Chiều 7/12, tại Công viên phần mềm Quang Trung, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức diễn tập bảo vệ các hệ thống thông tin tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tới dự có lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố, đại diện các Quân khu, Quân chủng Hải quân.
Cuộc diễn tập được thực hiện theo hai tình huống gồm phòng chống tấn công làm tê liệt hệ thống (DDOS) và phòng chống phần mềm gián điệp. Đây là những tình huống được xây dựng theo những sự việc đã xảy ra tại Việt Nam trong năm nay.
Theo kịch bản tình huống phòng chống tấn công làm tê liệt hệ thống xảy rạng sáng 6/12/2013, website của Ủy ban Nhân dân quận A (Thành phố Hồ Chí Minh) bị tấn công, lượng truy cập tăng bất thường và có nguy cơ lan rộng sang các trang website khác của thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng báo cáo đến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, đồng thời tổ chức họp khẩn để đánh giá tình hình. Do “kẻ thủ” tấn công khá tinh vi với khoảng 20.000 “máy tính ma” liên tục tấn công với lưu lượng truy cập lên tới 15 GB, các thiết bị bảo mật không chống đỡ được.
Sau 24 tiếng “chiến đấu,” đội đặc nhiệm ứng cứu tại chỗ của Thành phố không thể ngăn chặn được, buộc lãnh đạo thành phố phải nhờ Cục Công nghệ Thông tin - Bộ Tổng Tham mưu cử các chuyên gia cùng máy móc hiện đại đến chi viện. Sau khi phân tích, dò tìm, các lực lượng ứng cứu đã tìm ra được trung tâm điều khiển “máy tính ma” ở nước ngoài, thông báo với các nhà mạng trong nước và nước ngoài cô lập mạng “máy tính ma” trên vào chiều 7/12.
Tình huống thứ hai trong buổi diễn tập là phòng chống phần mềm gián điệp. Đây được xem là “kẻ thù” đặc biệt nguy hiểm. Theo đó, lực lượng nghiệp vụ của Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện một lượng dữ liệu quan trọng, hạn chế phổ biến bị đánh cắp, lan truyền trên internet, gây ảnh hưởng đến công tác điều hành của thành phố. Việc ngăn chặn mã độc tấn công nằm ngoài khả năng của lực lượng ứng cứu thành phố Hồ Chí Minh, buộc thành phố phải nhờ chi viện từ Cục Công nghệ Thông tin - Bộ Tổng Tham mưu. Với máy móc hiện đại, đội ứng cứu của Cục Công nghệ Thông tin - Bộ Tổng tham mưu đã tìm ra mã độc và khống chế thành công.
Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đây được xem là cuộc diễn tập về bảo vệ hệ thống mạng đầu tiên ở Việt Nam. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương ứng dụng công nghệ thông tin một cách tốt nhất, góp phần tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, giúp cho doanh nghiệp, chính quyền các cấp giải quyết công việc nhanh, nhiều và kịp thời. Hàng năm thành phố chi hàng trăm tỷ đồng cho ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh về công nghệ thông tin cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Do đó, việc đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng là yêu cầu rất quan trọng, cấp thiết của thành phố.
Phát biểu sau cuộc diễn tập, Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Phó Tổng Tham mưu trưởng nhấn mạnh: Hiện chiến tranh mạng đang diễn ra rất phức tạp. Cuộc diễn tập mới chủ yếu tập trung ở vấn đề “chống” tấn công mạng, trong khi việc “phòng” thì còn nhiều vấn đề cần chú ý nghiên cứu. Các tỉnh, thành phố cần phải có các phương án để đối phó với các tình huống xảy ra, đồng thời phối hợp với nhau để chống tấn công mạng. Những nơi trọng yếu như Hà Nội, nên phối hợp với Bộ Quốc phòng để có cuộc diễn tập như của Thành phố Hồ Chí Minh để có kinh nghiệm ứng phó. Việc phòng chống tấn công mạng cũng nên hướng theo phương châm “bốn tại chỗ” như phòng chống lụt bão.
Theo Ban tổ chức, trong 9 tháng năm 2013, Việt Nam ghi nhận được 1.428 trường hợp mã độc tấn công. Hiện có khoảng 500.000-1.000.000 máy tính của Việt Nam đang nằm trong các mạng “máy tính ma” quốc tế. Chỉ số an toàn thông tin ở Việt Nam còn khá yếu, chỉ khoảng 37%, thấp hơn nhiều so với các nước khác.
Tính đến tháng 10/2013, đã có 2.405 website của các cơ quan, doanh nghiệp bị tin tặc xâm nhập. Ước tính mỗi năm, người dùng máy tính ở Việt Nam đã thiệt hại khoảng 8.000 tỉ đồng vì virus máy tính./.