Điều hành tỷ giá 2017: Tỷ giá trung tâm có còn là "vũ khí tối tân"?

Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục lựa chọn và điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm, cùng các công cụ hỗ trợ khác để giữ ổn định thị trường.
Điều hành tỷ giá 2017: Tỷ giá trung tâm có còn là "vũ khí tối tân"? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietcombank)

“Chúng tôi đánh giá về cung cầu ngoại tệ, đánh giá về diễn biến tình hình quốc tế và khu vực, đánh giá động thái của nhà đầu tư nước ngoài, động thái của ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là Mỹ, cho thấy tình hình đòi hỏi chúng ta phải linh hoạt và chủ động hơn rất nhiều.”

Đó là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng về điều hành tỷ giá năm 2017.

Tỷ giá trung tâm tránh được những cú sốc lớn

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, ngay từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước thực hiện công bố tỷ giá trung tâm biến động linh hoạt hàng ngày theo sát diễn biến thị trường trong, ngoài nước và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều này đã giúp hạn chế các cú sốc bên ngoài và giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ, hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước thông tin: So với đầu năm, tỷ giá VND/USD tăng khoảng 1,1-1,2%, thanh khoản thị trường tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Tại một số thời điểm tỷ giá tăng do yếu tố tâm lý bởi biến động trên thị trường quốc tế như sự kiện Brexit, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, Fed tăng lãi suất nhưng đã nhanh chóng ổn định trở lại.

“Tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm, hệ thống tổ chức tín dụng mua ròng lượng lớn ngoại tệ từ nền kinh tế, nhờ đó Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước,” ông Nguyễn Đức Long nói.

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2016, VND mất giá 1,2% so với USD, thấp hơn nhiều mức rớt giá trên 5% của năm trước đó. Tỷ giá cũng không có nhiều các đợt tăng giảm bất ngờ. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc cân đối nguồn tiền.

Đồng USD thế giới tăng mạnh đã và đang ảnh hưởng tới các thị trường mới nổi. Nhiều đồng tiền trong khu vực giảm sâu từ 3-7%. Các chuyên gia cho rằng nhờ việc cho phép tỷ giá lên xuống hàng ngày đã giúp đồng Việt Nam tránh được những cú sốc lớn.

Điều hành tại một ngân hàng thương mại chủ lực ở Việt Nam, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, cơ chế điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã được đổi mới trong năm 2016 theo cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm đã phát huy rất tích cực. Trên thực tế việc quản lý tỷ giá cũng như điều hành tỷ giá để ổn định kinh tế vĩ mô cũng như thúc đẩy xuất khẩu và kiểm soát tốt nhập khẩu đã được thực hiện rất tốt.

"Vũ khí" nào cho năm nay?

Vấn đề đặt ra hiện nay là “vũ khí” tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước có phát huy hiệu lực khi áp lực tỷ giá năm 2017 là rất lớn, khi mà trong năm nay, một loạt chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump được thực thi và nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất đồng USD 3-4 lần?

Ngoài ra, một loạt sự kiện lớn khác sẽ diễn ra trong năm 2017 như Anh thực hiện quá trình Brexit, bầu cử Tổng thống Pháp... Tất cả những yếu tố này có thể khiến thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu chao đảo, USD có thể tiếp tục một năm tăng giá sốc.

Ông Thọ tin tưởng với những kết quả đã thực hiện được, trong năm 2017 này chúng ta hoàn toàn có cơ cơ sở để tin tưởng rằng, cơ chế này sẽ tiếp tục phát huy tác dụng trong năm 2017.

Tuy nhiên, ông Thọ cũng phân tích, năm 2016 có nhiều diễn biến hết sức khó lường, đặc biệt là diễn biến ở thị trường tài chính toàn cầu. Năm 2017 sẽ còn tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp cũng như khó lường trên thị trường tài chính quốc tế. Chính vì vậy bên cạnh cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm thì chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ phải theo dõi hết sức sát đặc biệt là nâng cao vai trò phân tích dự báo tính hình thị trường ở cả trong nước và quốc tế để điều hành một cách chủ động trên cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm.

Dù vậy, CEO của VietinBank cũng lạc quan cho rằng, Việt Nam hiện nay đã là một trong những quốc gia có độ hấp dẫn rất tốt về việc thu hút vốn đầu tư, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tập đoàn tài chính lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ rất quyết liệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước thì sẽ thu hút được các dòng vốn đáng kể.

“Cùng với dòng kiều hối về Việt Nam thì những nguồn vốn này sẽ tạo ra cán cân thanh toán chung của Việt Nam tốt và Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể chủ động điều hành cơ chế chính sách tiền tệ nói chung trong đó có chính sách về tỷ giá, để bảo đảm cho xuất khẩu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như nâng cao năng lực tài chính, năng lực dữ trữ ngoại tệ quốc gia,” ông Thọ chia sẻ thêm.

Trái ngược với những nhận định lạc quan trên, lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lại cho rằng, mục tiêu ổn định tỷ giá trong năm 2017 sẽ khó khăn hơn do một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỷ giá giảm giá mạnh so với USD, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ, Euro và lạm phát có khả năng tăng trong năm 2017 khi giá hàng hóa thế giới phục hồi.

Lãnh đạo Ủy ban này phân tích, trong năm 2017 này tỷ giá chịu áp lực từ việc cán cân thanh toán quốc tế sẽ không thuận lợi như năm trước vì năm 2017 nhập khẩu được dự báo sẽ tăng cao hơn khi tăng trưởng phục hồi.

Trong khi đó, xuất khẩu có thể gặp khó khăn khi cầu thế giới chậm phục hồi, năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam bị ảnh hưởng khi đồng tiền của các nước đối thủ mất giá mạnh so với USD; giá hàng hóa cơ bản thế giới năm 2017 dự báo tăng. Phân tích của Ủy ban Giám sát cho thấy giá hàng hóa cơ bản thế giới có tác động ngược chiều đến cán cân thương mại của Việt Nam.

Ủy ban này cũng phân tích thêm, chính sách của Tổng thống mới đắc cử Mỹ làm chủ nghĩa bảo hộ có nguy cơ quay trở lại trong đó có việc rút khỏi TTP có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến dòng vốn FDI vào Việt Nam; chính sách tiền tệ của các nước phát triển nhìn chung tiếp tục nới lỏng. Ngoại trừ Mỹ, chính sách tiền tệ dần thắt chặt trong năm 2017 sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các nền kinh tế mới nổi.

Về phía nhà điều hành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng dự báo năm 2017, kinh tế thế giới với nhiều diễn biến khó lường, do đó chính sách tiền tệ phải tiến hành thận trọng, linh hoạt để đảm bảo hài hòa mục tiêu khi tăng trưởng kinh tế đặt ra mức cao hơn.

Chính vì vậy, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này tiếp tục lựa chọn và điều hành theo cơ chế tỷ giá trung tâm, cùng các công cụ hỗ trợ khác để giữ ổn định.

“Chúng tôi đánh giá về cung cầu ngoại tệ, đánh giá về diễn biến tình hình quốc tế và khu vực, đánh giá động thái của nhà đầu tư nước ngoài, động thái của ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là Mỹ, cho thấy tình hình đòi hỏi chúng ta phải linh hoạt và chủ động hơn rất nhiều,” Thống đốc cho biết./.

Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho rằng tỷ giá trung tâm sẽ tiếp tục phát huy tác dụng trong năm 2017
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục