Hy vọng. Chờ đợi. Biểu tình. Bắt bớ. Những cuộc thảo luận thâu đêm. Những cam kết. Hứa hẹn… Tất cả giờ đã trở thành câu chuyện quá khứ - một quá khứ không lấy gì làm vui - khi mà điều cả thế giới mong muốn đã không xảy ra.
Hội nghị lần thứ 15 (COP15) của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã khép lại sau hai tuần thảo luận căng thẳng với một thành quả ít ỏi là các bên chỉ đạt được một “thỏa thuận chính trị”, dù đã có sự góp mặt của 130 nguyên thủ quốc gia cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ tới tận phút chót của các nhà lãnh đạo thế giới.
Một thỏa thuận ràng buộc về pháp lý cho công tác chống biến đổi khí hậu toàn cầu từ sau năm 2012 đành phải được “bảo lưu” tới hội nghị sau ở Mexico, với hy vọng các bên sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị cho một cuộc chơi lớn.
Nước chủ nhà mất điểm
Trong bất kỳ cuộc họp lớn nào, đặc biệt là những cuộc họp về những vấn đề quan trọng của thế giới, nước chủ nhà luôn giữ vai trò quan trọng trong việc điều phối quan điểm các bên và dẫn dắt các cuộc thảo luận để có thể mang lại kết quả tốt nhất.
Hội nghị lần thứ 15 (COP15) của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã khép lại sau hai tuần thảo luận căng thẳng với một thành quả ít ỏi là các bên chỉ đạt được một “thỏa thuận chính trị”, dù đã có sự góp mặt của 130 nguyên thủ quốc gia cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ tới tận phút chót của các nhà lãnh đạo thế giới.
Một thỏa thuận ràng buộc về pháp lý cho công tác chống biến đổi khí hậu toàn cầu từ sau năm 2012 đành phải được “bảo lưu” tới hội nghị sau ở Mexico, với hy vọng các bên sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị cho một cuộc chơi lớn.
Nước chủ nhà mất điểm
Trong bất kỳ cuộc họp lớn nào, đặc biệt là những cuộc họp về những vấn đề quan trọng của thế giới, nước chủ nhà luôn giữ vai trò quan trọng trong việc điều phối quan điểm các bên và dẫn dắt các cuộc thảo luận để có thể mang lại kết quả tốt nhất.
Điều này càng trở nên quan trọng tại Hội nghị Copenhagen vì đây được coi là một sự kiện lịch sử, đánh dấu kết thúc quá trình đàm phán 2 năm theo Kế hoạch hành động Bali, đã được các nước nhất trí tại Hội nghị lần thứ 13 ở đảo Bali (Indonesia) năm 2007.
Tuy nhiên, những gì mà nước chủ nhà Đan Mạch thể hiện đã gây thất vọng lớn không chỉ cho các nhà đàm phán mà còn với toàn thể người dân thế giới, mà phần lớn trong số họ là nạn nhân trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu. Mọi việc bắt đầu sau khi tờ Người bảo vệ (Anh) ngày 9/12 bất ngờ đăng tải toàn bộ nội dung của dự thảo bí mật do nước chủ nhà soạn thảo với mục đích đưa văn kiện này trở thành dự thảo chính thức để hội nghị thông qua. Vấn đề sẽ không có gì bàn cãi nếu như các đề xuất đưa ra trong dự thảo không đi ngược lại nguyên tắc của Nghị định thư Kyoto trong việc quy định trách nhiệm cắt giảm khí thải của các nước phát triển và các nước đang phát triển. Theo đó, dự thảo quy định các nước đang phát triển phải chấp nhận một số định mức cắt giảm khí thải ở mức không được vượt quá 1,44 tấn CO2/người/năm vào 2050, trong khi giới hạn của các nước phát triển là 2,67 tấn/người/năm. Ngoài ra, dự thảo cũng trao nhiều quyền hơn cho các nước phát triển và Ngân hàng Thế giới (WB) trong việc kiểm soát các quỹ chống biến đổi khí hậu; gạt bỏ vai trò của Liên hợp quốc trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu trong tương lai; đồng thời phân nhóm các nước nghèo theo mức độ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và quy định các khoản viện trợ dựa trên hành động cụ thể của từng nước. Thông tin này đã ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của các nước đang phát triển với cáo buộc chính phủ Đan Mạch cố tình chơi trò “qua mặt” khi tự ý dự thảo thỏa thuận mà không tham khảo ý kiến của các bên. Tuy nhiên, những nghi vấn về “ý đồ” của Đan Mạch chỉ thực sự nổi lên khi có sự kết nối những sự kiện (dường như vô tình) xảy ra tại hội nghị. Trong 3 ngày liên tục, một bộ trưởng của Trung Quốc (không được nêu tên) đã không thể “qua cổng an ninh” vì một lý do rất đơn giản là... trục trặc thông tin trên hệ thống máy tính. Tiếp đó là việc cảnh sát Đan Mạch thực hiện hàng loạt vụ bắt bớ đối với những người biểu tình đòi “công lý cho khí hậu” và ngăn không cho hàng nghìn đại diện của các tổ chức phi chính phủ vào bên trong trung tâm hội nghị, dù họ đã được cấp thẻ an ninh. Tất nhiên, điều hành một hội nghị lớn như COP15 không phải là điều dễ dàng, nhất là khi nội dung hội nghị đề cập đến một loạt vấn đề tranh cãi có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Chính vì vậy, sau những sự cố trên, nước chủ nhà Đan Mạch đã rất nỗ lực lấy lại hình ảnh của mình nhưng mọi cố gắng cũng không giúp ích gì nhiều khi Chủ tịch hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Đan Mạch, bà Conni Hedegaard, từ chức một cách khó hiểu chỉ hai ngày trước khi hội nghị kết thúc, giữa lúc tin đồn về “Dự thảo Đan Mạch” vẫn còn là một dấu hỏi lớn cho tới khi đích thân Thủ tưởng nước chủ nhà phải lên tiếng bác bỏ. Tan vỡ giấc mộng “Hopenhagen” Một trong những khẩu hiệu được nước chủ nhà nhắc tới không ít lần trong suốt quá trình diễn ra hội nghị là: “Hãy đưa Copenhagen trở thành Hopenhagen” (mượn từ "hope" trong tiếng Anh, có nghĩa là hy vọng). Thế nhưng ước mong đó đã không trở thành sự thật khi mà hội nghị không thể đạt được một thỏa thuận “công bằng, bình đẳng và ràng buộc” nhằm tạo cơ sở cho các hành động chống biến đổi khí hậu sau năm 2012, khi giai đoạn I của Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực. Trong phiên họp cuối cùng của hội nghị được kéo dài liên tục hơn 24 giờ do sự bất đồng sâu sắc giữa các nước trong một loạt vấn đề, các đại biểu cuối cùng cũng chỉ đạt được một “thỏa thuận chính trị yếu” với những quy định “ít tham vọng” và rất chung chung trong việc hạn chế gia tăng nhiệt độ Trái đất, khống chế lượng khí thải và tăng nguồn tài chính giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với nhiều nước, thỏa thuận này trên thực tế chỉ là một sự công nhận miễn cưỡng đối với Hiệp ước Copenhagen do Mỹ và 4 quốc gia mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi) đề xuất. Ngay cả đối với Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, mặc dù chính thức công nhận Hiệp ước Copenhaghen song tuyên bố đưa ra sau hội nghị cũng chỉ khẳng định “các bên sẽ lưu ý” đến hiệp ước này. Đối với hàng trăm triệu người dân thế giới, đặc biệt là những người đang và sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và những người đã luôn dõi theo mọi diễn biến của hội nghị trong suốt hai tuần qua, kết quả đạt được có thể nói là một sự thất vọng lớn bởi nó không những thể hiện sự bất lực của các nhà lãnh đạo thế giới trong việc hợp lực ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu mà còn cho thấy những mâu thuẫn ngày càng lớn giữa các nước trong việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Các nước đang phát triển yêu cầu các nước phát triển phải có cam kết mạnh mẽ cắt giảm khí thải trong khoảng 40-45% so với năm 1990 nhằm đảm bảo nhiệt độ Trái Đất không vượt quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nước châu Phi và quốc đảo nhỏ thậm chí yêu cầu cắt giảm mạnh hơn để giữ nhiệt độ tăng dưới 1,5 độ C, đồng thời yêu cầu đến năm 2015 phải được nhận mức hỗ trợ tài chính tối thiểu 50 tỷ USD/năm và tăng lên 100 tỷ USD/năm vào 2020 để thực hiện các biện pháp giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, các nước phát triển đòi loại bỏ Nghị định thư Kyoto vì cho rằng họ chỉ phát thải tổng cộng 30% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, do đó các nước đang phát triển mới nổi cũng phải có nghĩa vụ cắt giảm khí nhà kính. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi cương quyết bác bỏ với lý do họ có quyền được phát triển kinh tế để nâng cao điều kiện sống cho phần lớn người dân vẫn đang sống trong điều kiện rất khó khăn. Không chỉ tồn tại mâu thuẫn giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển mà trong nội bộ từng nhóm cũng xuất hiện những quan điểm trái chiều. Nhóm các nước chậm phát triển và quốc đảo nhỏ yêu cầu các nền kinh tế mới nổi cũng phải cam kết cắt giảm khí thải nhưng đã bị bác bỏ vì điều này không quy định trong Nghị định thư Kyoto.
Trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU), chia rẽ cũng xuất hiện giữa một bên là các nước như Anh, Pháp muốn đưa ra mục tiêu cắt giảm mạnh hơn nữa (lên tới 30% vào năm 2020, so với mức của năm 1990) với một bên là những nước ít phát triển hơn chỉ muốn giảm tối đa 20%. Mỹ là nước phát triển ngoài EU đưa ra cam kết cắt giảm thấp nhất (17% so với năm 2005).
Đúng như dự đoán. Với quá nhiều bất đồng và việc rất nhiều nhà lãnh đạo không vượt qua được quyền lợi quốc gia để hướng tới một thỏa thuận toàn cầu lớn hơn, hội nghị đã kết thúc với một kết quả đáng thất vọng là các bên chỉ đưa ra được một thỏa thuận chung mang tính chính trị, dù đã có tới 2 năm thảo luận với hàng chục cuộc họp và hội nghị cấp cao. Tuy nhiên, có vẫn hơn không. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon cũng đã nói: “Hiệp ước Copenhagen không phải là một văn kiện được tất cả các bên mong đợi nhưng nó là một sự khởi đầu cần thiết”. Một sự khởi đầu giúp các bên có thể đạt được những cam kết cụ thể sau này và tạo nền tảng cho việc đạt được một thỏa thuận pháp lý ràng buộc tại Hội nghị lần thứ 16 ở Mexico./.
Vũ Hà (TTXVN/Vietnam+)