Điều "bất thường" nào đang diễn ra tại V-League 2014?

Trật tự tại V-League đang đảo lộn toàn diện khi không một đội bóng nào trong tốp 4 mùa trước có tên ở tốp 4 mùa này.
Điều "bất thường" nào đang diễn ra tại V-League 2014? ảnh 1Than Quảng Ninh và Hải Phòng đứng thứ hai và thứ ba là bất ngờ rất lớn. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Dường như những giá trị ở V-League đã đảo lộn hết thảy khi không một đội bóng nào trong tốp 4 mùa trước có tên ở tốp 4 mùa này.

1. Đội đầu bảng là Thanh Hóa năm trước chỉ đứng thứ 5. Đặc biệt hơn, ngôi nhì bảng đang thuộc về tân binh Than Quảng Ninh.

Trật tự đang xáo trộn theo chiều hướng bất ngờ với tất cả người hâm mộ lẫn giới chuyên môn. Các thế lực cũ sa sút khá nhanh trong khi những tên tuổi mới, thậm chí là các tân binh, lại bất ngờ gây được ấn tượng mạnh khiến cả bốn đội bóng đứng đầu V-League thời điểm này đều nằm ngoài tốp 4 mùa trước. 

Sau 8 vòng đấu, bốn vị trí dẫn đầu đang lần lượt thuộc về Thanh Hóa (hạng 5 mùa trước), Than Quảng Ninh (mới thăng hạng), Hải Phòng (hạng 6), Bình Dương (hạng 8).

Phải tới vị trí thứ 5, chúng ta mới thấy một đại diện trong tốp ba là Hoàng Anh Gia Lai. Xếp ngay sau đội bóng phố núi là một tân binh khác mang tên QNK Quảng Nam. Còn đương kim vô địch Hà Nội T&T chỉ xếp hạng... 7.

Đương kim á quân SHB Đà Nẵng và Sông Lam Nghệ An chia sẻ hai vị trí kế tiếp.

2. Nguyên nhân nào đã dẫn tới những sự thay đổi rất lớn ấy?

Với Hà Nội T&T và Vissai Ninh Bình, tác động của AFC Cup là cực kỳ rõ rệt. Ảnh hưởng từ lịch thi đấu của giải châu Á khiến Hà Nội T&T và Ninh Bình mới lần lượt thi đấu 5 và 6 trận. Họ còn trong tay nhiều trận chưa đấu và vẫn còn nguyên cơ hội cải thiện vị trí.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, không thể phủ nhận chuyện đội bóng thủ đô đang bị bỏ lại trong cuộc đua vô địch. Ngay cả nếu giành chiến thắng ở 2 trận đá bù, Hà Nội T&T vẫn còn kém Thanh Hóa tới 5 điểm.

Điều "bất thường" nào đang diễn ra tại V-League 2014? ảnh 2Dù thắng tất cả các trận đá bù, đương kim vô địch Hà Nội T&T vẫn kém điểm Thanh Hóa. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Với Sông Lam Nghệ An, sự sa sút của họ là khá dễ hiểu khi đội bóng này đánh mất hàng loạt trụ cột vào tay Bình Dương trong khi lứa cầu thủ trẻ vẫn chưa thể hiện được tiềm năng cần thiết.

Bên cạnh đó, chấn thương của đội trưởng Công Vinh khiến đoàn quân trẻ xứ Nghệ không còn một điểm tựa vững chắc cả về chuyên môn và tinh thần.

Riêng SHB Đà Nẵng là một trường hợp rất khó hiểu. Đội bóng phố biển chẳng những không có tổn thất nào về nhân sự mà còn có thêm hàng loạt sự bổ sung giá trị. Lò đào tạo trẻ của họ vẫn đang hoạt động tốt.

Huấn luyện viên Lê Huỳnh Đức, tiền vệ Nguyễn Minh Phương, Quả bóng Vàng Nguyễn Quốc Anh, tất cả đều không gặp bất kỳ vấn đề nào về tâm lý hay trấn thương. Câu chuyện của Đà Nẵng có lẽ chỉ nằm ở phong độ và cảm hứng thi đấu. Sự trở lại của họ là khó có thể nghi ngờ.

3. Ở chiều ngược lại, các đội bóng chiếu dưới cũng có những lý do riêng nhằm giải thích cho màn trình diễn ấn tượng của mình

Với Thanh Hóa, ngôi đầu bảng không phải là một kết quả ăn may. Đó là thành tựu từ những sự chuẩn bị dài hơi, các bản hợp đồng đúng đắn, một huấn luyện viên khiêm tốn, một lối chơi biết mình biết người.

Thanh Hóa không chinh phục ngôi đầu bảng theo cái cách giống như Hà Nội T&T, tức là tấn công vũ bão. Đội bóng xứ Thanh chỉ trung thành với phong cách phòng ngự phản công thông qua việc sở hữu những cá nhân cực kỳ phù hợp. Điển hình là Nastja Ceh, một tiền vệ tổ chức khôn khéo, kiến tạo giỏi và luôn biết tận dụng các tình huống cố định.

Hai vị trí kế tiếp của Than Quảng Ninh và Hải Phòng đều chỉ mang tính hiện tượng. Sau sự hưng phấn, họ sẽ nhanh chóng sụp đổ và trở lại với hình ảnh vốn có. Riêng với tân binh Than Quảng Ninh, sự sụp đổ có lẽ đã bắt đầu từ trận đấu hôm thứ Bảy (thua Hải Phòng 0-3).

Dù sao, những sự thay đổi này cũng chỉ khiến giải đấu thêm phần hấp dẫn. Chẳng phải sự bất ngờ luôn là điều mà chúng ta chờ đợi ở môn thể thao này?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục