Điều kiện cần cho quan hệ Ấn-Trung và các dự án kết nối khu vực

Giữa Ấn Độ và Trung Quốc có rất nhiều ràng buộc, vì vậy sự cứng nhắc và hoài nghi sẽ trở thành những yếu tố gây tổn hại cho các mối quan hệ chặt chẽ này.
Điều kiện cần cho quan hệ Ấn-Trung và các dự án kết nối khu vực ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: news.cn)

Theo trang mạng moderndiplomacy.eu, phát biểu trong một buổi lễ gần đây, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Kolkata (thủ phủ bang Tây Bengal, Ấn Độ - tên cũ là Calcutta) Ma Zhanwu đã nhắc đến đề xuất xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối liền thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) với Kolkata.

Báo The Diplomat dẫn lời ông nói: “Một tuyến đường sắt nối liền hai thành phố sẽ được xây dựng với nỗ lực của cả Ấn Độ và Trung Quốc.”

Điều đáng nói ở đây là đề xuất xây dựng đường sắt tốc độ cao tại Côn Minh đã được đưa ra thảo luận từ Hội nghị Tiểu vùng Mekong Mở rộng năm 2015.

Việc thúc đẩy sự kết nối giữa Ấn Độ và Trung Quốc thông qua hành lang đa dạng Kolkata-Côn Minh/ Hành lang Kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar (BCIM), kéo dài khoảng 2.800km, đã được đưa ra thảo luận suốt 2 thập kỷ thông qua đối thoại Kolkata-Côn Minh.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, hai thành phố Côn Minh và Kolkata đã thiết lập quan hệ hữu nghị.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc tỏ ra khá tích cực với việc tiếp cận Thủ hiến bang Tây Bengal Mamata Banerjee, và đã nhiều lần mời bà tới Trung Quốc, dù chưa có chuyến thăm nào được thực hiện.

Bà Banerjee dự kiến tới Trung Quốc vào tháng 6/2018 song chuyến đi này đã bị hủy vào phút chót.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cũng tỏ ý quan tâm tới các cơ hội tại Tây Bengal và đã tham dự Hội nghị Kinh doanh Toàn cầu Bengal 2018.

[Động thái của Ấn Độ với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Hành lang BCIM được xem là một dự án phù hợp với tầm nhìn và các dự định của Ấn Độ trong khuôn khổ Chính sách Hành động hướng Đông nhằm kết nối với Đông Nam Á.

Tuy nhiên, những căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc do mâu thuẫn ở Doklam, hay việc Trung Quốc muốn đưa BCIM nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã ảnh hưởng tiêu cực tới quyết tâm của Ấn Độ trong việc thúc đẩy dự án này.

Cuộc khủng hoảng Rohingya, hay căng thẳng giữa Bangladesh và Myanmar cũng là những trở ngại lớn đối với BCIM.

Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao là một dự án đầy tham vọng song Ấn Độ không nên chỉ chú trọng vào BCIM mà còn cần để tâm tới dự án có tên Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar (biên bản ghi nhớ của dự án này đã được ký vào ngày 9/9/2018).

Đã có nhiều cuộc thảo luận diễn ra xung quanh dự án song vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan tới những tác động về kinh tế đối với Myanmar (nhiều căng thẳng xoay quanh dự án cảng nước sâu Kyaukphyu cũng như dự án xây dựng Vùng Kinh tế Đặc biệt).

Trong nội bộ chính phủ ngày càng có nhiều tranh cãi về cái gọi là “ngoại giao bẫy nợ” khi các quan chức bày tỏ lo ngại của mình (cổ phần của tập đoàn Trung Quốc CITIC tại cảng nước sâu Kyaukphyu đã giảm từ 85% xuống còn 70% do áp lực của dư luận Myanmar).

Myanmar cũng từng khẳng định họ không lệ thuộc vào các khoản đầu tư từ Trung Quốc mà các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan cũng có góp vốn đầu tư.

Điều thú vị là đề xuất về dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Kolkata-Côn Minh được nhắc đến chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc và Myanmar ký thỏa thuận. Trên thực tế, Trung Quốc muốn mở rộng hành lang này tới tận Ấn Độ.

Thực tế Ấn Độ có quyền tự do lựa chọn việc tham gia hay không những phần dự án mà họ cảm thấy không phù hợp. Trong khi đó, những dự án như BCIM, nơi Ấn Độ có thể tìm tiếng nói chung với Trung Quốc, có thể thúc đẩy hạ tầng cơ sở tại vùng Đông và Đông Bắc Ấn Độ, đồng thời góp phần thúc đẩy Chính sách Hành động hướng Đông.

Sau hội nghị cấp cao tại Vũ Hán giữa Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình, người ta nhận thấy có một sự thay đổi rõ rệt trong lập trường và thái độ của Bắc Kinh. Trung Quốc đã thể hiện mong muốn hợp tác cùng Ấn Độ tại Afghanistan, nhất là về các dự án xây dựng.

Đây là điều rất khó tưởng tượng ở thời điểm cách đây vài năm.

Mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ giữa Trung Quốc và một quốc gia Nam Á khác là Nepal khiến New Delhi phải cảnh giác và có thể là trở ngại trong quan hệ giữa hai nước.

Ấn Độ đặc biệt không hài lòng với việc Trung Quốc cho phép Nepal tiếp cận các cảng biển ở Thiên Tân, Thâm Quyến, Liên Vân Cảng và Trạm Giang.

Những người thực dụng cho rằng New Delhi không thể gây tác động tới mối quan hệ Nepal-Trung Quốc và có một thực tế là Kathmandu sẽ tìm cách được hưởng lợi về mặt kinh tế từ cả mối quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc.

Tuy nhiên điều thú vị là Trung Quốc đang khích lệ Nepal thúc đẩy quan hệ kinh tế với Ấn Độ. Trong chuyến thăm Bắc Kinh, Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Oli đã có những nỗ lực đáng kể để củng cố quan hệ giữa Kathmandu với New Delhi, cũng như giữa Kathmandu và Bắc Kinh.

Ông nhấn mạnh rằng tiến bộ kinh tế của cả hai nước (Ấn Độ và Trung Quốc) là cơ hội đối với Nepal, và Nepal muốn trở thành cầu nối cho hai nước, chứ không muốn vướng vào một cuộc cạnh tranh địa chính trị một mất một còn.

Cựu Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal (Prachanda) cũng từng khẳng định trong chuyến thăm Ấn Độ về tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ chặt chẽ giữa Nepal với cả Ấn Độ và Trung Quốc.

Giữa Ấn Độ và Trung Quốc có rất nhiều ràng buộc, vì vậy sự cứng nhắc và hoài nghi sẽ trở thành những yếu tố gây tổn hại các mối quan hệ chặt chẽ này.

New Delhi cũng không nên “bỏ tất cả trứng vào một giỏ,” hay chỉ chú trọng tới quan hệ gần gũi với Mỹ.

Dù quan hệ chiến lược Ấn-Mỹ đã có những cải thiện và Washington cũng nhiều lần nhắc đến sự cần thiết của việc gia tăng kết nối trong khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” song khó có khả năng Mỹ sẽ tích cực đầu tư vào các dự án kết nối kinh tế khu vực. Và vì vậy, Ấn Độ không nên hoàn toàn phớt lờ các sáng kiến kết nối do Trung Quốc dẫn đầu.

New Delhi cần thể hiện sự thực tế của mình, trong khi Bắc Kinh cần giải quyết những lo ngại của Ấn Độ, và nhiều quốc gia khác về các khúc mắc xung quanh BRI để các dự án kết nối khu vực thực sự có thể đạt tới thành công như trông đợi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục