Điều chỉnh tăng vốn hai tuyến metro tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, tổng mức đầu tư ban đầu dự án tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên đươc phê duyệt là 1,092 tỷ USD, sau đó điều chỉnh lên 2,49 tỷ USD.
Điều chỉnh tăng vốn hai tuyến metro tại Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1Đoạn vượt sông Sài Gòn đang được thi công khẩn trương với chiều rộng 11m, 2 trụ chính đã thành hình. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Liên quan đến dự án tuyến tàu điện ngầm số 1 (metro số 1) Bến Thành-Suối Tiên, Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt là 1,092 tỷ USD, sau đó điều chỉnh lên 2,49 tỷ USD.

Nguyên nhân điều chỉnh tổng mức đầu tư là do tăng khối lượng xây dựng như tăng đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga, áp dụng hệ thống tiên tiến, cập nhật tỷ giá yen Nhật - đồng Việt Nam.

Tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo quy định mới, tính toán cho đến năm 2019 đã khiến tổng mức đầu tư dự án tăng lên. Ngoài ra còn do sự biến động giá của một số nguyên, nhiêu vật liệu, tăng mức lương tối thiểu trong hơn 3 năm qua.

Đơn cử, môt số nội dung dự án tuyến số 1 đã được điều chỉnh như thay đổi về thông số kỹ thuật, quy mô xây dựng bao gồm thay đổi bình đồ tuyến (hướng đoạn trước nhà ga cuối-ga Bến xe Suối Tiên), tải trọng lực, cự ly tim đường, đường kính trong hầm, ray, hệ thống thông tin tín hiệu, phương án tuyến và cơ cấu tuyến đường (quy mô một số nhà ga, công trình cầu), thay đổi về quy mô hệ thống điện, trang thiết bị nhà ga (máy bán vé, cửa phí tự động…).

Theo tiến độ được duyệt, tuyến số 1 Bến Thành-Suối Tiên, đi qua địa bàn quận 1, Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 2, quận 9 (Thành phố Hồ Chí Minh) và thị xã Dĩ An (Bình Dương), dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2017, vận hành khai thác năm 2018 nhưng được điều chỉnh hoàn thành năm 2019, khai thác thương mại từ năm 2020.

Về tiến độ giải ngân, từ khởi đầu dự án đến nay đã giải ngân được 604 tỷ đồng vốn đối ứng và 7.055 tỷ đồng vốn ODA.

Về tiến độ thi công, gói thầu 1a (xây dựng đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát) dự kiến triển khai giữa năm 2016, gói thầu 1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát đến ga Ba Son) đạt khối lượng 9%, gói số 2 (xây dựng đoạn đi trên cao và depot) đạt 43% khối lượng tổng thể, gói 3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ra và bảo dưỡng) đang được nhà thầu Hitachi thiết kế kỹ thuật.

Trong khi đó, gói số 4 (hệ thống công nghệ thông tin cho Văn phòng Công ty vận hành và bảo dưỡng) dự kiến sẽ tổ chức đấu thầu trong năm 2016.

Đối với tuyến số 2 (Bến Thành-Tham Lương), dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu là 1,375 tỷ USD từ vốn ODA của Ngân hàng ADB, Ngân hàng KfW, Ngân hàng EIB và vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại đợt kiểm tra tình hình thực hiện dự án vào tháng 3, các nhà tài trợ ADB, KfW, EIB đã cơ bản thống nhất về cơ cấu phân chia lại nguồn vốn tài trợ trên cơ sở giá trị tổng mức đầu tư dự kiến là 2 tỷ USD (tăng khoảng 51% so với tổng mức đầu tư được duyệt là 1,375 tỷ USD).

Tuyến metro số 2 đi qua địa bàn các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú với tổng số hộ bị ảnh hưởng khoảng 797 hộ. Hiện nay, chủ đầu tư đã bàn giao ranh thu hồi đất của dự án cho Ủy ban Nhân dân các quận dọc tuyến.

Các quận cũng đã thành lập Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của từng quận và đang tiến hành đo vẽ Bản đồ hiện trạng vị trí 1/500 phạm vi ảnh hưởng dự án trên địa bàn.

Lũy kế giải ngân từ đầu năm 2015 đến ngày 25/9 đạt 70,5 tỷ đồng đối với vốn ODA và gần 6 tỷ đồng vốn đối ứng của ngân sách thành phố.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư là do sự thay đổi trong công tác thiết kế sau thiết kế cơ sở như điều chỉnh mặt bằng các nhà ga ngầm, bổ sung thiết kế, khối lượng giao cắt giữa tuyến số 2 với các tuyến số 1, 3b, 5 và 6, điều chỉnh số lượng đoàn tàu tương ứng với năm bắt đầu vận hành khai thác đã thay đổi (dự kiến năm 2022), các yếu tố về trượt giá…

Để đẩy nhanh tiến độ của dự án, Ủy ban Nhân dân thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành tổ chức thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu có giá trị hạng mục vượt tổng mức đầu tư được duyệt song song với quá trình điều chỉnh dự án, trong đó có hạng mục xây lắp “Đường hầm và các nhà ga ngầm” (tăng giá trị từ 404 triệu USD lên thành 1,168 tỷ USD).

Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho thực hiện lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu CP3a và CP3b song song với quá trình điều chỉnh dự án; đồng thời cho phép thành phố được thực hiện chỉ định tổng thầu EPC đối với gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục