Điện, xăng cùng tăng: Áp lực lên kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp

Theo chuyên gia Nguyễn Đình Cung, việc điều chỉnh giá điện một mặt thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và hơn nữa là khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất.
Giá nhiều mặt hàng rục rịch tăng do tác động của xăng và điện. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Việc điều chỉnh hai mặt hàng thiết yếu là xăng dầu và điện trong những tháng đầu năm 2019 đã đẩy chi phí trong sản xuất và dịch vụ tăng lên. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với việc hoàn thành các chỉ tiêu tài chính.

Hàng hóa rục rịch tăng giá

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước nhiều lần tăng giá. Gần đây nhất (ngày 2/5), giá xăng E5 RON92 tăng 985 đồng/lít và xăng RON95-III thêm 956 đồng/lít dù quỹ bình ổn đã chi ra 283-925 đồng/lít. Và, như vậy từ cuối tháng Tư, giá xăng RON 95-III đã tăng hơn 3.600 đồng/lít và xăng E5 RON92 cộng thêm 3.465 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng theo từ 1.200- 2.400 đồng/lít.

Chưa dừng lại, giá điện cũng điều chỉnh thêm 8,36% (từ ngày 20/3) khiến doanh nghiệp “thấm” ngay chỉ sau một tháng.

Đầu tiên phải kể đến các doanh nghiệp vận tải, do chi phí về xăng hiện chiếm khoảng 35% - 40% giá thành vận tải, nên việc xăng tăng mạnh ngay lập tức tạo ra áp lực lên ngành này.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Minh chỉ ra, việc giá xăng tăng lần thứ ba liên tiếp kể từ đầu tháng Tư đã đẩy chi phí của doanh nghiệp tăng cao. Điều này khiến nhiều đơn vị tính đến phương án tăng cước vận tải, bởi tác động cộng hưởng của các lần tăng giá vừa qua khiến doanh nghiệp ngành taxi có thể giảm lợi nhuận tới hơn 40%.

“Giá xăng cao, nhiều doanh nghiệp cho biết nếu tiếp tục ‘gồng mình’ để cạnh tranh sẽ bị lỗ,” ông Minh bày tỏ.

[Bộ Công Thương thông tin chính thức kết quả kiểm tra giá điện]

Trên thị trường, các mặt hành kinh doanh có chi phí vận chuyển trong cấu thành giá vốn cũng “nhấp nhổm” không kém.

Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương kinh doanh tại chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm) cho hay, giá xăng dầu tăng khá mạnh đã đẩy chi phí vận chuyển mặt hàng rau, củ, quả từ chợ đầu mối về chợ bán lẻ cộng thêm gần trăm nghìn đồng mỗi chuyến. Vì vậy, các hộ kinh doanh chắc chắn sẽ tăng giá bán cho người tiêu dùng.

"Bên cạnh đó, các chủ đầu mối cũng sẽ đòi tăng giá vì chí phí vận chuyển trong quá trình thu mua, bán buôn cũng leo thang xăng dầu," chị Nguyễn Thị Hà nói.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư tăng 0,31% so với tháng Ba. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Áp lực đến lợi nhuận

Với khối sản xuất, sức ép tăng giá từ các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, dầu lớn hơn so với các doanh nghiệp thương mại. Nhiều doanh nghiệp đã tăng cường các biện pháp quản lý, tiết giảm chi phí tối đa để ứng phó với đà tăng giá nguyên, nhiên liệu đầu vào.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) chia sẻ, điện và xăng dầu là hai mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trên thực tế, các đơn hàng luôn được ký kết từ trước và mặc dù doanh nghiệp đã có những kế hoạch dự phòng, song với sự tăng giá đột biến và mạnh như vừa qua, chắc chắn chi phí sẽ tăng cao trong khi việc ‘đàm phán lại’ hợp đồng với đối tác cũng hề đơn giản.

Vì vậy, bà Xuân cho rằng giải pháp ứng phó là tiết giảm tối đa chi phí không cần thiết, tìm kiếm nguồn các nguyên liệu thay thế có giá tốt hơn để bù đắp những khoản tăng của chi phí “đầu vào”…

Với các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, nhất là sản xuất sợi, tác động từ điều chỉnh giá điện cũng rất lớn.

Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, giá điện nằm trong cơ cấu chi phí của các doanh nghiệp trong ngành, do vậy khi điện tăng giá hiển nhiên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp phải giảm.

“Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất khó có thể bắt người mua hàng san sẻ mỗi khi chi phí đầu vào tăng cao, nhất là trong tình cảnh thị trường hiện nay ngày càng cạnh tranh khốc liệt về đơn hàng,” ông Hiếu nhấn mạnh.

Đưa thêm dẫn chứng, đại diện Vinatex bày tỏ, trong ba năm trở lại đây, đơn giá nhập khẩu may mặc của các thị trường lớn như Mỹ, EU thể hiện xu hướng “chỉ giảm chứ không tăng.” Vì vậy, người mua hàng hay có tình trạng “ép giá” ngược buộc nhà cung cấp giảm giá.

“Nhìn rộng ra thế giới, 5 năm trở lại đây, ngành dệt may Trung Quốc đã từng mất đơn hàng và thị phần cho nhiều nước khác do giá nhân công, giá năng lượng tăng cao. Điều này cho thấy việc tăng giá điện không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp về biên lợi nhuận mà có thể làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới so với các đối thủ,” ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ.

Thẩm thấu vào CPI

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư đã tăng 0,31% so với tháng Ba và tăng 1% so với tháng 12/2018. Trong tháng, có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Cụ thể, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 4,29%, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu (ngày 2/4 và 17/4) đã tác động làm CPI chung tăng 0,41%.

Trên thực tế, điện và xăng dầu là nhiên liệu các đầu vào cơ bản trong nền kinh tế. Khi các mặt hàng này biến động sẽ tác động tức thì (trực tiếp) đến CPI và tác động tiếp theo (gián tiếp) thông qua việc làm tăng giá của các đầu vào trung gian trong nền kinh tế, dẫn đến gia tăng giá cả của hầu hết các hàng hóa tiêu dùng và hình thành một mặt bằng giá mới.

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, việc giá xăng thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp trong các tháng tới, cộng với việc tăng giá điện vừa qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc kiểm soát lạm phát trong năm 2019. Vì vậy, công tác điều hành giá cần phải theo dõi kỹ lưỡng và thận trọng hơn.

Quý 1, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,79% và thấp hơn con số kỷ lục 7,45% của năm 2018. Về tình hình doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập và tạo việc làm mới không tăng nhiều so với quý 4/2018 song số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong quý lại cao bất thường, đặc biệt là trong tháng Một với 23.082 doanh nghiệp (cao nhất trong 10 năm trở lại đây).

Các chỉ báo sản xuất công nghiệp cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2% , chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8%, chỉ số tồn kho bình quân đạt mức 15,6%.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Thế Anh (giảng viên cao cấp về Kinh tế Vĩ mô tại Đại học Kinh tế Quốc dân), các chỉ số sản xuất, tiêu thụ đều có dấu hiệu giảm đáng kể, trong đó chỉ số tồn kho tăng cao tiềm ẩn nguy cơ đình trệ sản xuất tạm thời trong quý 1.

Vì vậy, ông Thế Anh dự báo, nền kinh tế trong quý 2 tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá điện tăng 8,36% có thể làm CPI tăng khoảng 3,3%/năm. Và, lạm phát quý 1 mặc dù ở mức vừa phải nhưng có xu hướng tăng trước những điều chỉnh giá điện và xăng dầu gần đây. Tác động của các cú sốc này tới giá cả trong nước có thể kéo dài tới nhiều tháng tiếp theo.

“Mục tiêu tăng trưởng 6,6% - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra vẫn khả thi. Tuy nhiên, trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chủ nghĩa bảo hộ, rủi ro của kinh tế Trung Quốc, tương lai không rõ ràng của tiến trình Brexit và mâu thuẫn trong nội bộ khu vực EU, sự thất thường của Donald Trump… khiến tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới," ông Thế Anh nói.

Cũng theo chuyên gia này, tỷ lệ lạm phát bình quân quý 1 đang ở mức vừa phải, tuy nhiên tác động của việc tăng giá điện và xăng dầu vừa qua đến CPI có thể kéo dài tới 2 tháng đến 6 tháng. Do vậy, để đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4%, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cần có sự thận trọng.

Khoa học công nghệ đã được áp dụng để tiết kiệm năng lượng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thúc đẩy chuyển đổi sản xuất

Liên quan đến việc điều chỉnh giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, giá điện không điều chỉnh tăng trong năm 2018 nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội.

Tuy nhiên, chi phí đầu vào cho sản xuất điện, trong đó có than, dầu tăng giá, nguồn khí cấp cho phát điện cũng đã đến giới hạn khai thác... do đó, việc giá điện không được điều chỉnh đã gây khó khăn cho hiệu quả kinh doanh và hoạt động của ngành điện hiện nay và năm 2019.

Không chỉ vậy, theo ông An, dự báo hiện tượng El Nino vào năm 2019 gây hạn hán, ảnh hưởng tới việc tích nước và hoạt động của các nhà máy thủy điện và rủi ro đến từ việc không bảo đảm tiến độ vận hành các nhà máy điện tái tạo và các khoản chênh lệch tỷ giá còn lại chưa phân bổ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào giá thành sản xuất kinh doanh điện theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện cũng là áp lực đối với EVN.

“Để bảo đảm EVN kinh doanh có lãi, tăng cường tiềm lực tài chính đầu tư vào phát điện, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng kịch bản điều hành giá bán lẻ điện của năm 2019 trên cơ sở Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 - 2020 và thực tiễn sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam,” ông Đặng Hoàng An thông tin thêm.

Ở góc độ khác, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam vẫn dùng công nghệ cũ gây tiêu hao điện năng. Bởi vậy, việc điều chỉnh giá điện cũng là một động lực tích cực để giúp các doanh nghiệp phải thay đổi lại cách quản trị, nhất là vấn đề sử dụng năng lượng.

Theo đại diện Vinatex tập đoàn đã tổ chức, xây dựng các chương trình kêu gọi và khuyến nghị doanh nghiệp tích cực thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng sản xuất, tiết kiệm gas, điện, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong trang thiết bị máy móc sản xuất để nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí… để từ đó giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của việc tăng giá điện.

Nhìn nhận ở góc độ vĩ mô, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đồng tình với việc tăng giá điện, bởi theo ông, trong một thời gian khá dài mặt hàng này đã không được điều chỉnh.

Bên cạnh đó, việc giữ giá thấp và doanh nghiệp không có lợi nhuận sẽ không thu hút được các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

“Bây giờ và tiếp tục tới đây EVN không còn là nơi chủ yếu sản xuất điện nữa mà tập đoàn này sẽ chủ yếu tập trung vào việc truyền tải và phân phối điện. Hoạt động sản xuất điện dần dần sẽ chuyển sang cho các thành phần khác hoặc các doanh nghiệp khác. Cho nên phải huy động nguồn lực đầu tư,” ông Cung nói.

Quan trọng hơn, theo chuyên gia này, việc điều chỉnh giá điện sẽ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và hơn nữa là khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục