Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE) ngày 28/11 công bố số liệu thống kê mới nhất cho thấy hơn 10.000km2 diện tích rừng nhiệt đới Amazon đã bị chặt phá trong vòng 12 tháng (tính đến tháng 7/2019), mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Tuần trước, INPE cho biết dữ liệu thu thập từ vệ tinh cho thấy diện tích rừng nhiệt đới Amazon bị chặt phá trong thời gian kể trên đã tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 9.762km2.
Tuy nhiên, số liệu thống kê sửa đổi trong tuần này do INPE công bố cho thấy diện tích rừng bị chặt phá đã tăng 43% lên 10.100km2, so với 7.033km2 rừng bị phá từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2018.
Đây là mức cao nhất kể từ năm 2008 khi có khoảng 12.287km2 rừng Amazon bị chặt phá chỉ trong vòng 1 năm.
Số liệu trước đó cho thấy trong 8 tháng đầu năm nay, diện tích rừng ở Amazon bị chặt phá đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 6.404km2.
[Brazil báo động diện tích rừng Amazon bị tàn phá tăng lên mức kỷ lục]
Các dữ liệu trên được đưa ra sau khi các đám cháy rừng hồi đầu năm nay đã tàn phá nhiều diện tích rừng nhiệt đới này, gây ra sự phẫn nộ toàn cầu và bất đồng ngoại giao giữa Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cùng các nhà lãnh đạo châu Âu.
Rừng Amazon có diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp.
Đây là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2.
Tuy nhiên, khu rừng này đang bị tàn phá do các hoạt động nông nghiệp, khai thác gỗ và cháy rừng thiếu kiểm soát.
Theo nhà nghiên cứu Romulo Batista của tổ chức Greenpeace, hoạt động chăn nuôi cũng là nguyên nhân chính khiến Amazon bị hủy hoại nghiêm trọng với hơn 65% diện tích rừng bị phá để có đất làm khu chăn nuôi gia súc.
Brazil hiện là nhà xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới, với 1,64 triệu tấn thịt được xuất khẩu, trong khi EU là nhà nhập khẩu lớn thứ ba mặt hàng này.
Ngoài ra, rừng Amazon còn bị phá để trồng các cây nông nghiệp như đậu tương, mía đường - nguyên liệu trong nhiều loại đồ ăn phổ biến được bày bán tại các siêu thị trên khắp thế giới.
Mối quan ngại về rừng Amazon, được biết đến là "Lá phổi của hành tinh," đã tăng lên kể từ Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro lên nắm quyền.
Theo Tổng thống Bolsonaro, hiện nay có khoảng 14% diện tích của Brazil được coi là vùng đất của người thổ dân và nếu tiếp tục giữ như vậy thì chỉ đem lại đói nghèo và sự tách biệt của các cộng đồng thổ dân với đời sống của đất nước.
Chính vì vậy, đầu tháng này, Tổng thống Bolsonaro đã hủy lệnh cấm trồng mía ở rừng nhiệt đới Amazon, động thái khiến các nhà hoạt động môi trường lo ngại rằng có thể đe dọa đến các khu sinh thái dễ bị tổn thương./.