Diện tích rừng già Amazon bị chặt phá tại Brazil tăng 278%

Các số liệu do Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil cho biết trong tháng Bảy vừa qua, diện tích rừng Amazon bị chặt phá tại Brazil cao gấp 4 lần so với cùng thời điểm năm 2018.
Một góc rừng Amazon. (Nguồn: AFP)

Bất chấp các số liệu cảnh báo và các biện pháp phòng ngừa của chính quyền sở tại, diện tích rừng già Amazon bị chặt phá tại Brazil tiếp tục tăng mạnh trong thời gian qua.

Các số liệu chính thức do Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) vừa công bố cho biết trong tháng Bảy vừa qua, diện tích rừng Amazon bị chặt phá tại Brazil cao gấp 4 lần so với cùng thời điểm năm ngoái.

Hệ thống giám sát vệ tinh của INPE đã ghi nhận chỉ tính riêng trong tháng này, diện tích rừng "biến mất" là 2.254km2, tăng 278% so với diện tích 596,6km2 rừng bị chặt phá hồi tháng 7/2018.

Con số này là đáng báo động khi trong tháng 6/2019, diện tích rừng bị chặt phá so với cùng kỳ năm ngoái mới chỉ tăng 88%.

Dữ liệu cũng cho thấy, chỉ trong vòng 12 tháng qua đã có 6.833km2 diện tích rừng bị biến mất, tăng 40% so với một năm trước đó.

Giới chuyên gia nhận định những thông tin này đã phần nào phản ánh những tác động từ các chính sách môi trường hiện hành của chính quyền Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro đối với rừng Amazon.

Chính phủ đã nới lỏng các quy định về bảo vệ môi trường và nương nhẹ hoạt động khai thác gỗ trái phép hoặc phá rừng làm nương rẫy.

[Brazil: 'Lá phổi xanh' Amazon đang bị tàn phá ở mức báo động]

Ngoài ra, Tổng thống Bolsonaro còn không thừa nhận kết quả mà INPE cung cấp, thậm chí cách chức người đứng đầu cơ quan này với lý do gây tổn hại lợi ích quốc gia.

Là quốc gia sở hữu diện tích "lá phổi xanh" của Trái Đất lớn nhất thế giới, nhưng Brazil cũng là nước mất nhiều rừng nhất năm 2018 với gần 16.187km2.

Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng phá rừng phục vụ cho hoạt động chăn nuôi gia súc, trồng đậu nành hay khai thác mỏ.

Rừng nhiệt đới Amazon có diện tích 7 triệu km2, chiếm 60% lãnh thổ Brazil và trải dài trên lãnh thổ tám nước gồm Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Suriname. Đây là bể chứa khí carbon lớn nhất thế giới và được xem là "tấm khiên sống" bảo vệ Trái Đất trước sự ấm lên toàn cầu.

Theo số liệu thống kê, hơn 40.000 loài thực vật, 1.300 loài chim và hơn 4.200 loài động vật đang sinh sống tại phần rừng nhiệt đới Amazon nằm trên lãnh thổ của Brazil./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục