Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay: Trợ lực cho doanh nghiệp

Việc giảm lãi suất vào thời điểm cuối năm được đánh giá là phù hợp, thay vì để sang năm mới khi các ngân hàng đã đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Bảo Việt chi nhánh Gia Lai. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trong những ngày gần đây, nhiều ngân hàng đồng loạt thông báo điều chỉnh giảm lãi suất cho vay bằng VND ngắn hạn để hỗ trợ doanh nghiệp trong những tháng cuối năm. Động thái này được các doanh nghiệp đánh giá rất cao trong bối cảnh sản xuất kinh doanh của nhiều ngành đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), trung bình mỗi năm, Trung An phải vay ngân hàng khoảng 600 tỷ đồng kỳ ngắn hạn để bổ sung vào dòng vốn lưu động, phục vụ cho việc thu mua lúa gạo tạm trữ trong năm hoặc đầu tư lắp đặt hệ thống silo chứa lúa...

Do vậy, việc Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay mới đây có ý nghĩa rất lớn đối với Trung An cũng như các doanh nghiệp khác.

"Đây là tín hiệu rất tích cực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoản chi phí tài chính đáng kể để bổ sung vào nguồn vốn tái đầu tư phát triển. Nhất là đối với các doanh nghiệp trong ngành chế biến xuất khẩu gạo đang gặp rất nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ cũng như có giá bán rơi xuống mức thấp nhất trong vài năm gần đây," ông Bình nói.

Báo cáo tài chính quý 3/2019 của Trung An cho thấy trong 9 tháng năm 2019, doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty giảm gần 21% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 1.275 tỷ đồng.

Để ứng phó với tình hình xuất khẩu gặp khó, trong thời gian qua, doanh nghiệp này đã linh hoạt, chủ động đẩy mạnh hoạt động bán hàng nội địa.

Nhờ chi phí bán hàng giảm, hoạt động bán hàng nội địa có tỷ suất lợi nhuận cao hơn xuất khẩu đã giúp lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này tăng gần 28% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, việc bán hàng nội địa cũng khiến doanh nghiệp này bị ảnh hưởng tăng chi phí lãi vay do nới rộng thời hạn thanh toán và tăng lãi suất do việc chuyển từ vay bằng đồng USD sang vay bằng đồng VND. Do đó, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng đã kịp thời trợ lực cho doanh nghiệp, kích thích doanh nghiệp tiếp tục tái đầu tư phát triển.

Ông Lý Thành Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần may thêu Minh Long Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng ở thời điểm này, việc các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay là tin vui cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, những doanh nghiệp đang có nhu cầu vay vốn ngắn hạn để phục vụ cho mùa kinh doanh cuối năm như thanh toán tiền hàng, bổ sung vốn lưu động, tích trữ hàng hóa cho kế hoạch năm 2020, hàng phục vụ Tết Nguyên đán... thì điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm một phần chi phí tài chính.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất trong thời điểm này mang một ý nghĩa lớn hơn, là động thái tích cực và hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, điều này cũng có tác động hỗ trợ đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, do việc cắt giảm lãi suất sẽ tác động đến tỷ giá khi làm giảm giá trị VND một cách tương đối.

Động thái này cũng nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ và định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong việc góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp những tháng cuối năm.

Trước đó, tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phát biểu đặt mục tiêu giảm ít nhất 0,5% lãi suất cho vay trong năm 2020, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên.

Về phía các ngân hàng, với kết quả kinh doanh 9 tháng công bố cho thấy lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, thậm chí lên kỷ lục mới. Đây được xem là cơ sở và tiền đề quan trọng để các ngân hàng quyết định giảm lãi suất mà không quá e ngại ảnh hưởng đến mục tiêu lợi nhuận.

Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong quý 3/2019, nhóm ngân hàng có lợi nhuận sau thuế tăng mạnh nhất, tăng 43% so với quý 3/2018 và tăng hơn 25% so với cùng kỳ sau 9 tháng của năm nay; trong đó Vietcombank, VPBank, VietinBank và Sacombank đóng góp chính vào lợi nhuận sau thuế quý 3 của nhóm này.

[Đồng loạt giảm lãi suất: ''Cơn gió ngược'' mùa tín dụng cuối năm]

Do đó, việc chọn giảm lãi suất vào thời điểm cuối năm khi lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay đang dồi dào được đánh giá là phù hợp, thay vì để sang năm mới khi các ngân hàng đã đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn.

Tuy vậy, việc các doanh nghiệp có tiếp cận được với nguồn vốn từ các ngân hàng này hay không lại là chuyện khác. Theo ông Lý Thành Sinh, nếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo thì việc tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng không phải là chuyện dễ trong khi phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Ngay bản thân doanh nghiệp này đã từng bị ngân hàng từ chối cho vay, dù dự án này là đầu tư vào công nghệ, mang tính thiết thực.

Ngoài ra, trong ngành dệt may, những doanh nghiệp gia công, thường nhập khẩu nguyên phụ liệu, chủ yếu lại vay ngoại tệ nên đợt điều chỉnh này lại không nằm trong phạm vi doanh nghiệp được hưởng lợi.

Do đó, các chuyên gia cũng cho rằng để tiếp cận được nguồn tín dụng từ ngân hàng, các doanh nghiệp cũng cần hình thành thói quen minh bạch báo cáo tài chính, có phương án kinh doanh khả thi... Điều này cần được doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp xác định ngay từ những ngày đầu thành lập thì mới tiến tới đáp ứng các điều kiện vay vốn từ ngân hàng.

Trước đó, chiều 18/11, Ngân hàng Nhà nước công bố về việc hạ trần lãi suất huy động và lãi suất cho vay từ 0,2-0,5%/năm. Ngay sau đó, các ngân hàng thương mại đã ngay lập tức thông báo giảm lãi suất huy động nhiều kỳ hạn và nhiều ngân hàng cũng điều chỉnh lãi suất cho vay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục