Điều gì khiến Anh có thể trở thành một nhà nước thất bại?

Ông Chris Patten - thống đốc cuối cùng của Hong Kong thuộc Anh, và hiện là Hiệu trưởng trường Đại học Oxford đã có nhận định về lý do khiến Anh có thể thành quốc gia thất bại.
Điều gì khiến Anh có thể trở thành một nhà nước thất bại? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Trang mạng project-syndicate.org vừa qua đã đăng bài viết của ông Chris Patten - thống đốc cuối cùng của Hong Kong thuộc Anh, cựu ủy viên Liên minh châu Âu (EU) về các vấn đề đối ngoại, và hiện là Hiệu trưởng trường Đại học Oxford - nhận định về lý do khiến Anh có thể trở thành một quốc gia thất bại.

Nội dung như sau:

Thế nào là một quốc gia thất bại? Cách đây không lâu, khi ông Patten là Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Anh, và sau đó là Ủy viên Các vấn đề Đối ngoại châu Âu, có lẽ ông đã cố gắng trả lời câu hỏi này bằng cách đưa ra các ví dụ cụ thể, bao gồm một số quốc gia ở Mỹ Latinh và châu Phi.

Ông đã nhấn mạnh những xung đột bộ lạc, các cuộc đảo chính quân sự, thất bại về kinh tế, sự cực đoan từ nghèo đói và tỷ lệ tử vong cao. Ông đã đề cập đến sự thất bại của các xã hội thịnh vượng để đảm bảo rằng toàn cầu hóa đã giúp tất cả mọi người và không để một số cộng đồng bị mắc kẹt trong tình trạng thiếu thốn.

Ngoài ra, ông chắc chắn đã đề cập đến các hệ thống chính phủ vốn đã ngừng cung cấp những gì họ dự định làm, và chắc chắn là những điều mà những người hảo tâm bên ngoài mong muốn và hy vọng họ sẽ làm.

Theo những tiêu chí phía sau, người ta không còn cần phải đi đến Mỹ Latinh hoặc châu Phi để tìm ra sự thất bại. Thay vào đó, nhiều người ở Anh lo lắng rằng sự thất bại đang ngày càng hiện lên rõ rệt bên trong các đường biên giới của chính họ - vốn sẽ nhanh chóng bị bít lại sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit) - và đặc biệt là trong cách quản lý đất nước.

Hệ thống Chính phủ của Anh, từng được ca ngợi nhiều trong quá khứ, dựa trên nền dân chủ nghị viện và các thể chế đa nguyên mà sẽ được liên kết với một xã hội mở.

Các cử tri bầu ra các thành viên của Quốc hội, những người phải đưa ra phán quyết tốt nhất về cách đàm phán các yếu tố chính trị. Các đảng chính trị thì đại diện cho các luồng quan điểm khác nhau. Tất nhiên, các chuyên gia cũng bị thách thức, nhưng cho đến nay, ý kiến của giới chuyên môn chưa bao giờ được coi là một thứ gì đó mà giới cầm quyền sẽ sử dụng để đánh lừa và làm xáo trộn việc theo đuổi mục tiêu của họ.

Ở Anh, theo lịch sử, Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, phải tôn trọng ý kiến và tuân theo các quy ước của Quốc hội. Một cơ quan tư pháp riêng biệt và độc lập có trách nhiệm đảm bảo nguyên tắc pháp luật mà tất cả, bao gồm cả các bộ trưởng, phải tuân theo.

Đó là cách Anh điều hành các vấn đề quốc gia: tránh chủ nghĩa cực đoan chính trị, đạt được sự cân bằng tự điều chỉnh giữa phe cánh tả và cánh hữu, quản lý sự thay đổi qua nhiều thập kỷ trong hòa bình và chiến tranh, và chuyển từ cường quốc đế quốc sang quốc gia châu Âu tầm trung.

Bằng cách theo đuổi hướng đi này nhưng không từ bỏ hoặc làm giảm các giá trị cốt lõi, Anh đã giành được sự chấp thuận và khen ngợi trên toàn thế giới. Đáng buồn thay, mọi thứ ngày nay lại hoàn toàn khác.

Theo tỷ lệ bầu cử, Anh có ít nhà hoạt động chính trị hơn hầu hết các quốc gia châu Âu khác. Tuy nhiên, các nhà hoạt động này và các đảng phái chính trị khác gần đây đã giành được quyền kiểm soát ngày càng tăng liên quan đến định hướng chính sách và quyền lựa chọn lãnh đạo của các đảng.

Kết quả là, Công đảng hiện do ông Jeremy Corbyn – một người theo xã hội chủ nghĩa cực tả lỗi thời - dẫn dắt. Và 90.000 thành viên của đảng Bảo thủ, những người có quan điểm ngày càng cực đoan hơn khi số lượng thành viên sụt giảm, gần đây đã chọn ông Boris Johnson trở thành lãnh đạo mới của đảng và cũng là Thủ tướng mới của Anh.

Khi làm như vậy, họ đã chọn lựa một kẻ cơ hội đầy ranh ma. Không ngoa khi nói rằng ông Johnson đã đặt việc nói dối lên hàng đầu, đầu tiên là trong báo chí và sau đó trong chính trị. Sự thăng tiến của ông có được là nhờ sự bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc ngày càng tăng, điều được nhiều người thuộc đảng Bảo thủ hiện nay tán thành.

Ông Johnson trở thành Thủ tướng vì ông đã hứa sẽ thực hiện Brexit vào cuối tháng 10 tới, liều lĩnh đảm bảo với thế giới rằng ông sẽ đưa Vương quốc Anh ra khỏi EU dù có hay không có thỏa thuận, và bất kể hậu quả như thế nào.

Ông Johnson đã chọn lựa một Chính phủ gồm toàn những người theo chủ nghĩa dân tộc chống châu Âu có cùng chí hướng. Cố vấn cấp cao của Thủ tướng là ông Dominic Cummings, vốn được cựu Thủ tướng Anh David Cameron (2010-2016) mô tả là một “kẻ tâm thần nghề nghiệp.”

Ông Cummings, cùng với ông Johnson, là nhân vật quyền lực nhất trong Chính phủ mới; ông là một người không được bầu cử, và đầu năm nay đã bị phán là coi thường Quốc hội. Thật đáng ngại, ông ấy giờ đây đang chỉ đạo việc Anh rời EU có hoặc không có sự chấp thuận của Quốc hội.

Hơn nữa, Chính phủ đang có kế hoạch giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử, nhưng vẫn chưa được công bố, trên cơ sở một chiến dịch giữa “người dân và các chính trị gia.”

Những người phản đối việc rời khỏi EU mà không có thỏa thuận sẽ được coi là đối thủ của chủ quyền nhân dân (quyền tối cao của nhân dân).

Chính phủ Johnson phủ nhận sự thật về những hậu quả của một Brexit không thỏa thuận. EU thì bị đổ lỗi là nguyên nhân gây ra sự thất bại trong các cuộc đàm phán, kể cả khi điều này gần như hoàn toàn là kết quả từ các lựa chọn của Chính phủ Anh trước đó. Và điều tồi tệ nhất là, công chúng được thông báo rằng nếu Anh có thể thuyết phục EU theo cách họ chuẩn bị để gây tổn hại chính mình bằng một Brexit “không thỏa thuận,” khi đó Pháp, Đức và những nước khác sẽ nhượng bộ và cho họ những điều họ muốn.

Tuy nhiên, bất kỳ thiệt hại nào mà một Brexit không thỏa thuận gây ra với EU đều sẽ bị ảnh hưởng bởi tác hại lâu dài mà nó gây ra cho Anh.

Ông Johnson và ông Cummings đã sẵn sàng sử dụng tất cả các phương pháp từng giành được sự thành công trong chiến dịch trưng cầu dân ý Brexit năm 2016, thời điểm công chúng Anh yên tâm rằng sẽ chẳng có thắc mắc nào về việc rời khỏi EU mà không có thỏa thuận.

Việc cam kết tăng chi tiêu công giờ đây sẽ hạ xuống. Giá trị của đồng bảng Anh đang giảm, lạm phát gia tăng trong tháng 7/2019, và đầu tư kinh doanh cũng thất bại.

Tệ hơn nữa, tương lai của Liên minh giữa Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland có vẻ ngày càng gặp nguy hiểm. Chính phủ Anh không chấp nhận việc nếu Anh rời khỏi liên minh thuế quan EU, vấn đề biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland sẽ mang lại rủi ro cho Thỏa thuận Ngày thứ Sáu tốt lành đạt được năm 1998, vốn đã giúp hòn đảo Ireland tận hưởng hơn 20 năm hòa bình.

Đây có phải là những hành động của một nhà nước thành công? Những người làm gia tăng rủi ro nên được gọi là “những kẻ thù của nhân dân.”

Khi Brexit ngày càng tới gần, các tổ chức, triển vọng kinh tế, hiến pháp và tương lai của nước Anh đều gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, sự liều lĩnh khi tin vào những ảo tưởng và những lời dối trá vẫn đang hiện hữu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục