Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đến tháng 9/2024 sẽ thực hiện tắt sóng 2G, từng bước tiến tới tắt sóng 3G trong những năm tới. Như vậy, các điện thoại phổ thông (hay còn gọi là điện thoại "cục gạch") chỉ nghe - gọi, nhắn tin sẽ phải chuyển sang dùng điện thoại thông minh.
Tắt sóng 2G hướng tới thúc đẩy cách mạng công nghệ
Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu trong Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia, cùng với đó là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định, đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy phát triển Chính phủ Điện tử, Kinh tế Số, Xã hội Số, giao dịch điện tử một cách nhanh chóng, đồng thời cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.
Trao đổi trong tọa đàm “Tắt sóng 2G đưa người dân lên môi trường Số” được Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức vào sáng 5/12 tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết chủ trương dừng công nghệ 2G, chuyển sang 4G nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, giúp người dân có thể tiếp cận các dịch vụ công, giao dịch trên môi trường hiện đại với tốc độ cao.
Một lý do nữa được ông Nguyễn Phong Nhã đưa ra là Việt Nam sẽ thực hiện cấp phép 5G. Như vậy, một nhà mạng không thể tồn tại đồng thời các công nghệ 2G, 3G, 4G, 5G rất tốn kém trong khai thác, vận hành mạng lưới. Vì vậy, việc dừng 2G, tiến tới dừng 3G là chủ trương đúng đắn của Bộ Thông tin và Truyền thông và nhận được sự đồng thuận cao của doanh nghiệp.
“Sau khi tắt 2G, 3G, trên mạng chỉ còn 4G - cung cấp dịch vụ truy cập Intetner tốc độ cao. Tiếp đó hạ tầng của nhà mạng sẽ phục vụ cho công nghệ 5G, tạo điều kiện để đến năm 2030 có thể khai thác công nghệ 6G," ông Nhã chia sẻ/
Theo các chuyên gia, việc dừng công nghệ 2G là phù hợp với xu thế chung của thế giới. Đại diện Huawei Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm, đến tháng 6/2023 đã có 149 nhà mạng tại 77 quốc gia đã và đang thực hiện tắt các công nghệ cũ gồm 2G và 3G. Nhiều quốc gia thực hiện tắt công nghệ cũ từ sớm như Mỹ, Australia, Singapore.
Cũng tại tọa đàm, bà Vũ Thu Hiền - Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch Tần số (Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thông báo tới các doanh nghiệp viễn thông việc đến tháng 9/2024 trên mạng di động Việt Nam sẽ không còn thuê bao 2G Only.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét cấp lại giấy phép cho doanh nghiệp thêm 2 năm trên băng tần 900 MHz để cung cấp dịch vụ thoại trên nền tảng 2G cho thuê bao 3G, 4G non-VoLTE. Lý do được bà Hiền đưa ra là bởi nhiều thuê bao smartphone 3G, 4G thời kỳ đầu chưa tích hợp VoLTE - tính năng trao đổi qua nền tảng 4G. Vì thế, những thuê bao này sẽ được sử dụng dịch vụ thoại qua nền tảng 2G, 3G cho đến tháng 9/2026.
Sau thời điểm tháng 9/2026, băng tần 900 MHz sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét quy hoạch lại. Dự kiến, quy hoạch mới sẽ đảm bảo việc phân chia băng tần phù hợp với sự phát triển của các công nghệ 4G, 5G.
"Tần số 900 MHz sau tháng 9/2026 sẽ được thu hồi, đấu giá và cấp phép cho các đơn vị phát triển công nghệ 4G, 5G," bà Hiền cho biết.
Về công tác chuẩn bị cho việc dừng công nghệ 2G, ông Nguyễn Phong Nhã khẳng định, đến nay đã có nhiều giải pháp về chính sách, thực thi để tắt sóng 2G.
Cụ thể, từ năm 2020, các nhà mạng đã có tính toán và đồng thuận với chủ trương dừng công nghệ 2G. Việc này sẽ phải có các bước liên quan đến từ việc xây dựng chính sách. Các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có đề xuất chính sách với lãnh đạo Bộ từ năm 2016, khi cấp phép 4G.
Ngay thời điểm đó, tất cả giấy phép cấp cho các doanh nghiệp đều đã được đề xuất có hạn đến tháng 9/2024. Điều này sẽ giúp các nhà mạng có định hướng trong việc phát triển thuê bao để đến thời điểm tháng 9/2024 có thể xem lại giấy phép. Đây là căn cứ tốt để quy hoạch lại các băng tần.
Nhà mạng đã sẵn sàng tắt sóng 2G
Đề cập đến sự tham gia của các nhà mạng, đại diện Cục Viễn thông cho biết, sau khi có chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng đã rất tích cực trong việc xây dựng kế hoạch tắt sóng 2G.
Đến tháng 9/2024, các điện thoại chỉ có 2G sẽ không được sử dụng trên mạng lưới. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Thông tư quy định cấm nhập khẩu, lưu thông điện thoại chỉ có kết nối 2G.
“Vòng đời thiết bị 2G Only thường chỉ 3 năm. Các đơn vị trong Bộ Thông tin và Truyền thông đã rà soát, yêu cầu các đơn vị kinh doanh không nhập khẩu thiết bị này. Do vậy các thiết bị 2G Only đã giảm dần trên mạng lưới”, đại diện Cục Viễn thông chia sẻ.
Ngoài ra, trong chương trình viễn thông công ích, Bộ cũng đã tham mưu Chính phủ phê duyệt khoản hỗ trợ các hộ gia đình ở vùng sâu vùng xa, hộ nghèo để chuyển đổi thiết bị đầu cuối 2G sang thiết bị thông minh.
Một số tỉnh cũng muốn phổ cập điện thoại thông minh cho người sử dụng thông qua chương trình hỗ trợ, từ đó triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến để người dân khai thác, sử dụng.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 15 triệu thuê bao 2G đang hoạt động. Để thúc đẩy chuyển đổi sang 4G, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các nhà mạng, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp.
Trong đó, Quỹ Viễn thông công ích sẽ dành kinh phí hỗ trợ cho thuê bao là hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa chuyển đổi thiết bị từ 2G sang 4G với khoảng 400 ngàn máy. Hiện Quỹ đang thực hiện thống kế các hộ dân thuộc diện cần hỗ trợ.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Tính - Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết Viettel đã có nhiều biện pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ 2G lên 4G của người dùng di động từ cách đây 4 năm.
“Viettel là nhà mạng đầu tiên chuyển đổi toàn bộ thuê bao 3G lên 4G thành công. Trên mạng lưới của Viettel chỉ còn khoảng 2% khách hàng sử dụng 3G. Việc tắt các công nghệ cũ, dịch chuyển lên công nghệ mới là rất thiết thực, mang lại lợi ích cho Viettel và các doanh nghiệp," ông Tính cho biết.
Theo Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, tỷ lệ thuê bao 2G chiếm khoảng 16% tổng số thuê bao của Viettel. Đến tháng 9/2024, cần dịch chuyển, đưa số lượng thuê bao 2G trên mạng chỉ còn dưới 5% thì doanh nghiệp mới có thể tắt sóng được.
Để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, Viettel đã phủ sóng 4G cho tất cả các khu vực có khách hàng, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Viettel cũng đã cùng các nhà cung cấp dịch vụ khác đưa giá dịch vụ 4G xuống rất thấp, tiệm cận và thậm chí là thấp hơn giá dịch vụ 2G để phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng.
Các chính sách kích thích, thúc đẩy người dùng chuyển dịch lên dùng data, dùng máy smartphone, 4G cũng đã được Viettel triển khai liên tục trong 2- 3 năm nay.
Ví dụ, khách hàng đang dùng 2G chuyển lên 4G sẽ được trải nghiệm dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định, không phải trả phí nhằm gia tăng trải nghiệm, tạo ra thói quen cho khách hàng trong việc sử dụng dịch vụ 4G.
Viettel cũng đã điều chỉnh một số chính sách, như hạn chế cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng 2G, giảm khuyến mại các dịch vụ 2G, tăng khuyến mại sử dụng các dịch vụ 4G cho khách hàng. Bên cạnh đó, Viettel còn hỗ trợ người dùng bằng chính sách giảm giá các thiết bị đầu cuối.
Còn theo ông Nguyễn Phúc Khánh - Phó Ban công nghệ VNPT, từ những năm 2015, khi 2G vẫn chiếm khoảng khoảng 60% lưu lượng mạng, VNPT đã xác định chiến lược và xây dựng kế hoạch tắt sóng 2G, triển khai các bài toán 2G kết hợp với triển khai 3G, 4G.
Trong 2 năm qua, VNPT đã chủ động tiến hành tắt các trạm riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh rất ít lưu lượng. Để làm điều này, VNPT đã kết hợp cả hoạt động kỹ thuật cũng như tuyên truyền cho thuê bao trong khu vực và tiến hành tắt sóng khoảng 10% trạm riêng 2G.
Ông Khánh cho hay VNPT hiện còn khoảng 3 triệu thuê bao 2G, tương đương 8% tổng số thuê bao. VNPT đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để đến tháng 9/2024 cam kết thực hiện chuyển đổi tất cả thuê bao, thiết bị 2G Only theo chỉ đạo, định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông
VNPT sẽ có kịch bản cụ thể cho các lớp khách hàng như khách VIP, người già, người sử dụng ở khu vực nông thôn, hải đảo. Quan điểm của nhà mạng này là phải đảm bảo chất lượng, dịch vụ cho khách hàng, giúp họ chuyển đổi thiết bị lên smartphone hỗ trợ 4G để lên không gian số, tham gia thúc đẩy chuyển đổi số.
Ông Lê Mai Sơn - Phó Ban truyền thông MobiFone cho biết hiện nhà mạng này còn khoảng 3 triệu thuê bao 2G. Theo ông Sơn, MobiFone đã tắt sóng 2G ở những khu vực có lưu lượng thấp. Trước khi tắt, nhà mạng này đã có phương án đánh giá ảnh hưởng đến người dân, việc triển khai được thực hiện theo lộ trình cụ thể.
Chia sẻ thêm, đại diện MobiFone cho hay, trong quá trình triển khai tắt sóng 2G, đơn vị này đã nhắn tin, gọi điện, cử nhân viên địa bàn chăm sóc, tránh việc người dùng bật máy lên mới biết không có mạng. Khi khách hàng có nhu cầu, MobiFone sẽ hỗ trợ người dùng đổi SIM 2G lên 4G miễn phí.
Khi chuyển từ 2G lên 4G, người dùng cần có thời gian được thuyết phục, chuyển đổi, tạo thói quen sử dụng mới. Do vậy, MobiFone đã thiết kế các gói cước mobile Internet với đa dạng hình thức để đào tạo thị trường, giới thiệu cho khách hàng các tính năng mới.
Theo ông Mai Sơn, trong thực tế triển khai, nhà mạng này gặp tình trạng nhiều người dùng di động nhận được tin nhắn thông báo nhưng không đọc. Do vậy, một số người vẫn chưa nắm được thông tin về việc sẽ tắt sóng 2G.
MobiFone quan điểm cần có sự cân đối giữa lợi ích khách hàng, doanh nghiệp và việc thực hiện chủ trương của Chính phủ.
“Trong tắt sóng 2G, nếu làm không khéo người dân sẽ dễ so sánh các nhà mạng. Do vậy cần thực hiện đồng bộ, thống nhất để tránh tình trạng này. Để thúc đẩy việc tắt sóng 2G diễn ra thuận lợi, MobiFone đề xuất cần sự tham gia của toàn thể xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, báo chí truyền thông, từ đó hình thành chiến dịch truyền thông để người dân hiểu việc tắt sóng 2G là vì quyền lợi của chính mình," ông Sơn chia sẻ./.