Điều chuyển hoặc hủy nguồn vốn ODA nếu sử dụng không hiệu quả

Trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ sẽ kiên quyết điều chuyển nguồn vốn hoặc hủy nguồn vốn ODA nếu các dự án sử dụng không hiệu quả.
Điều chuyển hoặc hủy nguồn vốn ODA nếu sử dụng không hiệu quả ảnh 1Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chiều 9/6, là người cuối cùng thực hiện trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã làm rõ nhiều nội dung được dư luận quan tâm như tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA; bố trí kinh phí cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ về chính sách bảo hiểm y tế đối với người dân tộc thiểu số các thôn, bản xã đặc biệt khó khăn.

Nguồn vốn ODA hết sức cần thiết và không dễ dàng có được

Chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực về vấn đề giải ngân nguồn vốn ODA, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho biết: Theo báo cáo của Chính phủ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước từ nguồn ODA năm 2021 là rất thấp, chỉ đạt 32,85% dự toán.

Theo ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, việc cắt giảm bội chi ngân sách trung ương chủ yếu do cắt giảm từ nguồn vốn ODA chưa thực hiện giải ngân phải hủy dự toán lên đến 29,1 nghìn tỷ đồng.

Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân ODA, vốn vay ưu đãi thời gian qua, đồng thời chỉ rõ Chính phủ có những chỉ đạo và giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn ODA trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, theo số liệu, đến nay, tổng nguồn vốn ODA đã thực hiện là 21 tỷ USD. Riêng năm 2022, dự kiến huy động nguồn vốn vay ưu đãi là 2,5 tỷ USD. Đây là nguồn lực hết sức cần thiết và không dễ dàng có được vì đất nước ta đã ra khỏi mức được Ngân hàng Thế giới cũng như các tổ chức tín dụng cho sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi trước đây và bây giờ là nguồn vốn vay có lãi suất cao hơn. “Tuy vậy, chúng ta cũng đã huy động được. Điều đó cũng cho thấy việc sử dụng nguồn vốn ODA của chúng ta có hiệu quả. Do đó, các nhà tài trợ, các ngân hàng mới có để huy động và cho chúng ta những nguồn vay này.”

Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn ODA trong các năm chứ không chỉ trong năm 2022 luôn thấp dịp đầu năm, vào cuối năm có tăng lên. Nhưng về cơ bản, nếu so với tình hình giải ngân chung là thấp. Theo báo cáo của Chính phủ, trong 5 tháng đầu năm nay, mức giải ngân là 6,26%.

Phó Thủ tướng cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân khách quan là tình hình dịch COVID-19 trong hai năm 2021-2022, nhất là đầu năm 2022 gây ảnh hưởng nhất định đến việc chuyên gia hoặc các nhà tài trợ nước ngoài vào đất nước.

Cùng với đó, thủ tục, quy trình giữa Việt Nam và các nhà tài trợ có sự khác biệt. Hiện nhà tài trợ ODA gồm 6 ngân hàng phát triển nhưng mỗi ngân hàng có quy định hoặc nhà tài trợ ở các nước cũng có những quy định riêng.

“Hiện chúng ta đang cố gắng làm sao hài hòa hóa thủ tục này. Có nhà tài trợ yêu cầu là khi giải ngân nguồn vốn nào đó phải có thư không phản đối của nhà tài trợ. Riêng thư này đã mất thời gian nhất định,” Phó Thủ tướng nêu rõ.

[Triển khai quyết liệt 5 trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện thể chế]

Một số nguyên nhân khác, theo Phó Thủ tướng, đó là vấn đề giải phóng mặt bằng nói chung của các nguồn vốn đầu tư công còn chậm.

Về nguyên nhân chủ quan, Phó Thủ tướng thừa nhận là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc giải ngân nguồn vốn này; năng lực hạn chế trong giải ngân nguồn vốn; việc bố trí nguồn vốn đối ứng còn khó khăn.

Nêu giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo, rà soát lại và hoàn thiện cơ sở pháp lý. Hiện nay, Chính phủ đang sửa đổi Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, Nghị định 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài được ban hành tháng 12/2021.

Nêu thêm một lý do dẫn tới việc chậm giải ngân ODA, Phó Thủ tướng cho biết, các Ban quản lý dự án thường chờ đến cuối năm mới giải ngân nguồn vốn này dù đã hoàn thành một số hạng mục trong các dự án để quyết toán một lần với Kho bạc Nhà nước.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ sẽ kiên quyết điều chuyển nguồn vốn hoặc hủy nguồn vốn ODA nếu các dự án sử dụng không hiệu quả.

Ưu tiên bố trí đủ kinh phí cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) chất vấn về giải pháp của Chính phủ nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thời gian tới nhằm góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đây là chương trình có tầm quan trọng về giảm nghèo bền vững, được thực hiện từ năm 1998, đang được triển khai theo Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư.

Điều chuyển hoặc hủy nguồn vốn ODA nếu sử dụng không hiệu quả ảnh 2Người dân Mường Chà, Điện Biên chăm sóc cây ngô. (Ảnh minh họa: Xuân Tư/TTXVN)

Hiện có 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, xây dựng các văn bản triển khai với cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia này bảo đảm phù hợp với Luật Đầu tư công, theo đúng trình tự, thủ tục... Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về phân bổ nguồn vốn và Chính phủ đã ra quyết định ngày 23/5/2022 về phân bổ nguồn vốn cho tất cả các bộ, ngành, địa phương.

[Cần nâng cao trách nhiệm thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia]

Nêu giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình này thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ Tài chính phải ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình để làm căn cứ cho các địa phương triển khai, nhất là đối với các tỉnh, thành thực hiện chương trình.

Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan khẩn trương ban hành các văn bản, tổ chức thực hiện triển khai chương trình theo thẩm quyền và ưu tiên bố trí đầy đủ kinh phí theo quy định, thực hiện phân bổ kinh phí kịp thời, thực hiện các giải pháp lồng ghép nguồn vốn và đặc biệt 63 tỉnh, thành phố có chương trình và 53 tỉnh có chương trình về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần phải lồng ghép vốn của 3 chương trình và không trùng lắp. Ủy ban nhân dân các tỉnh chủ động nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để đẩy mạnh, đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn này.

Hỗ trợ về chính sách bảo hiểm y tế đối với người dân tộc thiểu số các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nêu chất vấn, hiện có 406 xã, 6.954 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, không thuộc diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội miền núi, không được hưởng các chính sách an sinh xã hội và một số chính sách khác, đặc biệt là chính sách bảo hiểm y tế. Khoảng 2,6 triệu người dân tộc thiểu số không được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.

Về nội dung này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc sớm ra các quyết định liên quan đến bảo hiểm y tế của các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn, trong khi xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chính phủ đã chỉ đạo ban hành nhiều nghị định, quyết định liên quan.

Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi, đã có 6 quyết định, trong đó có liên quan đến tiêu chí của các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn.

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên có một chương trình mục tiêu quốc gia lớn liên quan đến dân tộc thiểu số; khi thực hiện phải đáp ứng với yêu cầu của Quốc hội là không trùng lắp với các chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Do đó, việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia này đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến các quy định, thủ tục hiện nay./.

Điều chuyển hoặc hủy nguồn vốn ODA nếu sử dụng không hiệu quả ảnh 3Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Cao Thị Xuân chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục