Quán triệt quan điểm “chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát trong bảo vệ môi trường,” trong năm 2023, diện mạo môi trường trên cả nước đã có nhiều khởi sắc, các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm đã được kiểm soát chặt và không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.
Đó là một trong những kết quả nổi bật được đưa ra tại “Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024” của Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường diễn ra trong ngày 26/12, tại Hà Nội.
Giám sát chặt các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm
Tiến sỹ Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường cho biết để chủ động phòng ngừa ô nhiễm môi trường, ngay từ đầu năm 2023, đơn vị này đã trình lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định thành lập 18 Tổ Giám sát đối với các cơ sở, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; ban hành Quy chế hoạt động và Kế hoạch giám sát về bảo vệ môi trường đối với các tổ giám sát để triển khai.
Qua đó, công tác kiểm soát, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường triển khai bài bản và hiệu quả. Kết quả giám sát cho thấy hầu hết các cơ sở đã thực hiện đầy đủ các hồ sơ môi trường và xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo hồ sơ môi trường được cấp/phê duyệt.
Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đã được giám sát có chiều hướng tốt hơn. Hầu hết các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được kiểm soát chặt và không để xảy ra sự cố môi trường.
Khởi động Chương trình ‘Vì Môi trường xanh Quốc gia 2023’
Ông Thức cũng khẳng định đường dây nóng về ô nhiễm môi trường trong năm 2023 tiếp tục đã được duy trì vận hành thường xuyên nhằm kịp thời tiếp nhận và xử lý những phản ánh về ô nhiễm môi trường trên cả nước.
Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến hết ngày 18/12 vừa qua, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã tiếp nhận 663 thông tin phản ánh của công dân về ô nhiễm môi trường. Trong đó có 274 thông tin, vụ việc đã được đường dây nóng cấp Trung ương gửi về đường dây nóng các địa phương để xác minh, xử lý; 389 thông tin đã được đường dây nóng cấp Trung ương hướng dẫn công dân thực hiện theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, thời gian qua, cơ quan kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng tăng cường kiểm soát đối với các cơ sở, khu vực sản xuất hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường kéo dài từ trước đây để lại.
Qua kiểm tra thực tế, Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường đã phát hiện một số tổ chức có vi phạm về bảo vệ môi trường như liên quan đến xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép; vi phạm công tác báo cáo bảo vệ môi trường; vi phạm về giấy phép môi trường; vi phạm về chương trình quan trắc môi trường định kỳ.
Về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, ông Thức cho biết hoạt động này đã được cục triển khai đồng bộ, có lộ trình phù hợp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Nhờ đó, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, tái chế liên tục tăng, tỷ lệ phải chôn lấp giảm.
"Trong năm 2023, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý tại khu vực đô thị ước đạt khoảng 95%; tại khu vực nông thôn ước đạt 71%; trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 64% (giảm 26% so với năm 2012). Tổng lượng chất thải nhựa được thu gom, tái chế khoảng 2,4 triệu tấn," ông Thức thông tin.
Nỗ lực đưa chính sách đi sâu vào cuộc sống
Ghi nhận và đánh giá cao việc thực hiện các nhiệm vụ được giao của Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết sau một năm thành lập mới, cục này đã kế thừa, phát huy được các kết quả, truyền thống, trí tuệ sau khi tách ra từ Tổng cục Môi trường. Theo đó, công tác bảo vệ môi trường đã có những tiến bộ rõ rệt thông qua các kết quả ấn tượng, tạo ra bước ngoặt từ bị động chuyển sang chủ động kiểm soát.
Chung tay thay đổi hành vi tiêu dùng "Vì Môi trường xanh quốc gia"
Trong năm 2024, ông Nhân đề nghị Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ Môi trường và các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như các bộ, ngành, địa phương để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, chủ động kiểm soát, phòng ngừa, trên cơ sở pháp lý, kiểm tra, giám sát và quan trắc.
“Việc dùng hệ thống quan trắc không chỉ quan trắc hiện trạng mà phải biến nó thành công cụ dự báo. Sắp tới cần phải dự báo được ô nhiễm nguồn nước và quản lý lưu vực sông,” ông Nhân lưu ý và yêu cầu Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đầu tư tăng cường, nhất là mảng quan trắc môi trường, có kế hoạch thực hiện được việc chủ động kiểm soát, đáp ứng yêu cầu được giao.
Cho rằng với 9 lĩnh vực và 25 nhiệm vụ được giao, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị của bộ cũng như các địa phương để thực hiện nhiệm vụ theo đúng với tên gọi “kiểm soát ô nhiễm môi trường.”
Để làm được điều đó, ông Khánh đề nghị Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cần phát huy tối đa lợi thế của những “cánh tay nối dài” của cục là các đơn vị chi cục tại các miền; khai thác tối đa và hiệu quả việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong quản lý cũng như điều hành; vận hành tốt các Trung tâm tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia góp phần cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến chất lượng môi trường, cảnh báo kịp thời khi môi trường có diễn biến xấu trên phạm vi cả nước…
Ngoài ra, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cũng bày tỏ mong muốn Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ chú trọng hơn nữa công tác phổ biến pháp luật chính sách để người dân thay đổi ý thức bảo vệ môi trường.
Theo đó, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, phối hợp với các địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau; tiếp tục đổi mới sáng tạo để có nhiều kết quả xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Về phần mình, đại diện Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường nhấn mạnh với tinh thần quyết tâm của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, trong năm 2024, đơn vị này sẽ tập trung tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bảo đảm tiến độ, chất lượng, để đưa luật đi vào cuộc sống.
Cùng với đó, Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; triển khai đồng bộ các biện pháp để cải thiện chất lượng môi trường không khí, đất và nước tại các lưu vực sông; mở rộng hợp tác song phương, đa phương với các đối tác quốc tế; hoàn thành việc đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa./.