Diễn tập chữa cháy và cứu nạn tại hầm Thủ Thiêm

Khoảng 572 người sẽ tham gia diễn tập chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn tại hầm Thủ Thiêm, chuẩn bị cho việc thông xe vào cuối tháng 11 tới.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức diễn tập phương án phòng cháy và cứu nạn cứu hộ tại đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn.

Đây là thông tin được Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngày 22/9, tại cuộc họp giữa các sở, ngành liên quan để để hoàn thiện công tác chuẩn bị diễn tập cũng như sẵn sàng cho việc đưa hầm Thủ Thiêm vào thông xe vào cuối tháng 11/2011.

Theo kế hoạch, tổng số người tham gia cuộc diễn tập dự kiến khoảng 572 người, trong đó lực lượng trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn là 425 người, lực lượng tham gia thoát nạn là 147 người.

Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng tình huống giả định tại buổi diễn tập gồm vị trí phát sinh cháy tại khu vực cuối đốt dầm dìm số 2, lý trình Km 14+200 trong đường hầm Thủ Thiêm.

Trong thời điểm xảy ra sự cố, số phương tiện lưu thông trong đường hầm khoảng 25 xe ôtô, 100 xe môtô các loại và 200 người tạo nên sự hoảng loạn, tìm cách thoát nạn ra ngoài; rất nhiều người bị thương, bị kẹt lại trong đường hầm.

Dự kiến, trong thời gian xảy ra sự cố có 5 người bị thương ở đầu, 5 người gãy tay, chân và 10 người bị ngạt khói không thể tự thoát ra được cần sự hỗ trợ của lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp.

Theo thiết kế, đường hầm Thủ Thiêm có hai lối thoát nằm dọc hai bên hông đường hầm rộng 2m và cao 2,5m. Dọc theo đường hầm có 38 cửa thoát hiểm (mỗi bên 19 cửa) rộng 0,9m và cao hơn 2,1m.

Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết công tác phòng cháy chữa cháy được thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm giải quyết các sự cố cháy, nổ một cách kịp thời và hiệu quả nhất.

Đặc biệt, trong đợt diễn tập này, ngành phòng cháy chữa cháy sử dụng công nghệ chữa cháy mới với việc sử dụng xe công nghệ 1/7 để phục vụ công tác chữa cháy.

Việc tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại hầm Thủ Thiêm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các giải pháp thoát nạn trong đường hầm; biện pháp sơ cấp cứu ban đầu khi có sự cố cháy nổ xảy ra trong hầm; tăng cường phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị liên quan trong việc tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, chủ động xử lý kịp thời các sự cố xảy ra trước khi đưa hầm Thủ Thiêm vào hoạt động.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt phương án lưu thông qua hầm Thủ Thiêm.

Cụ thể, xe ôtô con và xe ôtô khách lưu thông 24/24 giờ, xe môtô và xe gắn máy lưu thông từ 6 giờ đến 21 giờ; các loại xe ôtô tải có trọng tải từ 5 tấn trở xuống được phép lưu thông từ 8 đến 16 giờ và 20 giờ đến 6 giờ; xe có trọng tải trên 5 tấn được phép lưu thông từ 21 giờ đến 6 giờ.

Người đi bộ, phương tiện lưu thông thô sơ, xe 3-4 bánh tự chế, các phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm, xe quá khổ, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển súc vật sống không đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, xe vận chuyển chất thải nguy hại không được phép lưu thông qua hầm.

Ngoài ra, trong quá trình lưu thông, các phương tiện không được bấm còi, bật đèn ưu tiên, đèn chiếu xa và đèn có ánh sáng mạnh khác. /.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục