Theo trang mạng của Nga, ngành năng lượng nước này đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, và có lẽ là chưa từng có trong suốt thời kỳ hậu Xô Viết.
Đại dịch COVID-19, dẫn tới sự đình đốn sản xuất công nghiệp toàn cầu, khiến nhu cầu nhiên liệu giảm mạnh.
Maria Shagina, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu tại Đại học Zurich (Thụy Sỹ), bình luận tình trạng giá dầu giảm mạnh kết hợp với đại dịch COVID-19 toàn cầu đã tạo ra một cú sốc đối với ngành dầu khí. So với các nước khai thác dầu khác, Nga có sự chuẩn bị tốt hơn để chống lại cú sốc này.
Theo bà Maria Shagina, kể từ năm 2014, nền kinh tế Nga đã có được sự ổn định nhờ chính sách tài chính và tiền tệ bảo thủ. Ngân sách và dự trữ ngoại hối lớn, tỷ giá hối đoái tự do và sự phụ thuộc của thuế vào giá dầu đã giúp giảm nhẹ cú sốc này. Tuy nhiên cú sốc kép (giá dầu giảm và dịch COVID-19) sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty năng lượng Nga, và hệ lụy là nguồn thu ngân sách nhà nước.
Theo trung tâm năng lượng Skolkovo, tổng thiệt hại sẽ lên tới 60% doanh thu xuất khẩu và 30% thu ngân sách.
Đây chỉ là một vài số liệu mà Maria Shagina, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu tại Đại học Zurich (Thụy Sỹ), trích dẫn trong báo cáo của mình. Theo đó, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đang bên bờ vực không có lợi nhuận, do hầu hết các hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp này liên quan trực tiếp đến giá giao ngay tại các trung tâm giao dịch ở châu Âu. Vào đầu tháng Sáu, giá khí đốt giao ngay tại châu Âu đã giảm xuống dưới 33 USD/1.000m3, trong khi đối với Gazprom, giá bán khí đốt mục tiêu là 100 USD/1.000m3.
Để giảm thiểu thiệt hại tài chính do giá thấp kỷ lục, Gazprom buộc phải giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Tuy nhiên, số liệu thống kê vô vùng thất vọng. Trong bốn tháng đầu năm 2020, doanh thu xuất khẩu giảm 52,3% và lượng khí đốt xuất khẩu giảm 24%.
Trong tháng Tư, Gazprom xuất khẩu 12,1 tỷ m3 khí đốt tự nhiên, thấp hơn 15% so với tháng Ba. Doanh thu từ độc quyền khí đốt trong tháng Tư giảm 25,3%. Đồng thời, giá xuất khẩu khí đốt trung bình tháng Tư thấp hơn 13% so với tháng Ba, còn 109 USD/1.000m3.
Trong khi đó, Gazprom, vốn cung cấp đến 1/3 thị trường khí đốt châu Âu (2/3 lượng khí đốt này được xuất khẩu cho bảy nước - Đức, Italy, Pháp, Hà Lan, Áo, Cộng hòa Czech và Ba Lan), phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ và các nước khác. Cụ thể, Qatar đã thông báo cung cấp thêm LNG cho châu Âu.
Cạnh tranh tại thị trường khí đốt Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tăng lên, và Ankara mới đây đã tuyên bố bắt đầu khoan thăm dò trên thềm lục địa Biển Đen. Điều này có nghĩa là Ankara chính thức trong tương lai muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào hydrocarbon Nga.
[Kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ của Nga giảm 25% trong 4 tháng đầu năm]
Dự án “Trung Quốc” của Gazprom cũng đối mặt với những rủi ro lớn. Bà Maria Shagina lưu ý tới tình trạng bùng phát COVID-19 trong công nhân ở mỏ khí đốt Chayandinskoye, cơ sở tài nguyên chủ chốt cung cấp khí đốt cho tuyến đường ống dẫn khí “Sức mạnh Siberia."
Trên thị trường khí đốt toàn cầu đang xảy ra chính điều đã xảy ra trên thị trường dầu mỏ - ngoài tình trạng giá bán lao dốc do nhu cầu giảm, khả năng trữ khí đốt đã tới giới hạn. Trung tâm Năng lượng Skolkovo ước tính thiệt hại có thể dao động từ 8-12% GDP (tùy thuộc vào mức độ tuân thủ thỏa thuận của các quốc gia trong OPEC+). Con số này tương đương với tổng dự trữ Quỹ phúc lợi quốc gia Nga (NWF).
Nếu Gazprom trong quý 1/2020 báo cáo lỗ 306 tỷ ruble (4,38 tỷ USD), tập đoàn dầu mỏ của Nga Rosneft báo lỗ 156 tỷ ruble (2,23 tỷ USD). Tổng thiệt hại của Rosneft và Gazprom lên đến 462 tỷ ruble (6,61 tỷ USD).
Gã khổng lồ về dầu mỏ Nga dự kiến sẽ giảm 10% sản lượng khai thác dầu trong năm nay và có thể còn phải đóng các giếng khoan. Phương án thứ hai đặc biệt nghiêm trọng, vì trước tiên Rosneft bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ dài hạn đối với nguồn cung dầu theo hợp đồng trả trước với Trung Quốc. Thứ hai, sau khi đóng gần một nửa giếng, Rosneft sẽ không thể tiếp tục khai thác.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì mức lãi suất trong khoảng 0-0,25%. Lạm phát giảm, gần một nửa số doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản. Nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng cầu tiêu thụ khí đốt và dầu mỏ là rất mơ hồ.
Ở Nga, thu ngân sách liên bang trong tháng Năm giảm tới 41%. Với tình trạng thâm hụt ngân sách, các nước cung cấp dầu mỏ có thể cân nhắc việc bán phá giá “vàng đen," giống như một vài tháng trước, để giành giật thị trường từ các đối thủ cạnh tranh và cứu vãn thu nhập. Và trong bối cảnh nguồn thu giảm sút, Nga có thể sẽ phải đối mặt với các hành động gây hấn mới của Mỹ.
Các đối tác của Mỹ có thể ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống Nga và ngừng mua dầu mỏ hoặc khí đốt của Nga, đặc biệt là khi trên thị trường tràn ngập các nguyên liệu thô thay thế rẻ hơn./.