Điều tra về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số

Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc lần đầu tiên sẽ tiến hành cuộc điều tra thu thập thông tin về dân số, thu nhập, điều kiện nhà ở và điều kiện kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số.
(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

​Vào ngày 1/8, Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc sẽ tiến hành cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015.

Đây là cuộc điều tra lần đầu tiên thu thập thông tin về dân số, thu nhập, điều kiện nhà ở của hộ và các điều kiện kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số.

Các số liệu phục vụ cho công tác biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc, phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số đồng thời làm cơ sở hình thành hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Đối tượng điều tra gồm: Nhân khẩu thực tế thường trú và các trường hợp chết của hộ dân tộc thiểu số; điều kiện kinh tế-xã hội và nhà ở của hộ dân tộc thiểu số; tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I, II và III và các xã, phường, thị trấn không thuộc các khu vực trên nhưng có địa bàn vùng dân tộc thiểu số.

Trong cuộc điều tra này, địa bàn vùng dân tộc thiểu số được định nghĩa là địa bàn có số lượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống chiếm từ 30% trở lên so với tổng số dân. ​

Việc điều tra được tiến hành trên phạm vi 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: 49 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc và miền núi; Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương - hai địa phương có các xã, phường, thị trấn có nhiều hộ dân tộc thiểu số sinh sống.

Về nhóm dân tộc, tiến hành điều tra tại các địa bàn vùng dân tộc thiểu số theo quy định: ​Điều tra toàn bộ đối với nhóm dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người; điều tra mẫu đối với các nhóm dân tộc thiểu số còn lại.

Một điểm khác biệt lớn trong cuộc điều tra này là thông tin về tình trạng hôn nhân, lịch sử sinh của phụ nữ, lao động việc làm được hỏi cho những người từ 12 tuổi, thay cho mức 15 tuổi ở các cuộc điều tra khác. Đây là một điểm điều tra viên cần đặc biệt lưu ý để tránh bỏ sót đối tượng điều tra.

Với đặc thù đối tượng điều tra là người dân tộc thiểu số nên tại nhiều địa bàn, đối tượng được điều tra không nói được tiếng phổ thông, việc thuê phiên dịch cũng phải đảm bảo lựa chọn được những người thông thạo tiếng phổ thông và tiếng địa phương nhưng cũng phải nắm chắc kiến thức về điều tra thống kê để đảm bảo những nội dung trong phiếu điều tra thu thập được chính xác.

Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế​-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015 là cuộc điều tra chọn mẫu. Quy mô mẫu được phân bổ bảo đảm mức độ đại diện thống kê về các dân tộc nói chung và từng dân tộc thiểu số nói riêng.

Đối với 16 dân tộc thiểu số có dân số ít người (có từ 10.000 người trở xuống theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009), điều tra viên sẽ tiến hành điều tra toàn bộ những hộ sống tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số.

Dự kiến tháng 12 tới, kết quả điều tra sẽ được công bố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục