Điều hành tỷ giá linh hoạt, tránh gây "sốc” cho nền kinh tế

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần linh hoạt trong chính sách tỷ giá nhưng phải làm sao để khi điều chỉnh không gây “sốc” cho nền kinh tế.
Giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng. (Ảnh: Kiều Khanh/Vietnam+)

Năm 2013 đã khép lại, Ngân hàng Nhà nước đã không điều chỉnh tỷ giá quá 2-3% như đã cam kết hồi đầu năm. Cùng với đó, tại một số thời điểm dù chịu nhiều sức ép, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ đúng cam kết. Điều này không chỉ tạo niềm tin cho thị trường mà còn được đánh giá là thành công nổi bật trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2013.

Những bài học thành công

Với những thành công trong điều hành tỷ giá thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã đồng thời đạt được hai mục tiêu quan trọng là ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Cùng với đó, lòng tin vào đồng nội tệ của Việt Nam được nâng cao, tâm lý găm giữ ngoại tệ được đẩy lùi một bước.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là điều hành tỷ giá theo hướng ổn định nhưng trong trạng thái động và các giải pháp điều hành phải linh hoạt. Do vậy, trong những giai đoạn nhất định khi cần can thiệp thị trường có thể phải mua, có thể phải bán thì Ngân hàng Nhà nước đều có những biện pháp kết hợp về điều hành tiền tệ khác.

Thực tế thời gian qua đã minh chứng cho điều này. Cụ thể, khi có những thông tin trái chiều bất lợi, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái can thiệp kịp thời, cùng với đó là những động thái tuyên truyền, giải thích, định hướng và khẳng định quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

“Sự nhất quán này đã tạo được niềm tin của thị trường và những biến động nếu có chỉ mang tính nhất thời và chúng ta vẫn duy trì được một thị trường ngoại hối ổn định, tăng được dự trữ ngoại hối rất đáng kể trong thời gian vừa qua,” Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến khẳng định.

Trong kết quả điều hành tỷ giá, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng có sự kết hợp giữa những giải pháp về cơ chế, chính sách với những giải pháp mang tính hành chính và công tác về thông tin truyền thông.

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến khẳng định những giải pháp rất quan trọng trong năm qua làm cho điều hành tỷ giá thành công là chính sách về quản lý ngoại hối, vàng và chống đôla hóa.

“Với những chính sách này, ban đầu có khá nhiều ý kiến khác nhau nhưng có thể khẳng định chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu. Quá trình sử dụng vàng như một công cụ kinh doanh tài chính, công cụ huy động, cho vay đã được chấm dứt, việc người dân mua bán vàng khi có nhu cầu vẫn được tổ chức bằng mạng lưới phù hợp. Chính điều đó làm cho tỷ giá ổn định,” Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến nói.

Cùng quan điểm này, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng từng nhìn nhận việc tỷ giá ổn định không tự nhiên mà có, tự thân Ngân hàng Nhà nước đã nhìn thấy sớm và gỡ "kíp nổ tỷ giá," đồng thời gỡ bỏ vàng ra khỏi hệ thống tổ chức tín dụng. Những biện pháp hành chính có vẻ hơi khắc nghiệt, nhưng đã làm sức hấp dẫn đô la Mỹ thấp hơn tiền đồng Việt Nam.


Điều hành linh hoạt nhưng tránh gây “sốc” cho nền kinh tế

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến, chính sách về tỷ giá cần được thực hiện nhất quán trong thời gian tới. Đó là ổn định tỷ giá, thực hiện linh hoạt các biện pháp đối với thị trường ngoại hối, tích cực nâng cao dự trữ ngoại hối, giảm dần tình trạng đôla hóa cũng như vàng hóa nền kinh tế và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Với mục tiêu mà Quốc hội cũng như Chính phủ đã đề ra cho năm 2014, tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8%, lạm phát sẽ kiểm soát ở mức 7%. Trong điều kiện đó, chính sách tỷ giá cơ bản sẽ được điều hành một cách ổn định như trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng linh hoạt trong chính sách tỷ giá nhưng phải làm sao để khi có điều chỉnh sẽ không gây “sốc” cho nền kinh tế. Và việc này sẽ phải được nhà điều hành cân nhắc thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường ở từng thời điểm.

Trả lời cho vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng để linh hoạt hóa tỷ giá mà không để lại hệ quả xấu cho nền kinh tế thì cần một số tiền đề như Ngân hàng Nhà nước phải làm chủ thị trường tiền tệ một cách vững chắc, có thể điều hành lãi suất tương đối chủ động, đặc biệt là lãi suất ngắn hạn. Cùng với đó, thị trường cần áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro về tỷ giá. Hiện nay trên thị trường, việc áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro chiếm tỷ trọng khá nhỏ.

Dù đã gặt hái được những thành công trong điều hành tỷ giá thời gian qua nhưng Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối vẫn cho rằng trong giai đoạn tới, chính sách tỷ giá vẫn đối mặt với ba áp lực lớn. Đó là sự mất cân đối cung cầu, hiện tượng đầu cơ và áp lực từ yếu tố tâm lý bất ổn của người dân. Vấn đề của người điều hành là phải xác định được khi thị trường có áp lực thì xuất phát từ đâu để đưa ra các giải pháp phù hợp. Nếu từ mất cân đối cung cầu thì khả năng điều chỉnh là lớn, nếu xuất phát từ tâm lý và đầu cơ thì có thể áp dụng những giải pháp khác.

Ở cương vị đứng đầu của Vụ quản lý ngoại hối, ông Nguyễn Quang Huy dường như rất “thấm thía” những khó khăn, áp lực khi phải đảm bảo mục tiêu giữ ổn định tỷ giá, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Theo ông, điều hành tỷ giá là việc rất khó vì tỷ giá vừa là công cụ, vừa là mục tiêu điều hành và khi đã là công cụ thì nó gánh trên mình rất nhiều yêu cầu liên quan đến tăng dự trữ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng khả năng cạnh tranh, đảm bảo cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn.

“Chính vì vậy, điều hành tỷ giá đòi hỏi nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc nhiều yếu tố trước khi đưa ra chính sách. Vì vậy, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá một cách ổn định, phù hợp với mục tiêu, chính sách của Chính phủ,” ông Nguyễn Quang Huy một lần nữa khẳng định./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục