Điều tra thu nhập hộ gia đình để tìm chuẩn nghèo đúng nghĩa

Việc thay đổi các chính sách hỗ trợ thoát nghèo giai đoạn 2016-2020 cần phải được quan tâm hơn bao giờ hết sau một thời gian dài các chính sách này bộc lộ nhiều hạn chế.
Điều tra thu nhập hộ gia đình để tìm chuẩn nghèo đúng nghĩa ảnh 1Việc điều tra, rà soát hộ nghèo đã bộc lộ nhiều hạn chế. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Sau một thời gian thực hiện, các chính sách hỗ trợ người nghèo đã bộc lộ nhiều hạn chế khiến người nghèo ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Giờ đây, khi việc tập trung ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã nghèo, huyện nghèo đã gần hoàn thiện thì việc thay đổi các chính sách hỗ trợ thoát nghèo giai đoạn 2016-2020 cần phải được quan tâm hơn bao giờ hết. 

Thoát nghèo trên... giấy tờ

Trong vài năm gần đây, rất nhiều ý kiến cho rằng việc ban hành chuẩn nghèo theo thu nhập chưa hợp lý, chưa phản ánh đúng được mức chênh lệch giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo. Thực tế, cho dù tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm nhưng đời sống của các hộ cận nghèo vẫn gặp nhiều khó khăn và ranh giới giữa nghèo và cận nghèo khá “mong manh,” chỉ chênh lệch 120.000-150.000 đồng/người/tháng.

Trước những ý kiến này, ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thừa nhận, về bản chất, chuẩn hộ nghèo, cận nghèo đang được áp dụng trong giai đoạn 2011-2015 theo quyết định số 09/2011/QĐ-TTg không phải là chuẩn nghèo đúng nghĩa mà chỉ là chuẩn để thực hiện chính sách giảm nghèo.

“Nếu chuẩn nghèo đúng nghĩa thì mức tính hiện nay phải từ 600.000-800.000 đồng/người/tháng nhưng vì chỉ dùng chuẩn nghèo chính sách theo giai đoạn nên chúng ta không được cập nhật chỉ số giá tiêu dùng hàng năm để tăng chuẩn nghèo. Thực tế, người dân mới chỉ thoát nghèo theo chuẩn chính sách chứ chưa phải là thoát nghèo đúng nghĩa,” ông Ngô Trường Thi nói.

Về thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm giải thích: “Khoảng cách giữa hộ nghèo và cận nghèo không nhiều. Thực tế, nếu tính đúng theo mức sống tối thiểu thì phần lớn hộ cận nghèo sẽ rơi xuống diện nghèo. Tuy nhiên, do điều kiện và nguồn lực của Việt Nam có hạn, chúng ta phải ưu tiên chỗ khó khăn và người nghèo nhất trước để phân chia thành các mức hỗ trợ khác nhau.”

Mặt khác, để khắc phục tình trạng tái nghèo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, các chính sách hỗ trợ có hộ cận nghèo sẽ tăng thêm trong thời gian tới về mức vay vốn tín dụng, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ sinh kế… Mặt khác, những chính sách “cho không” tạo sự ỷ lại quá lớn cho hộ nghèo cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng cho vay có điều kiện với thời hạn nhất định. Riêng các hộ nghèo nhưng thực sự không có khả năng thoát nghèo sẽ được đưa vào diện bảo trợ xã hội.

Điều tra thu nhập hộ gia đình để tìm chuẩn nghèo đúng nghĩa ảnh 2Hộ cận nghèo sẽ được tăng mức hỗ trợ vay vốn tín dụng để giảm nghèo bền vững hơn. (Ảnh: TTXVN)

Bình xét làm nảy sinh tiêu cực

Hiện nay, việc thực hiện bình xét hộ nghèo tại một số địa phương đã nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực như: Thay phiên nhau nhận hộ nghèo, chạy theo thành tích giảm tỷ lệ nghèo, ỷ lại vào các chính sách hộ trợ… Chính vì vậy, việc thay đổi cách bình xét hộ nghèo, cận nghèo đang được xem xét.

Theo ông Ngô Trường Thi, việc bình xét hộ nghèo không còn mang tính tích cực nữa khi mà kết quả phải theo ý kiến số đông. Chính vì vậy, việc xét hộ nghèo trong giai đoạn 2016-2020 sẽ thay đổi hoàn toàn khi được giao cho Tổng Cục thống kê. Các điều tra viên của Tổng Cục thống kê sẽ phân loại đối tượng, điều tra theo thu nhập hộ gia đình… để đảm bảo tính khách quan. Việc xem xét hộ nghèo, cận nghèo sẽ dựa vào kết quả điều tra thu nhập của hộ gia đình.

Việc đánh giá mức độ giảm nghèo hàng năm cũng sẽ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố dựa trên kết quả khảo sát thực tế của Tổng Cục thống kê. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, việc thay đổi cách thức điều tra hộ nghèo, cận nghèo này sẽ giải quyết được “bệnh thành tích” của các địa phương.

Mặt khác, theo quy định hiện nay, sự chênh lệch mức thu nhập của hộ nghèo và hộ cận nghèo (chỉ từ 120.000-150.000 đồng/người/tháng) không đáng kể dẫn tới tỷ lệ tái nghèo cao, kết quả giảm nghèo không bền vững.

Để có giải pháp lâu dài, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng việc thiết kế chính sách đánh giá hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 sẽ không tính theo từng năm mà theo giai đoạn, tránh sự không ổn định trong chính sách cũng như tâm lý người dân.

Về đề xuất cụ thể, ông Ngô Trường Thi cho biết, trong giai đoạn năm 2016-2020, công tác giảm nghèo sẽ không triển khai việc điều tra hộ nghèo theo từng năm mà thay vào đó sẽ thống nhất tiến hành điều tra theo cả giai đoạn, trong đó điều tra đầu kỳ vào năm 2015, đánh giá giữa kỳ năm 2018 và đánh giá cuối kỳ năm 2020. 

“Các hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hưởng chính sách ổn định trong thời gian từ 2-3 năm. Sau đó, chúng ta sẽ đánh giá kết quả của quá trình hỗ trợ, nếu họ thoát nghèo thực sự thì mới đưa ra khỏi diện hộ nghèo,” ông Ngô Trường Thi nói.

Như vậy, trong giai đoạn 2016-2020, những hạn chế trong điều tra, rà soát hộ nghèo sẽ được khắc phục. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo cũng sẽ thay đổi theo hướng tăng hỗ trợ cho các hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ tái nghèo và hạn chế hỗ trợ “cho không” tạo sự ỷ lại cho người cho người nghèo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục