Điều gì sẽ xảy ra với vấn đề thương mại nếu Trump thất cử?

Còn 4 tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các cuộc thăm dò hiện tại đang cho thấy ứng cử viên của đảng Dân chủ Joseph Biden dẫn trước Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo scmp.com, còn 4 tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các cuộc thăm dò hiện tại đang cho thấy ứng cử viên của đảng Dân chủ Joseph Biden dẫn trước Tổng thống Donald Trump.

Các đối tác thương mại của Mỹ đang theo dõi sát sao cuộc đua này và một số người đang chuẩn bị cho khả năng chính quyền Trump sẽ thất cử vào tháng 11 tới.

Vận may chính trị suy giảm rõ rệt của Trump đã bắt đầu tác động đến việc xử lý 3 vấn đề thương mại quan trọng.

Thứ nhất, bầu lãnh đạo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tổng Giám đốc đương nhiệm Roberto Azevedo sẽ chính thức rút lui vào cuối tháng Tám tới, sớm hơn một năm so với thời hạn nhiệm kỳ của ông. Điều này đã dẫn đến một quy trình bất ngờ-và cực kỳ quan trọng - đó là bầu tổng giám đốc mới.

WTO đang chiến đấu vì sự tồn tại của tổ chức này và tổng giám đốc mới sắp tới hoặc sẽ giúp WTO hồi sinh hoặc chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của nó.

Quy trình bầu chọn thường diễn ra trên cơ sở đồng thuận chứ không phải là một cuộc bỏ phiếu chính thức. Danh sách ứng cử viên đang dần được rút gọn thông qua một loạt cuộc tham vấn với các quốc gia thành viên, cho đến khi thực sự xuất hiện một ứng cử viên duy nhất có thể nhận được sự ủng hộ của đa số.

Hiện 8 ứng cử viên đã tham gia cuộc đua vào chiếc ghế người đứng đầu WTO và hy vọng sẽ có một tổng giám đốc sẵn sàng đảm nhận cương vị này vào tháng Chín tới. Nếu không thể đạt được sự đồng thuận, một trong 4 phó tổng giám đốc có thể được chỉ định tạm thời phụ trách tổ chức này.

Chính quyền Trump, đã có những hành động làm tê liệt các hoạt động của WTO, chắc chắn sẽ tìm cách đóng một vai trò trong quy trình bầu chọn này.

[Các cố vấn kinh tế hy vọng nền kinh tế Mỹ phục hồi theo hình chữ V]

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết ông sẽ phủ quyết một ứng cử viên có “tư tưởng chống Mỹ.” Giả dụ nếu Trump sẽ tái đắc cử, quan điểm của chính quyền ông sẽ được đưa vào quá trình lựa chọn.

Ngược lại, nếu có khả năng thực tế là chính quyền của Biden (vốn có quan điểm truyền thống hơn về WTO) sẽ tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1/2021, việc bổ nhiệm một tổng giám đốc mới sẽ bị trì hoãn cho đến năm tới và thay vào đó việc chỉ định một phó Tổng giám đốc làm người phụ trách tạm thời có lẽ thích hợp hơn nhiều.

Thứ hai là thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một. Suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra gần như chắc chắn đã ảnh hưởng đến cam kết của Trung Quốc về việc tăng cường mua hàng hóa của Mỹ thêm 200 tỷ USD, và giai đoạn hai của các cuộc đàm phán thương mại về cơ bản đã bị hủy bỏ.

Trong vài tháng qua, một thỏa thuận được dự đoán là lá bài đảm bảo cho Trump tái đắc cử đã biến thành một trách nhiệm chính trị cấp bách - được phóng đại bởi sự rạn nứt ngày càng tăng trong mối quan hệ Mỹ-Trung do những tranh cãi gay gắt về việc xử lý COVID-19.

Chiến dịch tranh cử của Biden sẽ cố gắng chứng minh rằng Trump đã xử lý sai lầm một cách nghiêm trọng mối quan hệ với Trung Quốc và sẽ thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Vì thế, một chính quyền mới của Biden sẽ khó có thể dựa vào một thỏa thuận không chắc chắn do chính quyền của đối thủ đàm phán, đặc biệt nếu thỏa thuận đó là chủ đề bị chỉ trích mạnh mẽ trong chiến dịch bầu cử.

Hy vọng chính quyền Biden sẽ lựa chọn cách tiếp cận phối hợp đối với Trung Quốc, bao gồm các đối tác cùng chí hướng như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Australia - thay vì cách tiếp cận đơn độc của Trump.

Với triển vọng mờ mịt của thỏa thuận giai đoạn một dưới thời chính quyền Biden, Trung Quốc không có nhiều động lực để thực hiện các nghĩa vụ gây khó khăn cho họ, và nhiều khả năng chỉ tôn trọng những cam kết mang lại lợi ích cho họ. Ít nhất là cho đến nay, thỏa thuận thương mại giai đoạn một được nhiều người biết đến dường như đang ngày càng mờ mịt, cũng như triển vọng tái đắc cử của Trump.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AP)

Thứ ba, việc hồi hương các nhà máy sản xuất có thể bị đình trệ. Chính quyền Trump đã tìm cách tận dụng thương mại và các chính sách khác để đưa ngành sản xuất trở lại Mỹ.

Trọng tâm của chiến lược này là Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ sửa đổi (nay là Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada); theo đó nỗ lực cấu hình lại ngành sản xuất ôtô Bắc Mỹ thông qua các quy tắc nghiêm ngặt hơn.

Theo thỏa thuận sửa đổi này, ít nhất 40% các bộ phận cho một chiếc xe miễn thuế phải được sản xuất bởi những công nhân kiếm được tối thiểu 16 USD/giờ. Vì tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với mức lương hiện nay ở Mexico, kết quả mong đợi và kỳ vọng là các nhà sản xuất chuyển nhà máy sang Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất ôtô đã tính đến những động lực bầu cử đang thay đổi ở Mỹ và cân nhắc khả năng một chính quyền mới của Mỹ lên nắm quyền với cách tiếp cận khác đối với thương mại.

Các hãng sản xuất ôtô như Honda và Toyota đang lựa chọn tăng gấp 3 mức lương tại các nhà máy ở Mexico để đáp ứng quy định về xuất xứ khắc nghiệt, thay vì chuyển sản xuất sang Mỹ.

Các công ty trong các ngành công nghiệp khác đã bị chính sách của Trump thúc đẩy đưa sản xuất trở lại Mỹ có thể chia sẻ những tâm lý tương tự (mặc dù có dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden cũng sẽ tìm cách sản xuất ở trong nước).

Từ nay đến tháng 11 tới, rất nhiều thứ vẫn có thể thay đổi. Hiện nay, bối cảnh thương mại đang thay đổi do ngày càng nhiều người tin rằng Trump có thể chỉ nắm quyền một nhiệm kỳ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục