Điều hành giá xăng dầu: Cần nhạy bén, linh hoạt trong từng tình huống

Dư luận xã hội cho rằng các bộ ngành như công thương, tài chính còn thiếu linh hoạt, nhanh nhạy điều hành giá xăng dầu trước biến động của giá cả thế giới trong khi sản xuất trong nước thiếu hụt.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Đúng như mong mỏi của người tiêu dùng, doanh nghiệp và giới chuyên gia tâm huyết với sự phát triển bền vững của nền kinh tế, tại Phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 với mức giảm từ 700-2.000 đồng/lít mỗi loại.

Như vậy, từ ngày 1/4 tới, mỗi lít xăng, dầu các loại được giảm tương đương từ 700-2.000 đồng. Điều này thể hiện Quốc hội kịp thời chia sẻ, đồng hành với Chính phủ đưa ra các quyết định thiết thực hỗ trợ đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, từ quyết định này cũng cho thấy với mỗi vấn đề có ảnh hưởng quan trọng tới quốc kế dân sinh, ngoài sự cẩn trọng, các cơ quan quản lý cũng cần sự linh hoạt, nhạy bén để nhanh chóng đưa ra các giải pháp giải quyết trong mỗi tình huống.

Có thể nói, để đi tới việc Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022, các bộ ngành liên quan điều hành giá xăng dầu đã phải cân nhắc và đứng trước sức ép của dư luận xã hội.

Dư luận xã hội cho rằng các bộ ngành như công thương, tài chính còn thiếu linh hoạt, nhanh nhạy điều hành giá xăng dầu trước biến động của giá cả thế giới, sản xuất trong nước thiếu hụt do một trong hai nhà máy lọc hóa dầu cung cấp giảm công suất và khâu tuyên truyền còn chậm trễ khiến người dân thiếu thông tin để nhìn nhận thấu đáo vấn đề.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Việc giá xăng dầu tăng cao sẽ gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu tiêu dùng của người dân.

Vậy mà có thời điểm người dân, nhất là một số tỉnh, thành phía Nam hoang mang khi nhiều cửa hàng bán xăng dầu treo biển hết hàng với lý do chưa nhập được hàng. Tại nhiều cửa hàng, người dân chỉ được mua phân phối với mức 30.000 đồng hay 50.000 đồng mỗi lần mua.

Thiếu thông tin cộng với lo ngại xăng dầu khan hiếm và giá tiếp tục tăng cao nhiều người dân trước mỗi kỳ điều chỉnh giá xăng dầu đã mang can, bình nhựa mua để tích trữ trong khi mặt hàng này có thể gây ra cháy nổ khi cất giữ không đúng quy định.

Giá xăng dầu tăng cao có lúc tới sát 30.000 đồng/lít khiến nhiều ngành như giao thông vận tải, đánh bắt thủy hải sản tiếp tục rơi vào thua lỗ, bế tắc, nằm bờ sau khi đã yếu mòn sau 2 năm chống chọi với dịch COVID-19. Các loại hàng hóa tại các chợ dân sinh liên tiếp tăng giá, các nhà cung cấp đề xuất tăng giá vào siêu thị bởi giá xăng dầu tăng cao…

Có lẽ, động thái rõ nét nhất trong bối cảnh này là Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường và trực tiếp thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành của định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp.

Nhưng dư luận chỉ yên tâm hơn sau khi Phó Thủ Tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, theo thẩm quyền chủ động điều hành giá xăng dầu bảo đảm theo đúng quy định, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Phó Thủ tướng cũng quy trách nhiệm toàn diện về điều hành giá xăng dầu tới 2 bộ này.

Phải 4 ngày sau đó, Bộ Công Thương mới ban hành quyết định giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (không tính nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn) để đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa trong quý 2/2022.

[Vì sao giá xăng giảm "nhỏ giọt" sau chuỗi những lần tăng sốc?]

Thực tế, các bộ điều hành trực tiếp giá xăng dầu đều cho rằng luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để theo dõi giá xăng dầu thế giới, giá cả trong nước, lạm phát…; từ đó tham mưu, báo cáo các cấp thẩm quyền tìm giải pháp điều hành giá xăng dầu, điều tiết từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu…

Tuy nhiên, qua 7 kỳ điều chỉnh giá xăng từ đầu năm tới nay, có tới 6 lần điều chỉnh tăng, trong đó có kỳ tăng cao nhất tới 3.000 đồng/lít, đưa giá xăng lên sát mức 30.000 đồng/lít, cộng với các sức ép từ dư luận thì kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu mới được đặt trong chương trình nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vẫn biết, giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước nhưng trước những yếu tố tác động lớn đến đời sống xã hội và đặc biệt, xăng dầu là nhiên liệu đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh thì dù giảm thu ngân sách, nhưng khi giá xăng dầu ổn định sẽ kích thích sản xuất, tiêu dùng, phần nào bù đắp khoản thiếu hụt này.

Nhân viên Petrolimex đang bán xăng cho khách hàng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ở góc độ vĩ mô, việc kịp thời kéo giảm giá xăng dầu sẽ góp phần không làm chậm tiến trình của Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội vốn đang được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện.

Khi sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu thì giá xăng dầu thế giới tăng, giá trong nước tăng theo là tất yếu và dễ hiểu. Vì vậy, việc cần làm là đảm bảo 2 nhà máy lọc hóa dầu đang cung cấp 75% nhu cầu trong nước vận hành hiệu quả.

Ngoài ra, đề xuất xây dựng kho dự trữ xăng dầu cũng nên được xem xét, tính toán, để từ đó chủ động an ninh năng lượng, hạn chế sử dụng công cụ thuế làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục