Điều tra các vụ lạm dụng tình dục trẻ em tại Cộng hòa Trung Phi

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã công bố thành lập một hội đồng điều tra độc lập nhằm làm sáng tỏ vụ việc liên quan tới lạm dụng tình dục ở Trung Phi.
Điều tra các vụ lạm dụng tình dục trẻ em tại Cộng hòa Trung Phi ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Trước các cáo buộc về công tác điều tra thiếu trách nhiệm liên quan tới việc các binh sỹ của Pháp và châu Phi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi có hành vi lạm dụng tình dục trẻ em, ngày 3/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã công bố thành lập một hội đồng điều tra độc lập nhằm làm sáng tỏ vụ việc trên.

Tuyên bố của Văn phòng Tổng thư ký Ban Ki-moon nêu rõ việc thành lập một hội đồng độc lập là cần thiết và người đứng đầu cơ quan này sẽ được công bố trong những ngày tới.

Hội đồng điều tra độc lập sẽ xem xét lại việc xử lý các báo cáo trước đây về tình trạng lạm dụng tình dục tại Cộng hòa Trung Phi cũng như một loạt các vấn đề hệ thống liên quan tới cách thức giải quyết của Liên hợp quốc đối với các thông tin nghiêm trọng như trên.

Cũng theo tuyên bố trên, Tổng Thư ký Ban Ki-moon hết sức lo ngại trước các cáo buộc về lạm dụng tình dục của các binh sỹ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi cũng như những cáo buộc về cách thức xử lý vụ việc của một loạt các bộ phận có liên quan trong hệ thống Liên hợp quốc.

Việc thành lập hội đồng này đồng thời khẳng định cam kết của Liên hợp quốc trong việc đảm bảo sự công bằng cho các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, nhất là khi họ lại bị lạm dụng bởi chính những người được giao trách nhiệm bảo vệ họ.

Trước đó, hồi cuối tháng Tư vừa qua, tờ Guardian của Anh đã trích dẫn một báo cáo bị rò rỉ của nhóm vận động Aids-Free World (AFW) cho biết trong khoảng thời gian từ cuối năm 2013 đến giữa năm 2014, các binh sỹ Pháp được triển khai tại trung tâm lánh nạn trong khu vực sân bay quốc tế Mpoko ở Bangui đã ép buộc các em nhỏ quan hệ tình dục để đổi lấy thực phẩm và tiền bạc.

Hiện Chính phủ Pháp đang tiến hành điều tra 14 binh sỹ Pháp bị nghi ngờ có hành vi trên, đồng thời cam kết sẽ áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất đối với những người phải chịu trách nhiệm.

Báo cáo của AFW không phải là mới bởi những cáo buộc binh sỹ gìn giữ hòa bình của Pháp lạm dụng tình dục trẻ em tại Cộng hòa Trung Phi, nơi họ được cử đến để ngăn chặn bạo lực và khôi phục trật tự an ninh, đã xuất hiện từ năm 2013.

Một tài liệu của Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc cũng trích dẫn 10 trẻ em ở Cộng hòa Trung Phi tố cáo các hành vi tương tự của lính Pháp trong khu vực trại tị nạn ở thủ đô Bangui trong cùng thời điểm. Liên hợp quốc đã tiến hành cuộc điều tra về vụ việc này từ hồi năm ngoái.

Cùng ngày, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố báo cáo cho thấy hầu hết trẻ em là nạn nhân của tình trạng bạo lực tại khu vực Trung Âu, Đông Âu và Trung Á đều không có tiếng nói và không có cơ hội nộp đơn tố cáo lên tòa án.

Trong báo cáo mang tên "Sự tiếp cận công bằng của trẻ em đối với tư pháp tại khu vực Trung Âu, Đông Âu và Trung Á," UNICEF nêu rõ những hành vi vi phạm quyền trẻ em tại những khu vực trên hầu như không được báo cáo hoặc không được các cơ quan pháp luật xem xét.

Những hành vi này bao gồm việc không cho các trẻ em khuyết tật có cơ hội đến trường hoặc ép buộc những em nhỏ này sống xa cha mẹ; từ chối cấp thẻ căn cước cũng như cung cấp các phúc lợi xã hội cho trẻ em trong những gia đình nghèo khó; coi thường lợi ích tốt nhất của trẻ em liên quan đến vấn đề giám hộ khi cha mẹ ly hôn.

Trao đổi với báo giới, bà Susan Bissell, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ trẻ em của UNICEF, thừa nhận mặc dù thực tế mỗi ngày lại có nhiều trẻ em trên thế giới bị bạo hành, song chỉ một phần nhỏ trong số đó có cơ hội được hệ thống pháp luật bảo vệ.

Bà kêu gọi chính phủ các nước và các đối tác chủ chốt cần cân nhắc đến những nhu cầu và quyền lợi đặc biệt của trẻ em khi triển khai cải cách hệ thống tư pháp.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những bước tiến đáng ghi nhận khi một số chính phủ trong khu vực đã và đang ngày càng điều chỉnh các thủ tục ở tòa án và đồn cảnh sát để phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ em.

Thông qua các trung tâm bảo vệ quyền trẻ em, các em nhỏ và gia đình có thể tiếp cận các thông tin về cách thức đòi bồi thường, được tư vấn pháp luật và xã hội cũng như liên hệ với các luật sư, bác sỹ hay các chuyên gia tâm lý.

Trong một số trường hợp, những đối tượng trên còn có thể nhận được hỗ trợ pháp lý trực tiếp để tiến hành các thủ tục tố tụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục