Điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá tạo sự linh hoạt cho thị trường

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước nới biên độ trong thời điểm này là tương đối thích hợp và vẫn đảm bảo đúng về nguyên tắc cam kết tiền đồng sẽ không mất giá quá 2%.
Việc điều chỉnh biên độ tỷ giá sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Ngân hàng Nhà nước vừa bất ngờ quyết định tăng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 VND/USD, biên độ tỷ giá mới sẽ cho phép tỷ giá biến động trong phạm vi mức tỷ giá trần là 22.106 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.240 VND/USD.

[Tỷ giá bất ngờ được điều chỉnh với mức trần là 22.106 VND/USD]

Ngay sau quyết định này, các chuyên gia đều cho rằng quyết định tăng biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với thời điểm hiện nay.

Đánh giá về động thái này, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước nới biên độ trong thời điểm này là tương đối thích hợp và vẫn đảm bảo đúng về nguyên tắc cam kết tiền đồng sẽ không mất giá quá 2%.

Cũng theo ông Phong, Trung Quốc vừa mới phá giá đồng nhân dân tệ gần 2% thì Việt Nam điều chỉnh biên độ thêm 1% là bình thường trong bối cảnh Việt Nam nhập siêu nhiều từ Trung Quốc, như vậy sẽ giúp giảm bớt tình trạng nhập siêu và quyết định điều chỉnh này cũng sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

“Mình cũng đang có những khó khăn liên quan đến ngân sách nên việc điều chỉnh tỷ giá này cũng là một cách để chúng ta có thêm cơ hội gia tăng những hoạt động ngân sách làm biến động đến tỷ giá và đặc biệt là tránh được tình trạng mất niềm tin từ nhân dân,” ông Phong nhấn mạnh.

Còn theo chuyên gia Trần Du Lịch, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biên độ tỷ giá thêm 1% vừa giúp cơ quan này tránh được phá giá và hỗ trợ xuất khẩu.

Theo vị chuyên gia này, nới biên độ tỷ giá sẽ tạo điều kiện linh hoạt hơn cho thị trường nhưng quan trọng hơn, đây còn là bước đệm cần thiết để thời gian tới, tỷ giá phải được điều hành linh hoạt hơn.

Theo ông Lịch, hoạt động xuất khẩu không chỉ là vấn đề tỷ giá mà còn là chất lượng sản phẩm, lãi suất, sản phẩm… Vấn đề này Chính phủ cần phải hỗ trợ doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài việc ủng hộ các quyết sách kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện Ngân hàng Nhà nước tăng biên độ sẽ làm hạ nhiệt thị trường tự do đồng thời cũng không cần phải can thiệp quá mạnh tay như trước. Trước đó khi thị trường tự do biến động, Ngân hàng Nhà nước phải bán ra ngoại tệ can thiệp thị trường để giữ được tỷ giá trong biên độ ấn định. Chính vì vậy, chi phí mà Ngân hàng Nhà nước phải gánh để can thiệp vào thị trường sẽ giảm đi.

Các chuyên gia cho biết, Việt Nam nhập siêu nhiều nhất từ Trung Quốc ít nhất từ năm 2007, trong khi với việc nhập khẩu ngày càng tăng, đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Trung Quốc trong năm 2014.

Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc bao gồm máy móc, thiết bị, điện thoại và phụ kiện, máy tính, độ điện tử và linh kiện, vải trong khi đó xuất khẩu chủ yếu là máy tính, đồ điện tử và linh kiện, sợi, dầu thô, gạo; sắn và các sản phẩm từ sắn.

Chính vì vậy, ông Hiếu chỉ ra rằng hàng hóa nhập khẩu tính ra tiền đồng giá sẽ cao hơn, đi vào giỏ hàng hóa của cả nước có thể làm tăng lạm phát.

Ông Hiếu cũng cho biết thêm, nợ công bằng đồng ngoai tệ tính ra tiền đồng sẽ tăng đáng kể. Số nợ công đó sẽ tăng thực chứ không phải trên sổ sách và gây bất lợi cho Chính phủ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến trên thị trường thế giới và trong nước để có phản ứng hợp lý. Vì trên thực tế, với lượng dự trữ ngoại hối hiện nay Ngân hàng Nhà nước có đủ lực để can thiệp. Nhưng can thiệp như thế nào để hỗ trợ nền kinh tế, nhập khẩu chứ không phải cứ khi nào có biến động là điều chỉnh tỷ giá.

Còn tại cuộc trả lời báo chí chiều nay (12/8), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá thêm +/-1% sẽ tạo sự linh hoạt cho thị trường. Bởi vậy, việc nới rộng biên độ tỷ giá là động thái phù hợp, giúp tỷ giá linh hoạt hơn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đối phó tốt hơn với rủi ro và bất ổn của thị trường quốc tế.

Bà Hồng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong biên độ quy định, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp./.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biên độ tỷ giá, hầu hết các ngân hàng thương mại tăng giá USD lên trên 22.000 VND.

Theo bảng giá của Vietcombank, nhà băng chiếm thị phần lớn về thanh toán xuất nhập khẩu - cặp tỷ giá VND/USD giao dịch ở mức 21.990 đồng/USD (mua vào) và 22.060 VND (bán ra), tăng lần lượt mỗi chiều 210 VND và 230 VND so với phiên trước. Tương tự tại BIDV, giá USD được niêm yết giao dịch lên mức 22.000 VND - 22.060 VND. VietinBank lại có mức tăng cao nhất, hiện đang giao dịch quanh mức 22.015-22.075 đồng/USD.

Cùng xu hướng thị trường, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng tăng mạnh giá USD. Điển hình, tại ACB, giá USD giao dịch ở mức 22.000-22.090 đồng/USD, tăng 210 đồng và 230 đồng mỗi chiều; Eximbank niêm yết ở mức 21.980-22.100 đồng/USD, cũng tăng 200 đồng và 250 đồng/USD mỗi chiều.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục