Theo trang mạng aspistrategist.org.au, khi năm 2021 khép lại, Nga đã tăng cường triển khai binh lính ở gần biên giới với Ukraine, Trung Quốc điều máy bay quân sự đến gần Đài Loan, Triều Tiên vẫn theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, và các chiến binh Taliban đang tuần tra trên đường phố Kabul.
Chứng kiến tất cả những điều này, nhiều người đã hỏi Joseph S.Nye - Giáo sư tại Đại học Harvard, “cha đẻ” của khái niệm “quyền lực mềm” rằng "Đã có chuyện gì đã xảy ra với quyền lực mềm?"
Có thể tìm thấy câu trả lời trong các sự kiện khác gần đây, chẳng hạn như Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ được tổ chức theo hình thức trực tuyến của Tổng thống Mỹ Joe Biden, với sự tham dự của đại diện từ hơn 100 quốc gia.
Sau khi không được mời tham dự hội nghị này, Trung Quốc đã lên sóng truyền hình và sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tuyên bố rằng họ có một kiểu dân chủ khác ổn định hơn kiểu đang được Mỹ tung hô.
Những gì chúng ta đang thấy là một cuộc cạnh tranh quyền lực nước lớn về quyền lực mềm, được hiểu là khả năng gây ảnh hưởng đến người khác bằng sức hút chứ không phải bằng sự cưỡng ép hay thưởng phạt.
Khi Joseph S.Nye lần đầu tiên viết về quyền lực mềm vào năm 1990, ông đang tìm cách khắc phục sự thiếu hụt trong cách các nhà phân tích nghĩ về quyền lực nói chung.
[So sánh quyền lực mềm Mỹ-Trung: Rà phá bom mìn và Bẫy nợ]
Tuy nhiên, khái niệm này dần dần có tiếng vang chính trị hơn. Ở một số khía cạnh, tư duy đằng sau khái niệm này không phải là mới; những khái niệm tương tự đã được các triết gia cổ đại như Lão Tử đưa ra.
Quyền lực mềm cũng không chỉ liên quan đến các hành vi trên trường quốc tế hay liên quan tới riêng Mỹ. Nhiều quốc gia nhỏ và các tổ chức cũng có sức mạnh thu hút người khác; và trong các nền dân chủ, ít nhất, quyền lực mềm là một thành phần thiết yếu của sự lãnh đạo.
Tuy nhiên, hiện nay khái niệm này thường được gắn với các mối quan hệ quốc tế. Khi Liên minh châu Âu (EU) phát triển thành hình thức hiện nay, các nhà lãnh đạo châu Âu ngày càng sử dụng nhiều thuật ngữ này.
Và kể từ năm 2007, khi cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố rằng Trung Quốc phải phát triển sức mạnh mềm của mình, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD cho nhiệm vụ đó.
Đối với Trung Quốc, thách thức hiện nay là cần triển khai một chiến lược sức mạnh thông minh hiệu quả. Nếu chiến lược này có thể kết hợp hiệu quả sức mạnh cứng ngày càng gia tăng của Trung Quốc với sức mạnh mềm, nó sẽ ít có khả năng kích động các liên minh đối trọng hơn.
Quyền lực mềm không phải là nguồn sức mạnh duy nhất hay quan trọng nhất, vì tác động của nó có xu hướng chậm và mang tính gián tiếp. Tuy nhiên, việc bỏ qua hoặc phớt lờ sức mạnh mềm là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng.
Quyền lực của Đế chế La Mã không chỉ phụ thuộc vào các quân đoàn mà còn phụ thuộc vào sức hấp dẫn của văn hóa và luật pháp La Mã. Tương tự, như một nhà phân tích người Na Uy đã từng mô tả, sự hiện diện của Mỹ ở Tây Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai là "một đế chế được chào mời."
Không cần tới pháo để phá vỡ Bức tường Berlin; nó bị dỡ bỏ bởi những chiếc búa và máy ủi của những người đã bị quyền lực mềm của phương Tây thu hút.
Các nhà lãnh đạo chính trị thông minh từ lâu đã hiểu rằng các giá trị có thể tạo ra quyền lực. Nếu tôi có thể khiến bạn muốn những gì tôi muốn, tôi sẽ không phải bắt bạn làm những gì bạn không muốn. Nếu một quốc gia đại diện cho các giá trị mà những người khác thấy hấp dẫn, thì quốc gia đó có thể không cần phải sử dụng tới “cây gậy và củ cà rốt.”
Quyền lực mềm của một quốc gia chủ yếu đến từ ba nguồn: văn hóa; các giá trị chính trị, chẳng hạn như dân chủ và nhân quyền (khi quốc gia đó đề cao các giá trị này); và các chính sách (khi chúng được coi là hợp pháp vì chúng phù hợp với nhận thức về lợi ích của người khác).
Một chính phủ có thể gây ảnh hưởng đến những chính phủ khác thông qua cách họ hành xử ở ngay chính đất nước mình (chẳng hạn như bằng cách bảo vệ quyền tự do báo chí và quyền biểu tình), trong các tổ chức quốc tế (tham khảo ý kiến của những nước khác và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương) và thông qua chính sách đối ngoại của họ (chẳng hạn như bằng cách thúc đẩy phát triển và quyền con người).
Trong đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã cố gắng sử dụng cái gọi là ngoại giao vaccine để củng cố quyền lực mềm của mình, vốn đã bị phá hủy do nước này bí mật xử lý đại dịch khi nó bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán.
Chính phủ Trung Quốc đã có các nỗ lực nhằm củng cố Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), sáng kiến hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng ở nhiều nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận trên thế giới cho thấy kết quả thật đáng thất vọng. Về mức độ hấp dẫn, Trung Quốc thua Mỹ ở tất cả các châu lục, ngoại trừ châu Phi, nơi hai quốc gia này có sức hấp dẫn ngang bằng nhau.
Một lý do khiến mức độ quyền lực mềm của Trung Quốc thấp hơn Mỹ là việc nước này sử dụng nhiều quyền lực cứng để theo đuổi chính sách đối ngoại ngày càng mang tính dân tộc chủ nghĩa. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong việc Trung Quốc trừng phạt kinh tế đối với Australia và trong các hoạt động quân sự của nước này tại khu vực biên giới Himalaya giáp với Ấn Độ.
Trung Quốc có vấn đề về sức mạnh thông minh. Rốt cuộc, thật khó để cùng lúc triển khai cả ngoại giao vaccine và “ngoại giao Chiến Lang” (hành xử hung hăng, hăm dọa các nước nhỏ hơn).
Đúng là các cuộc thăm dò dư luận trên thế giới cho thấy quyền lực mền của Mỹ cũng bị suy giảm trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump. Tuy nhiên, may mắn thay, nước Mỹ không chỉ là chính phủ Mỹ. Không giống như các tài sản quyền lực cứng (chẳng hạn như lực lượng vũ trang), nhiều nguồn lực của quyền lực mềm không liên quan tới chính phủ và chỉ đáp ứng một phần các mục tiêu của chính phủ.
Ví dụ, các bộ phim Hollywood nói về những người phụ nữ độc lập hay những người thiểu số đứng lên phản kháng đã truyền cảm hứng cho những người khác trên khắp thế giới. Các công việc từ thiện của các tổ chức của Mỹ và quyền tự do điều tra tìm hiểu của các trường đại học Mỹ cũng tương tự như vậy.
Các công ty, trường đại học, quỹ, giáo hội và các phong trào phản đối phát triển quyền lực mềm của riêng họ. Đôi khi các hoạt động của họ sẽ củng cố các mục tiêu chính sách đối ngoại chính thức của chính phủ, và đôi khi chúng sẽ mâu thuẫn với các mục tiêu đó. Dù thế nào, những nguồn quyền lực mềm tư nhân này ngày càng quan trọng trong thời đại của truyền thông xã hội.
Cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 tại Đồi Capitol chắc chắn đã làm tổn hại đến quyền lực mềm của Mỹ. Nhưng những người thương tiếc cho “cái chết yểu” của nền dân chủ Mỹ nên nhớ rằng, bất chấp đại dịch, cuộc bầu cử năm 2020 đã thu hút một lượng cử tri đi bầu chưa từng có. Người dân Mỹ vẫn có thể lật đổ một kẻ mị dân trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Điều này không có nghĩa là nền dân chủ Mỹ hay quyền lực mềm của nước này đều ổn. Trump đã làm xói mòn nhiều quy tắc dân chủ mà bây giờ cần phải được khôi phục.
Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã biến việc củng cố nền dân chủ trong và ngoài nước trở thành mục tiêu trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, nhưng kết quả vẫn còn phải chờ xem.
Không ai có thể chắc chắn về quỹ đạo tương lai của quyền lực mềm của bất kỳ quốc gia nào. Nhưng chắc chắn rằng ảnh hưởng thông qua sức hút sẽ vẫn là một thành phần quan trọng của nền chính trị thế giới. Mark Twain đã từng châm biếm: "Các thông tin về cái chết của tôi bị phóng đại quá mức". Điều đó cũng đúng với quyền lực mềm./.