Điện Kremlin: Không có tiếp xúc thực chất về ổn định chiến lược Nga-Mỹ

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết Nga lấy làm tiếc vì không có các kênh tiếp xúc nghiêm túc, thực chất về vấn đề chủ đề kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược với Mỹ.
Điện Kremlin: Không có tiếp xúc thực chất về ổn định chiến lược Nga-Mỹ ảnh 1Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu tại một cuộc họp báo ở Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện giữa Nga và Mỹ không có các mối liên hệ thực chất về kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược.

Đây là tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, đưa ra ngày 19/5 khi bình luận về dự luật rút khỏi Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Tiến công Chiến lược (New START) được đưa ra Quốc hội Mỹ.

Theo hãng tin TASS, ông Peskov nêu rõ chủ đề kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược là cực kỳ quan trọng không chỉ đối với Nga và Mỹ mà còn đối với toàn thế giới.

Tuy nhiên, Moskva lấy làm tiếc vì không có các kênh tiếp xúc nghiêm túc, thực chất về vấn đề này giữa hai nước.

Ngày 18/5 vừa qua, nhóm 10 thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa trình Quốc hội Mỹ xem xét dự luật kêu gọi chính quyền rút khỏi New START và tăng cường lực lượng hạt nhân.

Trước đó, ngày 25/4, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí, Bộ Ngoại giao Nga, ông Vladimir Yermakov nêu rõ Moskva thấy cần phải bình ổn quan hệ giữa các cường quốc hạt nhân và không từ chối khả năng đạt được các hiệp ước an ninh mới với phương Tây trong tương lai.

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS, ông Yermakov khẳng định: "Cấu trúc an ninh quốc tế không nên chỉ là lời nói suông, mà thay vào đó, các bên cần cân nhắc lợi ích cơ bản của nhau. Muốn vậy, trước hết cần ổn định quan hệ giữa các cường quốc hạt nhân - là các nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - và gánh trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh toàn cầu.”

Điện Kremlin: Không có tiếp xúc thực chất về ổn định chiến lược Nga-Mỹ ảnh 2Mỹ và Nga dừng chia sẻ dữ liệu hạt nhân. (Nguồn: AP)

Theo ông Yermakov, nếu Mỹ và các đồng minh sẵn sàng cho một cam kết như vậy, sẽ có cơ hội cho những thỏa thuận mới, khả thi trong các lĩnh vực ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí.

Ông nhấn mạnh: “Quan hệ của Moskva với phương Tây trong lĩnh vực an ninh phải dựa trên các công cụ pháp lý quốc tế," song lưu ý rằng điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu tính đến lợi ích của Nga.  

Vụ trưởng Vụ Yermakov cũng cho rằng việc soạn thảo một văn kiện có thể thay thế New START vào thời điểm này là bất khả thi.

Ngày 28/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật đình chỉ việc tham gia vào New START.

Việc Nga ngừng tham gia New START được Tổng thống Putin tuyên bố trong thông điệp liên bang đọc trước Quốc hội, vì Moskva không có cơ hội tiến hành các cuộc thanh sát chính thức theo thỏa thuận này.

[Nga ủng hộ bình ổn quan hệ giữa các cường quốc hạt nhân]

Ông Putin nhấn mạnh rằng trước khi quay lại thảo luận về vấn đề tiếp tục tuân thủ hiệp ước, Nga cần phải biết New START sẽ tính đến kho vũ khí không chỉ của Mỹ mà của cả các cường quốc hạt nhân khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Anh và Pháp như thế nào.

Chỉ một ngày sau khi Tổng thống Putin đọc thông điệp liên bang, Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng liên bang (Thượng viện) của Nga đã lần lượt thông qua dự luật về việc đình chỉ New START.

New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ.

Trước đó, Mỹ cũng đã rút khỏi một loạt thỏa thuận kiểm soát vũ khí ký với Nga như Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) và Hiệp ước Bầu trời Mở.

Điện Kremlin: Không có tiếp xúc thực chất về ổn định chiến lược Nga-Mỹ ảnh 3Tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars RS-24 của Nga tham gia duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiệp ước New START được cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp Mỹ Barack Obama ký năm 2010.

Theo nội dung thỏa thuận này, mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tiến công chiến lược của mình để 7 năm sau khi hiệp ước có hiệu lực và trong tương lai, tổng số vũ khí của hai nước không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng (TB), 1.550 đầu đạn trên TB, 800 bệ phóng ICBM, SLBM và TB đã triển khai và chưa triển khai.

Hiệp ước có hiệu lực trong vòng 10 năm (đến ngày 5/2/2021) trừ khi được thay thế bằng một thỏa thuận khác.

New START cũng có thể được gia hạn không qua 5 năm (đến năm 2026) theo thỏa thuận chung của các bên. Tháng 2/2021, Nga và Mỹ gia hạn hiệp ước thêm 5 năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục