Điều gì sẽ xảy ra khi các lực lượng Mỹ phải rời Philippines?

Việc không còn quyền tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines sẽ đặt gánh nặng về hoạt động và hậu cần lên 4 địa điểm hoạt động chính khác ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và Guam.
Binh sỹ Mỹ tham gia cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines tại Crow Valley, tỉnh Tarlac, Philippines, ngày 10/4/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin Philippines đã khởi động tiến trình chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) với Mỹ từ giữa tháng 2/2020.

Có hiệu lực kể từ năm 1998, VFA trao quy chế pháp lý cho các lực lượng Mỹ đồn trú ở Philippines tiến hành các cuộc tập trận, cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo, cũng như ứng phó các sự kiện bất ngờ xảy ra.

Quy chế pháp lý này, tương tự Hiệp ước về Quy chế các lực lượng Mỹ (SOFA) với Nhật Bản và Hàn Quốc, cho phép Washington và Manila phát triển mối quan hệ hợp tác, phụ thuộc lẫn nhau và có thể dự đoán được, đồng thời cho phép sự triển khai nhanh chóng những trách nhiệm thuộc phạm vi Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT).

Nếu không có sự bảo vệ pháp lý mà VFA trao cho, các lực lượng Mỹ được điều động tham gia các cuộc tập trận với đối tác Philippines hoặc để đối phó trước tình trạng khẩn cấp về nhân đạo sẽ đối mặt với các quá trình phức tạp và tốn nhiều thời gian để có được thị thực cho quân nhân và quyền tiếp cận các căn cứ quân sự và hải cảng. Mỹ và Philippines có 180 ngày để thương lượng một VFA mới.

Nếu sau 180 ngày mà không có một VFA mới nào thì việc “khai tử” thỏa thuận này sẽ không tự động làm mất hiệu lực của MDT cũng như sẽ không buộc Mỹ rút tất cả các lực lượng và khí tài của mình ra khỏi Philippines.

[Tổng thống Trump nói gì khi Philippines chấm dứt thỏa thuận quân sự?]

Tuy nhiên, điều này sẽ đặt quân nhân Mỹ vào tình trạng khó khăn về mặt pháp lý (tuân theo thẩm quyền xét xử của Philippines trong trường hợp xảy ra sự việc liên quan phạm tội) đồng thời khiến Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc ứng phó khủng hoảng một cách nhanh chóng. Cả hai vấn đề này đều trực tiếp đe dọa sự tồn tại của MDT.

VFA là một phần thiết yếu của khả năng Mỹ trong nỗ lực ngăn chặn các thế lực đối địch và trấn an bạn bè cũng như đồng minh. Mỹ đặt một ván cược lớn trong việc duy trì sự tiếp cận đối với Philippines.

Trong bối cảnh tồn tại những hoài nghi về khả năng tiếp cận nói trên, công tác đánh giá tác động của việc Mỹ mất khả năng tiếp cận Philippines là việc làm có ý nghĩa.

Giả sử, nếu việc “khai tử” VFA dẫn đến phản ứng dây chuyền vốn được kích động dưới sức ép của Trung Quốc, kết thúc bằng việc hủy bỏ MDT, việc trục xuất các binh sỹ Mỹ và từ chối tiếp cận trong tương lai, điều đó có ý nghĩa gì đối với các hoạt động của Mỹ?

Thực ra, việc không còn quyền tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines sẽ đặt gánh nặng về hoạt động và hậu cần lên 4 địa điểm hoạt động chính khác ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và Guam.

Do đó, quy mô, tốc độ và bản chất của các lực lượng được triển khai để đối phó với các cuộc xung đột ở Biển Đông cũng như Đài Loan sẽ thay đổi, vì hai lý do chính liên quan đến chính trị và hậu cần.

Các hiệp ước quốc phòng song phương không đảm bảo sự tiếp cận không giới hạn

Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) không phải là sự đảm bảo khả năng tiếp cận để đối phó với bất kỳ cuộc xung đột nào nảy sinh.

Tùy thuộc vào bản chất của cuộc xung đột, Mỹ có thể đối mặt trước sức ép từ Seoul, Tokyo, hoặc Canberra không được sử dụng lãnh thổ của họ để triển khai các hoạt động quân sự cho một cuộc chiến mà họ sẽ không tham gia.

Điều này có thể gây ra những phức tạp nhất định đối với các cuộc xung đột liên quan Đài Loan.

Vì không một quốc gia lớn nào ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thừa nhận Đài Loan là một nước, mà họ vẫn tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc.”

Không có gì đảm bảo rằng Australia, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc sẽ cho phép Mỹ tiếp cận lãnh thổ của họ để ngăn chặn Trung Quốc hành động quân sự để thống nhất Đài Loan với đại lục.

Về vấn đề Biển Đông, các quyền về hoạt động có thể còn nhiều thay đổi hơn và do đó khó có thể dự đoán.

Đối với Hàn Quốc, chủ nhân Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) tại thời điểm xảy ra xung đột sẽ đóng vai trò quan trọng.

Các chính quyền trước của Hàn Quốc theo đường lối tự do thường khá lạnh nhạt về mối quan hệ liên minh Mỹ-Hàn.

Ngược lại, Chính quyền Moon Jae-in lại có sẵn sàng nương vào mối quan hệ đồng minh này hơn nhằm có được khả năng lớn hơn cho các hoạt động ở Biển Đông.

Đối với Nhật Bản, những lý do đằng sau cuộc xung đột- và cách thức Mỹ lên kế hoạch sử dụng sự tiếp cận căn cứ của Nhật, sẽ là những nhân tố thúc đẩy.

Nếu cuộc xung đột này được coi là cuộc trưng cầu dân ý về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng lãnh hải tranh chấp thì Tokyo sẽ có thể cho phép các lực lượng của Mỹ hoạt động trên lãnh thổ của mình như là cách để đảm bảo an toàn cho những tuyên bố chủ quyền của Tokyo đối với quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. 

Nhìn chung, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có cơ chế phối hợp được nêu trong các hiệp ước của họ với Mỹ, trong đó quy định các chính phủ phải nhất trí đối với “các cơ sở và khu vực cụ thể” mà quân đội Mỹ sẽ sử dụng trong một cuộc xung đột.

Tùy thuộc vào tình hình, cả hai nước đều có thể cản trở sự tiếp cận cho các hoạt động quân sự của Mỹ đối với các địa điểm nhất định.

Đối với Australia, mặc dù nước này quan tâm vấn đề Biển Đông, song cũng nhận thức rõ rằng mối quan hệ liên minh với Mỹ tồn tại tình thế tiến thoái lưỡng nan kiểu “từ bỏ hay dính líu”: không hỗ trợ đồng minh trong cuộc chiến và sẽ có nguy cơ mất đi mối quan hệ đồng minh này hoặc hỗ trợ một đồng minh và có nguy cơ vướng vào một cuộc chiến không mong muốn. Vì lý do này và những lý do khác, Australia đã tìm những giải pháp hòa bình khi căng thẳng nổ ra ở Biển Đông.

Do đó, việc không được tiếp cận Philippines sẽ khiến Mỹ dễ bị tổn thương hơn đối với nền chính trị trong nước cũng như các chính sách đối ngoại của các đồng minh hiệp ước khác của Mỹ.

Ngay cả nếu những đồng minh này cho phép Mỹ tiến hành một số hoạt động tiếp cận thì vẫn có thể xảy ra những tác động nghiêm trọng khi triển khai chiến dịch nhằm đối phó với một cuộc xung đột xảy ra.

Khó khăn đối với các tuyến tiếp vận đến Biển Đông

Nếu không có Philippines, các lực lượng của Mỹ sẽ đối mặt với hàng loạt khó khăn khi chiến đấu từ các căn cứ quân sự xa hơn nhiều. Các cơ sở quân sự gần Biển Đông nhất đặt tại Okinawa, Hàn Quốc, Nhật Bản, Guam và Darwin (Australia).

Những vị trí này bộc lộ không ít khó khăn về mặt hoạt động và công tác hậu cần. Ví dụ, về công tác hậu cần, các chiến đấu cơ cần phải được tiếp liệu thường xuyên hơn trên đường bay của mình.

Philippines và Indonesia cũng có thể từ chối không cho Không quân Mỹ bay qua không phận của họ, khiến cho lộ trình bay trở nên lòng vòng hơn.

Thời gian bay nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc các nhà lập kế hoạch sẽ phải đưa ra những hạn chế về thời gian nghỉ ngơi của thủy thủ đoàn.

Những nút cổ chai hậu cần quanh Đài Loan

Nếu Đài Loan là khu vực triển khai các chiến dịch thì một số cơ sở quân sự của Mỹ sẽ có phạm vi gần gũi hơn nhiều song đi kèm với đó là những rắc rối nghiêm trọng.

Giả sử, phần lớn lực lượng xuất phát từ và đi qua Nhật Bản và Hàn Quốc vì khoảng cách gần gũi thì một nút thắt cổ chai về hậu cần có thể phát sinh đối với tất cả hoạt động tiếp nhận, dàn lực lượng, triển khai và tích hợp.

Một số lượng hạn chế các sân bay, hải cảng và đường xá cũng như các quy định và quy tắc liên quan việc sử dụng của Mỹ đều bộc lộ thách thức về hậu cần.

Ví dụ, quân đội Mỹ cần xin giấy phép trước 45 ngày để có thể di chuyển các phương tiện hạng nặng, cỡ lớn đến các tuyến đường của Nhật Bản. Những hạn chế tương tự cũng xảy ra ở Hàn Quốc.

Khi những hạn chế này có thể thay đổi trong suốt thời gian xảy ra chiến sự, chúng sẽ kéo dài thời gian chuẩn bị của Mỹ trước khi các chiến dịch chiến đấu bắt đầu.

Thời gian và khoảng cách là kẻ thù

Nếu Mỹ không được quyền tiếp cận các căn cứ ở Philippines thì sẽ có nhiều tác động lan tỏa.

Binh sỹ Mỹ và Philippines tham gia cuộc tập trận chung tại San Antonio, tỉnh Zambales, Philippines, ngày 9/5/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong tình huống tồi tệ nhất, trong đó, các lực lượng của Mỹ phải đi từ Mỹ đến một cuộc xung đột ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì thời gian và khoảng cách sẽ là kẻ thù.

Giả sử với tốc độ 22 hải lý/giờ, một tàu đổ bộ tấn công LHA6, từ càng San Diego của Mỹ, sẽ mất 9 ngày để đến Tokyo, 12 ngày để đến Đài Loan và 13 ngày để đến Biển Đông. Đây là một khoảng thời gian phản ứng chậm đối với điều có thể là một cuộc  xung đột bất ngờ.

Tóm lại, câu hỏi đặt ra là liệu việc để mất VFA về  cơ bản có làm suy giảm các chiến dịch của Mỹ ở khu vực hay không? Câu trả lời là không.

Tuy nhiên, câu hỏi tiếp theo là điều này có thể là bước đi đầu tiên dẫn đến kết quả cuối cùng đó hay không? Câu trả lời là có. Đó là lý do vì sao việc đảm bảo một binh sỹ Mỹ có thể huấn luyện đối tác của mình ở Manila mà không cần thị thực cũng có thể đảm bảo rằng binh sỹ Mỹ này có thể đến bảo vệ một đồng minh hiệp ước của Mỹ.

Việc duy trì những mối quan hệ đồng minh như vậy ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong mọi hình thức có ý nghĩa quan trọng và những nội hàm của mối quan hệ này đóng vai trò quan trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục