Pú Nhung là xã vùng cao của huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, quê hương của anh hùng, liệt sỹ Vừ A Dính. Đến thăm Pú Nhung hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi trên quê hương truyền thống cách mạng, đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Địa chỉ đỏ cách mạng
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xã Pú Nhung được chọn làm căn cứ cách mạng của Ban cán sự Đảng tỉnh Lai Châu (cũ).
Dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Lai Châu, cuối năm 1949, Ủy ban Kháng chiến của hai xã Pú Nhung và Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) được thành lập. Đầu năm 1950, đội du kích xã Pú Nhung ra đời. Ngay từ những ngày đầu thành lập, bằng các vũ khí thô sơ nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm mưu trí, đội du kích Pú Nhung đã chặn được nhiều cuộc càn quét đẫm máu, gây cho địch tổn thất lớn, tạo tiếng vang cũng như niềm tin trong nhân dân.
Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến này, người thiếu niên dân tộc Mông Vừ A Dính làm liên lạc cho cách mạng, bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn một dạ kiên trung không khai báo cơ sở cách mạng. Vừ A Dính bị thực dân Pháp treo ngược lên cây bắn chết, lúc đó mới 15 tuổi.
Để tri ân những anh hùng liệt sỹ, ngày nay, tại Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của xã Pú Nhung, Vừ A Dính và 6 người thân trong gia đình được khắc tên tưởng niệm. Đây là địa chỉ đỏ để thế hệ trẻ trên quê hương cách mạng Pú Nhung khắc ghi và tự hào noi gương anh hùng nhỏ tuổi đã làm rạng danh quê hương, rạng danh thế hệ trẻ Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp oanh liệt của dân tộc ta.
Diện mạo mới của Pú Nhung
Sau chiến tranh, đời sống của người dân xã vùng cao Pú Nhung gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp, phụ thuộc vào cây sắn, lúa nương; các điều kiện xã hội chưa đầy đủ, cơ sở hạ tầng kém phát triển... dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao, cuộc sống người dân còn lạc hậu.
Hơn nửa thế kỷ qua đi, hôm nay Pú Nhung có một diện mạo mới, tràn đầy sức sống. Những ngôi nhà sàn lợp ngói trải dài ở các bản.
Ông Vừ Sái Sùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Pú Nhung cho biết với ý chí tự lực, tự cường vươn lên trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, những năm qua, Pú Nhung đã mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nhằm giải quyết lương thực tại chỗ và sản xuất hàng hóa cho quê hương.
Xác định ngô là một trong những cây trồng chủ lực, những năm gần đây, diện tích luôn được mở rộng, sản xuất lớn và tập trung. Nhờ đó, năng suất và sản lượng ngô đã không ngừng tăng. Nhờ trồng ngô, nhiều hộ đã thu nhập 50 triệu đồng/năm.
Song song với sản xuất ổn định cây lương thực, người dân Pú Nhung đã đưa các loại cây trồng khác có trị giá cao vào sản xuất trên địa bàn, như táo mèo, sa nhân, càphê... đã đem lại những hiệu quả tích cực.
Đặc biệt, cùng với các quyết sách đúng đắn của Đảng, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nhất là trong các vấn đề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh phát triển kinh tế tiểu thủ công nghiệp... cuộc sống của người dân xã Pú Nhung đã dần ổn định và có nhiều đổi thay. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đều qua các năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên; cơ sở hạ tầng phát triển kiên cố; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh.
Những kết quả đó trước hết là nhờ địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Pú Nhung đã thực hiện thành công công cuộc xóa đói giảm nghèo. Thu nhập của mỗi gia đình ở Pú Nhung không ngừng tăng, đời sống của nhân dân đã đổi thay, đồng bào càng tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, thi đua lao động sản xuất, học tập cách làm ăn mới.
Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người ở Pú Nhung đạt 8,5 triệu đồng/người/năm; chỉ còn 14,9% hộ nghèo và không còn hộ thiếu lương thực khi giáp hạt. Hầu hết các hộ trong xã đều có tivi, xe máy; nhiều hộ có máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản sau thu hoạch.
Các cơ sở văn hóa, trường học, trạm y tế ở Pú Nhung cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe và xây dựng nếp sống văn hóa trong nhân dân.
Pú Nhung đã đạt chuẩn phổ cập đúng độ tuổi, chuẩn phổ cập trung học cơ sở, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1, 100% trẻ em được đến lớp đúng độ tuổi. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trong xã ngày càng được nâng cao; 90% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; các thủ tục cưới xin, ma chay được thực hiện theo nếp sống văn minh, hiện đại và tiết kiệm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương luôn được đảm bảo.../.