Trang mạng globaltimes.cn dẫn báo Asahi Shimbun của Nhật Bản cho biết Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Singapore hôm 14/11 vừa qua.
Cả hai đã nhất trí đẩy nhanh tiến độ ký kết Hiệp ước Hòa bình Nhật-Nga trên cơ sở Tuyên bố chung Nhật Bản-Liên Xô năm 1956. Abe cho biết ông sẽ tới thăm Nga vào đầu năm 2019.
Có lẽ việc Abe tái đắc cử Thủ tướng Nhật Bản với tư cách là người đứng đầu đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hồi tháng 9/2018 đã củng cố niềm tin của Moskva trong việc phát triển quan hệ Nhật-Nga.
Nhờ thỏa thuận về hiệp ước hòa bình giữa Nhật Bản và Nga, người ta hy vọng quan hệ song phương sẽ trở nên sâu sắc thêm và hai bên sẽ đạt được những tiến bộ mới trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.
Theo Điều 9 của bản Tuyên bố chung Nhật Bản-Liên Xô 1956, Liên minh các nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xôviết, sau khi ký kết hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, sẽ trao trả cho Nhật Bản hòn đảo Shikotan và quần đảo Habomai.
Bất chấp tính hợp pháp của việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ dựa trên các điều khoản trong các văn kiện lịch sử, ý kiến của công chúng ở Nhật Bản và Nga lại không tập trung vào vấn đề này.
Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu dư luận Levada Center công bố năm 2016, 56% số người được hỏi “phản đối” việc nhượng lại bất kỳ hòn đảo nào cho Nhật Bản.
Tuy nhiên, người Nhật Bản vẫn muốn được trao trả hoàn toàn Vùng lãnh thổ phương Bắc (theo cách gọi của Nhật Bản) hay Quần đảo Nam Kuril (theo cách gọi của Nga), điều mà các quan chức và công dân Nga chắc chắn sẽ không chấp thuận.
Mặc dù vẫn tồn tại những mâu thuẫn về vấn đề lãnh thổ giữa Tokyo và Moskva, song người ta tin rằng chế độ Abe sẽ nhất quyết đòi khôi phục chủ quyền Quần đảo Habomai và hòn đảo Shikotan, và 2 hòn đảo này có thể trở thành các đặc khu kinh tế.
[Nhật Bản cam kết hoàn tất đàm phán hiệp ước hòa bình với Nga]
Một mặt, Abe từ lâu đã cố gắng giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng việc tăng cường hợp tác kinh tế với Nga trên các hòn đảo tranh chấp.
Mặt khác, theo khuôn khổ Hiệp ước An ninh Nhật-Nga, quân đội Mỹ ở Nhật Bản có thể được đóng quân trên Habomai và Shikotan nếu hai hòn đảo này được trao cho Nhật Bản.
Đây chính xác là điều mà Nga lo ngại nhất. Do đó, kết quả khả quan nhất trong cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Nga chính là họ nhất trí định rõ hai hòn đảo này là các đặc khu kinh tế.
Trên thực tế, trong phần kết luận của Hiệp ước Hòa bình Nhật-Nga và của việc giải quyết lãnh thổ tranh chấp, Mỹ từ lâu đã luôn là rào cản lớn nhất. Chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Nga ảnh hưởng và cản trở quan hệ Nhật-Nga trở nên sâu sắc.
Nguyên nhân các lãnh đạo hàng đầu của Nhật Bản và Nga đều đồng ý đẩy nhanh việc ký kết hiệp ước hòa bình lần này không chỉ vì quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo, mà còn vì Abe đang cố duy trì khoảng cách ngoại giao với Mỹ.
Phải thừa nhận rằng, theo khuôn khổ liên minh Mỹ-Nhật, nền ngoại giao Nhật Bản không thể “tự lập” hoàn toàn khỏi Mỹ trong ngắn hạn, song xu hướng “tách khỏi Mỹ” đã được cân nhắc.
Chẳng hạn, vào tháng 9/2016, Abe đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông được tổ chức tại Nga bất chấp thái độ của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang hiện nay, chính quyền Abe đang cố gắng tích cực cải thiện quan hệ Trung-Nhật. Trong khi Mỹ ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại, chế độ Abe lại nỗ lực bảo vệ hệ thống thương mại đa phương quốc tế.
Có lẽ vì đã nhận thấy những điều chỉnh trong cách tiếp cận của Abe, Putin đã thể hiện một thái độ tích cực hơn trong việc ký kết hiệp ước hòa bình và quan hệ song phương. Quan hệ Nhật-Nga cho đến nay thực sự đã có sự tăng tiến, nhưng nhiều khả năng Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp can thiệp và chia rẽ Nhật-Nga.
Xét cho cùng, với việc ký kết Hiệp ước Hòa bình Nhật-Nga, không chỉ giúp nhu cầu “bảo vệ” của Nhật Bản giảm thiểu mà còn khiến tính hợp lý cho sự hiện diện của Mỹ ở Nhật Bản hoặc thậm chí ở Đông Bắc Á bị suy yếu./.