Điều làm nên sự độc đáo của điệu múa sư tử mèo ở Lạng Sơn

Múa sư tử mèo mang nhiều ý nghĩa, không chỉ thể hiện tinh thần thượng võ của người miền núi, mà còn là biểu tượng của sự may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.
Biểu diễn múa sư tử mèo. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Múa sư tử của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Lạng Sơn hay còn gọi là múa sư tử mèo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2017.

Để có những điệu múa sư tử mèo hấp dẫn, độc đáo, mang đậm văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số xứ Lạng không chỉ là sự khéo léo của người múa, mà phần quan trọng không kém là những đạo cụ như mặt sư tử, mặt báo đông, nả lình, chiêng, chũm xòe, đinh ba… của các nghệ nhân chế tạo ra.

Ở thôn Bản Kìa, xã miền núi Hội Hoan, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, nói tới nghệ nhân Hoàng Thanh Huy (sinh năm 1980) ai cũng biết, bởi là anh là một trong ít người còn lưu giữ được nghề nặn làm đầu tư sử, các con linh vật và đạo cụ khác trong nghi thức múa sư tử mèo.

[Đặc sắc điệu múa sư tử mèo của đồng bào Nùng ở xứ Lạng]

Chia sẻ về cơ duyên đến với việc chế tác đạo cụ múa sư tử mèo, nghệ nhân Hoàng Thanh Huy cho biết: “Năm 2003, tôi bắt đầu chế tạo mặt và các đạo cụ múa sư tử mèo. Ngay từ bé, tôi đã tìm thấy niềm vui và đam mê khi được cha ông hướng dẫn các bước làm ra các sản phẩm ấy.”

Để làm ra sản phẩm đạo cụ hay đầu tư sử mèo, từ một khuôn có sẵn, nghệ nhân Hoàng Thanh Huy phải khéo léo bôi hồ vào 2-3 lớp giấy, sau đó ép chặt vào khuôn sao cho khi lấy giấy lên dễ dàng mà không bị dính.

Ở mỗi lớp giấy, nghệ nhân bôi 2 lớp hồ bên trên và bên dưới để tạo kết dính. Bột được tạo ra từ sắn nên rất bền và bền hơn các loại keo khác… Cứ như vậy, mỗi năm nghệ nhân Huy làm từ 8 đến 12 sản phẩm để phục vụ biểu diễn cho địa phương.

“Tôi vẫn tiếp tục tạo ra những sản phẩm đầu sư tử mèo và các đạo cụ kèm theo để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa bà con trong thôn, xã và phục vụ lễ hội. Tôi thấy rất vui và tự hào khi sản phẩm của mình làm ra đã được mọi người trong xã, huyện và tỉnh biết đến và còn giới thiệu ra địa phương khác; qua đây góp phần bảo tồn được những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của dân tộc,” nghệ nhân Hoàng Thanh Huy chia sẻ.

Múa sư tử mèo. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Theo anh Nông Văn Tuyên, đội múa sư tử mèo thôn Cốc Lào, xã Hội Hoan, hiện nay ở xã chỉ còn nghệ nhân Hoàng Thanh Huy là người còn lưu giữ được nghề làm mặt nạ sư tử mèo và các linh vật khác trong nghi thức múa sư tử.

Anh là nghệ nhân được các cụ truyền dạy lại những tinh hoa của nghề nên các thao tác làm rất thuần thục. Đầu con sư tử mèo của nghệ nhân Huy làm ra đều đẹp, đường vẽ sắc nét, màu sắc hài hòa, hội tụ đầy đủ thần thái của con sư tử.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hội Hoan Hoàng Văn Hưởng cho biết nghệ nhân Hoàng Thanh Huy còn hướng dẫn nhiều người khác cách làm mặt nạ sư tử mèo.

Để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc múa sư tử mèo, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có kế hoạch đề nghị cơ quan cấp trên tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí nghệ nhân bảo tồn nghề làm đầu sư tử.

Còn với nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Cải (sinh năm 1976, ở Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), trải qua 24 năm gắn bó, thực hành và truyền dạy những điệu múa sư tử mèo, anh đã rất thuần thục với các trò diễn, các quy tắc trong nghi thức, nghi lễ, hoạt động múa sư tử truyền thống của dân tộc Tày, Nùng; với các điệu múa thó tỳ, múa chúc mừng năm mới, múa tại lễ hội, múa võ tay không, múa đinh ba chạc, nhảy qua ống cót…

Nghệ nhân Hoàng Văn Cải cho biết múa sư tử mèo mang nhiều ý nghĩa, không chỉ thể hiện tinh thần thượng võ của người miền núi, mà còn là biểu tượng của sự may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.

Để góp phần gìn giữ di sản, ông đã truyền dạy cho khoảng 100 học trò là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại địa. Sau khi học, các em có thể thực hành điệu múa, trò diễn trong múa sư tử, tham gia trình diễn trong các dịp lễ tết, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa…

Múa sư tử mèo là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, chứa đựng nhiều thành tố như âm nhạc, múa, võ thuật…, thể hiện một cách sinh động, hấp dẫn.

Tỉnh Lạng Sơn hiện có trên 600 nghệ nhân có thể thực hành các điệu múa, trò diễn; trên 200 nghệ nhân có khả năng truyền dạy, chế tác đầu sư tử và các đạo cụ liên quan.

Sau khi được Bộ Văn hóa, Thể  thao và Du lịch công nhận múa sư tử mèo là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, công tác bảo tồn di sản này luôn được các cấp, ngành và nhiều người dân tỉnh Lạng Sơn quan tâm. Tỉnh đã triển khai đề án Bảo tồn, phát huy giá trị múa sư tử dân tộc Tày, Nùng giai đoạn 2021-2030 với các nội dung về phụng dựng, bảo tồn một số điệu múa, trò diễn; truyền dạy gắn với xây dựng, hình thành và khôi phục đội múa sư tử dân tộc Tày, Nùng.

Lạng Sơn tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu múa sư tử dân tộc Tày, Nùng; xây dựng mô hình làng văn hóa truyền thống về bảo tồn và phát huy giá trị múa sư tử gắn liền với phát triển du lịch… qua đó góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản của đồng bào dân tộc thiểu số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục