nay để phát hiện những phần, những mảnh ADN của virus, có thể coi đấy là xác qua quá trình thải loại.

Giáo sư Nguyễn Văn Kính nói về điều trị bệnh COVID-19:

- Còn với các nước khác, họ đánh giá về những ca dương tính trở lại như thế nào thưa giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Văn Kính: Khi theo dõi dịch tễ trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… với những ca tái dương tính trở lại tại Việt Nam thì đến nay những ca này không lây nhiễm cho bất kỳ trường hợp nào dù họ đã về cộng đồng để tự cách ly. Những trường hợp này có về tiếp xúc với người thân trong gia đình kết quả xét nghiệm đều âm tính, như vậy chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm có thể đây là một trong những việc nghiên cứu thêm về đáp ứng kháng thể của những người này.

Các kết quả nuôi cấy đều không thấy virus SARS-CoV-2 mọc trở lại, không phát triển đó là mảnh nhiễm sắc thể qua độ nhạy rất cao của bộ xét nghiệm. Để đảm bảo cho cộng đồng, tại Việt Nam, các cơ sở y tế đưa họ quay trở lại bệnh viện. Các bệnh nhân tái dương tính với virus SARS-CoV-2 không cần sử dụng thuốc gì, chỉ theo dõi và cách ly.

- Vậy chúng ta có thể coi những ca tái dương tính trở lại là những người lành mang chủng virus SARS-CoV-2?

Giáo sư Nguyễn Văn Kính: Những ca tái dương tính vừa được tiếp tục điều trị khỏi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương không phải người lành mang chủng virus SARS-CoV-2. Bởi vì, ở người lành mang chủng, virus SARS-CoV-2 phải sống, nhưng kết quả nuôi cấy virus này cho thấy các trường hợp tái dương tính không mang virus sống, chỉ mang mảnh xác của virus SARS-CoV-2.

Trước hết chúng ta thấy hiện tượng các ca bệnh sau khi đã công bố khỏi bệnh dương tính trở lại không chỉ riêng Việt Nam có mà nhiều nước đã thấy đây là một trong những thành phần của đáp ứng miễn dịch và cần phải nghiên cứu thêm. Về phía y tế công cộng, chúng ta không hề e ngại gì đến những người tái dương tính.

- Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục