Gần đây, Apple đã đồng ý dàn xếp một vụ kiện kéo dài 5 năm với số tiền 95 triệu USD liên quan đến cáo buộc trợ lý ảo Siri ghi âm cuộc trò chuyện của người dùng mà không được phép để hiển thị quảng cáo liên quan.
Vụ việc này một lần nữa khơi dậy mối lo ngại về việc điện thoại thông minh có thể đang nghe lén chúng ta. Vậy sự thật là gì?
Apple dàn xếp vụ kiện "nghe lén" của Siri
Vụ kiện tập thể chống lại Apple được đệ trình vào tháng 8/2019, sau khi tờ The Guardian đăng bài báo cáo buộc rằng micro của Siri đã bị bật lén để ghi âm các cuộc trò chuyện mà người dùng không hề hay biết.
Mặc dù bản cập nhật phần mềm tháng 9/2014 của Apple được cho là chỉ kích hoạt trợ lý ảo bằng cụm từ "Hey, Siri," nhưng bài báo của The Guardian cáo buộc Siri đã nghe và ghi âm các cuộc trò chuyện vào những thời điểm khác để giúp cải thiện công nghệ của công ty.
Vụ kiện sau đó đã đưa ra cáo buộc rằng Apple đã chia sẻ một số cuộc trò chuyện mà Siri bí mật ghi âm với các nhà quảng cáo đang tìm cách kết nối với người tiêu dùng có nhiều khả năng mua sản phẩm và dịch vụ của họ.
Về phía mình, Apple phủ nhận việc bán dữ liệu Siri và cho biết họ dàn xếp để tránh kiện tụng thêm.
Phát ngôn viên của Apple khẳng định với BBC News rằng dữ liệu Siri chưa bao giờ được sử dụng để xây dựng hồ sơ tiếp thị và chưa bao giờ được bán cho bất kỳ ai vì bất kỳ mục đích nào. Dữ liệu được thu thập chỉ được sử dụng để cải thiện Siri.
Apple khẳng định công nghệ trợ lý kỹ thuật số của họ được thiết kế để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng ngay từ đầu và họ liên tục tìm cách nâng cao quyền riêng tư này.
Trong thỏa thuận sơ bộ, Apple phủ nhận mọi hành vi sai trái, cũng như các khiếu nại rằng họ đã "ghi âm, tiết lộ cho bên thứ ba hoặc không xóa các cuộc trò chuyện được ghi lại do kích hoạt Siri" mà không có sự đồng ý.
Luật sư của Apple cũng cho biết họ sẽ xác nhận việc đã "xóa vĩnh viễn các bản ghi âm trên Siri cá nhân do Apple thu thập trước tháng 10/2019."
Tuy nhiên, nguyên đơn cho rằng Apple đã ghi âm những người vô tình kích hoạt trợ lý ảo mà không sử dụng cụm từ "Hey, Siri."
Các nhà quảng cáo nhận được bản ghi âm sau đó có thể tìm kiếm các từ khóa trong đó để nhắm mục tiêu quảng cáo tốt hơn.
Nguyên đơn chính, bà Fumiko Lopez, tuyên bố rằng bà và con gái đều bị ghi âm mà không có sự đồng ý của họ.
Bà Lopez cho rằng họ đã được hiển thị những quảng cáo có liên quan sau khi nói về các sản phẩm như giày Air Jordans.
Dù phủ nhận mọi cáo buộc, nhưng Apple đã đồng ý chi trả 95 triệu USD để dàn xếp vụ kiện tập thể nói trên nhằm tránh kiện tụng thêm.
Hàng chục triệu người tiêu dùng Mỹ sở hữu hoặc đã mua iPhone và các thiết bị khác được trang bị Siri từ ngày 17/9/2014 đến cuối năm ngoái sẽ đủ điều kiện để nộp đơn yêu cầu bồi thường.
Mặc dù con số chính xác vẫn chưa được xác định, nhưng thỏa thuận hiện tại dự kiến sẽ chi trả tối đa 20 USD cho mỗi thiết bị hỗ trợ Siri.
Việc dàn xếp này giúp Apple tránh được rủi ro phải đối mặt với một vụ kiện có thể dẫn đến khoản chi trả lớn hơn nhiều.
Sau vụ dàn xếp nói trên của Apple tại Mỹ, mới đây Ủy ban bảo vệ thông tin cá nhân của Hàn Quốc cũng cho biết đã tiến hành điều tra làm rõ liệu quá trình thu thập dữ liệu âm thanh từ trợ lý ảo Siri được tích hợp trên các thiết bị của Apple có vi phạm Luật bảo vệ thông tin cá nhân của Hàn Quốc hay không.
Một quan chức của Ủy ban trên cho biết sẽ khởi động điều tra chính thức nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Ủy ban bảo vệ thông tin cá nhân Hàn Quốc cũng đã từng tiến hành kiểm tra dịch vụ ghi âm cuộc gọi bằng trí tuệ nhân tạo (AI) Adot của Hãng viễn thông SK Telecom, và đưa ra khuyến cáo cải thiện, yêu cầu hãng tuân thủ các biện pháp an toàn về lưu trữ và kiểm tra lịch sử truy cập.
Điện thoại của bạn có đang nghe lén?
Nhiều người trong chúng ta đã từng cảm thấy hoang mang rằng điện thoại của mình đang nghe lén.
Ví dụ, bạn nói chuyện với vợ/chồng của mình trong bữa tối về việc mua giày trượt băng mới cho con, và ngày hôm sau, bạn thấy một quảng cáo trực tuyến về giày trượt băng một cách bất ngờ. Liệu điện thoại của bạn có đang nghe lén để hiển thị cho bạn quảng cáo đó không?
Giáo sư David Choffnes của Đại học Northeastern đã tham gia phân tích tần suất các ứng dụng điện thoại và trợ lý giọng nói của chúng ta ghi lại âm thanh mà chúng ta không biết, và liệu các bản ghi âm từ micro của thiết bị có được sử dụng để điều chỉnh quảng cáo hay không. Dù không loại trừ hoàn toàn nhưng ông cho rằng “khả năng này rất thấp.”
Ông cho biết các công ty thu thập rất nhiều thông tin và không cần phải nghe lén bạn để biết tất cả về bạn.
Trong ví dụ về cuộc trò chuyện trong bữa tối, có thể bạn không tìm kiếm giày trượt băng trên mạng Internet sau cuộc trò chuyện, nhưng vợ/chồng của bạn đã làm điều đó trên mạng wifi chung của bạn. Hoặc có thể các ứng dụng điện thoại của bạn đã ghi lại thời gian bạn ở trong hoặc gần sân trượt băng.
Các nhà quảng cáo cũng có thể đã mua thông tin về độ tuổi của trẻ em trong gia đình bạn. Tất cả dữ liệu đó có thể được sử dụng để hiển thị cho bạn quảng cáo về giày trượt băng trẻ em.
Các chuyên gia kỹ thuật cũng cho biết nếu điện thoại của bạn liên tục nghe lén, bạn sẽ nhận thấy pin của mình nhanh hết và các công ty sẽ không lãng phí số tiền khổng lồ để liên tục nghe lén.
Tuy nhiên, các công ty hầu như không bao giờ thẳng thắn về cách thức hoạt động của quảng cáo kỹ thuật số, và những gì họ đang làm với tất cả thông tin mà họ thu thập về người dung.
Apple và các công ty khác cho biết họ có thể sử dụng cả con người và máy tính để xem xét các đoạn ghi âm và văn bản từ tương tác của người dùng với trợ lý giọng nói nhằm kiểm tra độ chính xác của công nghệ.
Trong một nghiên cứu được công bố năm 2020, ông Choffnes và các cộng sự đã phát hiện ra rằng hầu hết thời gian, các trợ lý giọng nói không tự kích hoạt khi không được yêu cầu. Và khi chúng có tự kích hoạt, các bản ghi âm được gửi đến các công ty công nghệ thường chỉ dài vài giây.
Tuy nhiên, người dùng vẫn cảm thấy khó chịu khi âm thanh của mình bị ghi lại, đặc biệt là khi trợ lý giọng nói vô tình bật lên. Cũng không ai lại muốn có người nghe được những đoạn âm thanh này hay có người xem những video riêng tư được ghi lại bởi robot hút bụi trong nhà của mình. Không có gì ngạc nhiên khi người dùng cảm thấy lo lắng về việc các thiết bị của mình đang nghe lén. Chính hành vi của các công ty đã khiến người dùng mất lòng tin.
Tóm lại, mặc dù việc điện thoại nghe lén để hiển thị quảng cáo có thể không phải là lý do chính, nhưng các công ty công nghệ vẫn đang thu thập rất nhiều dữ liệu về người dùng, mà nhiều lúc không có sự đồng ý thực sự của họ. Điều này khiến chúng ta cần phải cảnh giác và tìm hiểu cách kiểm soát quyền riêng tư của mình trên các thiết bị thông minh./.
Apple chi 95 triệu USD dàn xếp vụ kiện về việc sử dụng Siri để nghe lén
Theo các đương đơn, một số nội dung ghi âm đã được chia sẻ với các nhà kinh doanh để họ chạy quảng cáo đối với cho những người tiêu dùng nhiều khả năng quan tâm đến hàng hóa và dịch vụ của họ.