Điều gì đang tạo ra tâm lý chống Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Đức?

Trong khi ECB lập luận rằng lãi suất thấp kỷ lục là cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế, người dân Đức lại cho rằng chính sách lãi suất thấp của ECB đang "bào mòn" tài sản của họ.
Trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giữa bối cảnh tỷ lệ lạm phát tăng lên mức cao nhất trong ba thập kỷ ở Đức, Simon và Lena Wendland, cha mẹ của một cặp song sinh sơ sinh, chia sẻ rằng cuộc sống của họ đang trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.

Nhà cung cấp điện của họ vừa thông báo sẽ tăng gấp đôi giá điện, trong khi giá bất động sản cũng đang phát đi những tín hiệu "khá đáng sợ."

"Chúng tôi không biết điều này sẽ dẫn mình đến đâu", Simon Wendland chia sẻ với hãng tin AFP.

Từ năng lượng và thực phẩm, giấy và tiền thuê nhà... giá cả đã tăng cao một cách chóng mặt ở cả Đức và châu Âu.

Mức chưa từng thấy trong 30 năm qua

Dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu ở mức 5% so với cùng kỳ năm ngoái - mức chưa từng thấy trong 30 năm qua.

Bild, tờ báo bán chạy nhất nước Đức, đã đổ lỗi cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vì đã không thể kiềm chế môi trường giá cả và thậm chí còn tạo ra thêm vấn đề với chính sách tiền tệ siêu lỏng của mình.

Mặc dù vậy, ECB, có trụ sở tại Frankfurt, đã lập luận rằng lãi suất thấp kỷ lục cùng chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 1.850 tỷ euro (2.150 tỷ USD) là cần thiết để hỗ trợ một nền kinh tế bị tàn phá bởi cuộc khủng hoảng y tế đang diễn ra.

[ECB vẫn duy trì chính sách kích thích kinh tế bất chấp lạm phát tăng]

Tuy nhiên, người dân Đức lại cho rằng chính sách lãi suất thấp của ECB đang “bào mòn” giá trị tài sản của họ.

Tờ Bild thậm chí còn gọi Giám đốc ECB Christine Lagarde là "Quý bà lạm phát,” ngay cả khi bà bày tỏ lo ngại về việc giá thực phẩm cơ bản tăng cao trong các siêu thị.

Chủ nghĩa hoài nghi

Trong những năm gần đây, người Đức luôn tỏ ra “sợ hãi” trước các chính sách tiền tệ cực lỏng của ECB.

Chuyên gia kinh tế Carsten Brzeski của tập đoàn tài chính ING cho biết sau cuộc khủng hoảng lạm phát hồi những năm 1920 và 1970, người dân Đức đã mang một nỗi sợ tiềm ẩn về lạm phát.

Do đó, việc bà Lagarde liên tục khẳng định rằng những đợt tăng giá gần đây chỉ mang tính thời điểm đã gây ra sự hoài nghi ở quốc gia đông dân nhất châu Âu.

"Theo bà Lagarde, những điều này sẽ kết thúc vào giữa năm sau. Tuy nhiên, đó chỉ là những gì bà ấy nói", Marlott Kroeber, một cựu giáo viên 72 tuổi cho biết.

Đồng quan điểm này, các chủ ngân hàng tại Đức cũng bày tỏ sự hoài nghi về những đánh giá của bà Lagarde.

"Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy đợt tăng giá này không phải là tạm thời và chúng tôi sẽ phải sống chung với tình trạng đó qua năm nay," Giám đốc ngân hàng Commerzbank Manfred Knof cho biết.

Christian Sewing, người đồng cấp của ông Manfred Knof tại Deutsche Bank, cũng đã thúc giục các ngân hàng trung ương "tìm cách kết thúc các chính sách tiền tệ vốn có của mình càng sớm càng tốt."

Một góc nhìn khác

Giám đốc Ngân hàng trung ương của Đức (Bundesbank) Jens Weidmann gần đây đã gây bất ngờ khi tuyên bố sẽ từ chức tại ngân hàng quyền lực này vào cuối năm nay.

Ông Weidmann đã lãnh đạo ngân hàng Bundesbank trong một thập kỷ. Ông được coi là người một trong số ít người lên tiếng chống lại các chính sách tiền tệ siêu lỏng của ECB.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, các chuyên gia phân tích lại cho rằng ECB đã làm những gì cần thiết bảo vệ sự thịnh vượng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bằng các chính sách của mình.

ECB “đã thành công trong việc đảm bảo rằng nền kinh tế tiếp tục được hỗ trợ, rằng khu vực Eurozone được duy trì và thị trường việc làm Đức chứng kiến sự bùng nổ" chưa từng thấy trong 20 năm, chuyên gia Brzeski nhận định.

Ngoài ra, người lao động cũng có thể được hưởng lợi từ một nền kinh tế khoẻ mạnh. Do đó, một số người vẫn ủng hộ cách làm của ECB./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục