Ý tưởng ban đầu chỉ là kêu gọi một số người ủng hộ Hillary Clinton mặc áo vest và quần âu đi bỏ phiếu vào ngày 8/11, nhưng rồi “Pantsuit Nation” (tạm dịch: Đất nước áo vest quần âu) đã trở thành một điều lớn lao hơn thế.
Theo Washington Post, chỉ sau 17 ngày tồn tại, nhóm Facebook “bí mật” này đã nhanh chóng trở thành ngôi nhà trên mạng của những người nhiệt tình ủng hộ bà Clinton.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 1,9 triệu người tham gia vào nhóm, dù tư cách thành viên chỉ dành cho những người nhận được lời mời gia nhập.
“Có một sự khai sáng đối với mỗi thành viên mới - ‘Wow! Mình không phải là người duy nhất’,” đó là lời chia sẻ của Libby Chamberlain, nhà sáng lập 33 tuổi của nhóm Facebook này. Chamberlain, sống ở Maine với chồng và hai con nhỏ, cho “có một nhận thức rằng một điều gì đó đặc biệt đang diễn ra.”
Nhiều bài đăng trong nhóm Pantsuit Nation thực sự nói về áo vest và quần âu: việc mặc chúng tới các điểm bầu cử, chia sẻ kinh nghiệm mua bán, những bức ảnh chụp bộ vest mà các thành viên sẽ mặc đi bầu cử.
Ngoài ra còn có những tấm ảnh selfie của những người đi bỏ phiếu sớm. Nhưng phần lớn các bài đăng phổ biến nhất - những bài có số lượt ‘thích’ lên tới hàng chục nghìn - lại là những câu chuyện cá nhân, nói về ý nghĩa của một lá phiếu bầu cho bà Clinton đối với người đăng. Một số câu chuyện cũng nói về các bộ vest.
Những người trẻ tuổi trong nhóm đã phản ứng rất mạnh mẽ với những câu chuyện của các thành viên nhiều tuổi về những gì họ từng trải qua trong quá khứ chỉ để được phép mặc một bộ vest với quần âu ở nơi làm việc.
“Áo vest quần âu là một biểu tượng,” Chamberlain chia sẻ. Và điều đó đã thúc đẩy những người khác chia sẻ nhiều câu chuyện về mẹ hoặc bà của họ, những người đã cố gắng hết sức để có được chỗ đứng trong các lĩnh vực mà nam giới chiếm ưu thế.
Cũng có “rất nhiều bài đăng về việc đón nhận những khác biệt, về việc hỗ trợ lẫn nhau vượt qua những tình huống thử thách,” Chamberlain cho biết, từ chối trình bày chi tiết hơn vì các thành viên của Pantsuit Nation đã đăng bài trong nhóm với giả định rằng bài đăng của họ sẽ không bị công khai.
Pantsuit Nation có luật lệ riêng và ngày càng có nhiều người quản lý để thực thi các luật lệ này. Không bài đăng tiêu cực nào về bà Clinton hoặc các đối thủ của bà được cho phép đăng trong nhóm, song ý định bỏ phiếu cho bà không phải là điều kiện bắt buộc.
Pantsuit Nation không phải là nơi để bảo vệ bà Clinton trước những lời chỉ trích hay là nơi để tranh luận chính trị, Chamberlain cho biết. Đây cũng không phải là nơi để chia sẻ các bài báo về bà Clinton. Phần còn lại của mạng Internet đã có rất nhiều không gian cho việc đó rồi.
Thay vào đó, điểm cốt lõi của Pantsuit Nation là sự nhiệt tình được chia sẻ. Các bài đăng đổ vào Pantsuit Nation rất nhanh chóng, nhưng những bài viết gần đây nhất được xếp cạnh nhau là một loạt hình ảnh của các cử tri đang mỉm cười, những bức ảnh gia đình, và hết câu chuyện này tới câu chuyện khác - cũng như sự biết ơn về một không gian lành mạnh để chia sẻ những câu chuyện này với người lạ.
Cộng đồng mạng Internet về Donald Trump đã dành phần lớn mùa bầu cử 2016 một cách ầm ĩ và thẳng thắn, được xây dựng trên các cộng đồng trên Reddit hay 4 Chan.
Chiến dịch bước đầu của Bernie Sanders được thúc đẩy bởi những mạng lưới ủng hộ trên mạng đã làm mọi thứ từ vận động cơ sở cho tới tạo ra những hình ảnh hài hước về ông. Trong khi đó, cộng đồng mạng Internet về Clinton lại bị chia rẽ và kém ấn tượng hơn.
Pantsuit Nation vẫn là một nhóm “bí mật” trên Facebook - để gia nhập, bạn phải được một người bạn Facebook mời vào nhóm - nhưng sự tồn tại của nó đã trở thành một đối trọng rất phổ biến trước giả định vốn có rằng bà Clinton thiếu đi những người ủng hộ thực lòng, nhiệt tình bên ngoài cỗ máy tranh cử đang bầu cho bà Clinton, thay vì chỉ bỏ phiếu chống lại các ứng cử viên khác.
Trên thực tế, Chamberlain cho biết chị chưa hề nghe nói thông tin gì về nhóm của chị từ chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
Đó là một điều đáng ngạc nhiên, vì Pantsuit Nation đã quyên góp được hơn 170.000 USD cho chiến dịch trong vài ngày cuối tuần, theo dữ liệu tự báo cáo do nhóm này thu thập.
Họ đã gọi đi hơn 5.000 cuộc gọi vận động cho ứng cử viên của mình. Chamberlain cho biết ý tưởng về bộ vest ngay từ đầu là một cách để khuyến khích cử tri thực sự đi bỏ phiếu.
Và nhóm này đang nhanh chóng phát triển khi các thành viên hiện tại không ngừng mời thêm bạn bè mình vào nhóm. Nhóm hiện có khoảng 1,5 triệu thành viên với mức độ hoạt động khác nhau. Như một ví dụ để so sánh, cỗ máy lớn nhất nhiệt tình ủng hộ ông Trump trên mạng có thể là chủ đề mang tên r/The_Donald trên Reddit. Nhóm này có danh sách người theo dõi lên tới 264.241 người.
Các trang công khai chính thức trên Facebook của chiến dịch vận động của bà Clinton có 8 triệu lượt ‘thích’ và của ông Trump là 12 triệu.
Một trong số những chìa khóa cho sự phát triển của Pantsuit Nation là tính riêng tư của nó. “Nó loại bỏ nguy cơ các thành viên bị tấn công vì quan điểm của họ xuống mức thấp nhất có thể,” Chamberlain cho biết.
Đăng bài viết trên các trang khác, như Twitter chẳng hạn, về việc ủng hộ bà Clinton giống như một “lời mời quấy rối” từ mọi phía trên mạng từ các cá nhân đối lập với bà. Các bài đăng trên Pantsuit Nation được quản lý, và những người quản lý xóa hết những bình luận tiêu cực về bất kỳ ứng cử viên nào. Những gì còn lại là một danh sách dài những bài viết tích cực.
Tương lai của Pantsuit Nation là không chắc chắn. Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất rõ ràng là cuộc bầu cử vào ngày 8/11 để xác định xem bà Clinton có trở thành tổng thống hay không. Song, Chamberlain có ý định giữ cho nhóm hoạt động dưới một hình thức nào đó. Nếu bà Clinton trở thành tổng thống, chị cho rằng “bà ấy sẽ đối mặt với những rào cản chưa từng thấy trong lịch sử.”
Chamberlain nói thêm rằng: “Pantsuit Nation là một cộng đồng ủng hộ cho bà ấy mà chúng tôi hy vọng mình có thể quản lý được.”/.