Diện tích tối đa bề mặt băng trên biển Nam Cực thấp kỷ lục

Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ cho biết diện tích tối đa băng biển ở Nam Cực có thể chỉ đạt 16,96 triệu km2 trong mùa Đông năm 2023 - mức thấp kỷ lục tính từ năm 1979 đến nay.
Diện tích tối đa bề mặt băng trên biển Nam Cực thấp kỷ lục ảnh 1Bề mặt băng tại Nam Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Diện tích tối đa bề mặt băng biển xung quanh Nam Cực có thể đã ở mức thấp kỷ lục trong mùa Đông năm 2023. Đây là kết quả phân tích sơ bộ các dữ liệu vệ tinh của Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ (NSIDC).

Diện tích băng ở vùng này thường tăng lên mức cao nhất trong những tháng mùa Đông giá lạnh. NSIDC cho biết diện tích tối đa của băng biển ở Nam Cực có thể chỉ đạt 16,96 triệu km2 trong mùa Đông năm 2023, ghi nhận ngày 10/9.

Hiện, Nam Bán cầu đang bước vào mùa Xuân nên trung tâm này tin rằng dữ liệu ngày 10/9 nhiều khả năng là con số tối đa trong năm nay. Theo NSIDC, đây là mức diện tích băng biển tối đa thấp kỷ lục tính từ năm 1979 đến nay.

NSIDC cho biết diện tích tối đa băng biển trong giai đoạn cao điểm năm nay thấp hơn 1,03 triệu km2 so với kỷ lục trước đó.

Nhà khoa học Walt Meier của NSIDC cho biết đây là mức diện tích băng biển thấp kỷ lục ở Nam Cực. Theo ông, diện tích băng biển mở rộng chậm ở gần như toàn bộ vùng Nam Cực chứ không phải chỉ ở một khu vực riêng lẻ.

Cũng theo NSIDC, vào tháng Hai, cao điểm của mùa Hè phương Nam, diện tích tối thiểu của khối băng ở biển Nam Cực là 1,79 triệu km2, đây cũng là một kỷ lục. Khối băng sau đó mở rộng trở lại với tốc độ chậm bất thường kể cả khi mùa Đông đã bắt đầu.

Trong khi đó, ở đầu bên kia địa cầu, nơi mùa Hè sắp kết thúc, NSIDC cho biết băng biển Bắc Cực đạt mức thấp 4,23 triệu km2.

[Có thể mất hàng thế kỷ để khắc phục tình trạng băng tan tại Nam Cực]

Trong nhiều thập kỷ, lớp băng ở Nam Cực vẫn ổn định, thậm chí còn có lúc mở rộng một chút. Tuy nhiên, theo NSIDC, kể từ tháng 8/2016, xu hướng mở rộng diện tích băng biển ở Nam Cực chậm lại đáng kể trong gần như tất cả các tháng.

Về nguyên nhân của sự thay đổi này, sau thời gian dài tranh luận, hiện các nhà khoa học cho là hiện tượng này có liên quan đến tình trạng ấm lên trên bề mặt đại dương.

Một số lo ngại rằng đây có thể là khởi đầu cho một xu hướng suy giảm diện tích băng biển ở Nam Cực trong dài hạn vì các đại dương đang nóng lên trên toàn cầu.

Tình trạng băng tan dù không có tác động ngay lập tức đến mực nước biển vì băng hình thành bằng cách đóng băng nước muối đã có trong đại dương.

Tuy nhiên, lớp băng trắng bề mặt phản chiếu nhiều tia nắng Mặt Trời hơn so với nước biển sẫm màu, do đó diện tích băng thu hẹp làm gia tăng tình trạng ấm lên lên toàn cầu.

Diện tích băng suy giảm còn khiến bờ biển Nam Cực chịu tác động sóng lớn hơn, có thể làm mất ổn định mỏm băng nước ngọt và gây nguy hiểm cho môi trường sống ven biển.

Băng trên đất liền khi tan chảy sẽ gây ra mực nước biển dâng cao gây ra các hậu quả thảm khốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục