Điều chế thành công huyết thanh điều trị Ebola trên khỉ

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa điều chế thành công một loại huyết thanh điều trị Ebola trên khỉ, mở ra hy vọng về khả năng kháng loại virus "tử thần" vốn gây tỷ lệ tử vong cao.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Ebola tại bệnh viện Donka ở Conakry, Guinea. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa điều chế thành công một loại huyết thanh điều trị Ebola trên khỉ, mở ra hy vọng tích cực về khả năng kháng loại virus "tử thần" vốn gây tỷ lệ tử vong cao và chưa có vắcxin phòng ngừa này.

Thông tin được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine của Mỹ số ra cuối tuần qua.

Huyết thanh MIL77E được tạo từ hai kháng thể đơn dòng 13C6 và 2G4, có cơ chế hoạt động tương tự loại huyết thanh ba kháng thể ZMapp - được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho phép sử dụng trong điều trị trên người bệnh nhiễm Ebola trong đợt dịch ở Tây Phi hai năm qua.

Chuyên gia Xiangguo Qiu, nhà sinh vật học thuộc Cơ quan Y tế Công cộng Canada đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết sau khi thử nghiệm, tất cả ba con khỉ được điều trị bằng thuốc MIL77E đều cho kết quả âm tính với Ebola sau ba ngày nhiễm loại virus này.

Theo chuyên gia trên, nếu MIL77E đem lại hiệu quả trong điều trị Ebola, chi phí chữa trị căn bệnh nguy hiểm này bằng MIL77E sẽ thấp hơn so với các loại thuốc đang được thử nghiệm khác.

Trước đó, các chuyên gia Mỹ đã thử nghiệm thành công huyết thanh ZMapp kháng virus Ebola cho hai bệnh nhân người Mỹ đầu tiên là bác sỹ Kent Brantly và Nancy Writebol.

Sau khi được điều trị bằng loại huyết thanh được tạo thành từ ba kháng thể và chất điều chế từ lá cây thuốc lá biến đổi gien, sức khỏe của cả hai bác sỹ đều cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, ZMapp có nhược điểm là rất khó để có thể sản xuất trên quy mô lớn.

Khuẩn Ebola được đặt tên theo một con sông nhỏ ở CHDC Congo. Bệnh lây nhiễm do tiếp xúc với máu và dịch thể của một số loài động vật, chủ yếu là khỉ và một loài dơi lớn thuộc họ Megachiroptera. Người nhiễm khuẩn Ebola có thể truyền bệnh cho người khỏe mạnh qua đường tình dục.

Theo WHO, kể từ khi bùng phát hồi tháng 2/2014 tại Tây Phi, đến nay virus Ebola đã khiến 11.300 người thiệt mạng tại Sierra Leone, Liberia và Guinea. Tổ chức trên cảnh báo nguy cơ tái bùng phát Ebola là rất cao vì chưa có vắcxin phòng ngừa hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh cần có cách đối phó kịp thời và hiệu quả đối với những ca nghi nhiễm mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục