Điện Kremlin ngày 13/12 nhấn mạnh Nga hoan nghênh tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rằng Washington sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên, đồng thời coi đây là cách tiếp tận mang tính xây dựng của Mỹ.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết sự thay đổi lập trường của Mỹ phù hợp với những kêu gọi liên tiếp của Nga trước đây rằng Washington nên kiềm chế trong các phản ứng liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Trong khi đó, cũng trong ngày 13/12, Trung Quốc đã lên tiếng hưởng ứng những phát biểu mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Tillerson, kêu gọi Washington thúc đẩy tiếp xúc và đối thoại với Bình Nhưỡng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: “Chúng tôi đã ghi nhận phát biểu của ông Tillerson. Chính phủ Trung Quốc từ trước đến nay luôn giữ lập trưởng ủng hộ việc giải quyết hòa bình vấn đề Bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và đàm phán. Trung Quốc hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng và thúc đẩy đối thoại để giải quyết vấn đề”.
Ông Lục Khảng khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong tiến trình thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên.
[Nga khẳng định sẽ thúc đẩy đối thoại chính trị với Triều Tiên]
Trước đó, ngày 12/12, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã đề xuất khởi động các cuộc đàm phán với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết, động thái dường như thay đổi hoàn toàn lập trường của Washington, vốn yêu cầu Bình Nhưỡng trước hết phải chấp nhận giải giáp hạt nhân để tiến hành đàm phán.
Hiện chưa rõ liệu ông Tillerson có giành được sự ủng hộ hoàn toàn của Tổng thống Mỹ Donald Trump để tìm kiếm một sự cởi mở về ngoại giao như vậy hay không.
Trong diễn biến liên quan cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định nước này sẽ thúc đẩy đối thoại chính trị với Triều Tiên, trong đó có đối thoại giữa Bộ Quốc phòng hai nước.
Phát biểu với báo giới, ông Ryabkov nhấn mạnh Triều Tiên là quốc gia láng giềng của Nga, do vậy Moskva cần phát triển các mối quan hệ, trong đó đối thoại chính trị đóng vai trò rất quan trọng.
Nga sẽ tận dụng mọi cơ hội để tiến hành đối thoại trực tiếp và Moskva sẽ tiếp tục tận dụng các cơ hội này trong tương lai, trong đó có thông qua Bộ Quốc phòng hai bên. Trước đó, có thông tin cho rằng phái đoàn Bộ Ngoại giao Nga do Phó Giám đốc Trung tâm Chỉ huy Quốc phòng Nga Victor Kalganov dẫn đầu, đã có chuyến thăm bất ngờ tới Bình Nhưỡng trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, ông Ryabkov còn cho biết Nga và Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc để thảo luận về cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên ở các cấp độ khác nhau. Ông Ryabkov cho rằng cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên là một trong những vấn đề trọng tâm được thảo luận giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson hồi cuối tuần qua tại thủ đô Vienna (Áo).
Đại sứ Nga tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Alexander Grushko cho biết Moskva coi việc sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên là không thể chấp nhận, đồng thời kêu gọi các nước thành viên NATO tránh những hành động khiêu khích nhằm tạo điều kiện cho các nỗ lực ngoại giao và chính trị. Ông Grushko cũng khẳng định Mỹ đóng vai trò đặc biệt trong vấn đề này.
Theo Đại sứ Grushko, NATO không có vai trò gì trong vấn đề Triều Tiên và ban lãnh đạo NATO hoàn toàn hiểu rõ điều này. Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân Triều Tiên nói chung vẫn là một thách thức nghiêm trọng đối với Nga cũng như các nước thành viên NATO.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon kêu gọi Triều Tiên ngừng ngay mọi hành động khiêu khích và đi tới đàm phán "vô điều kiện”.
Ông Cho khẳng định Seoul sẵn sàng giúp Triều Tiên ngừng chương trình vũ khí hạt nhân và đạt được những đảm bảo về an ninh thông qua việc hợp tác với các nước láng giềng. Ông kêu gọi Triều Tiên chấm dứt nghi ngờ về những nỗ lực của phía Hàn Quốc, đồng thời khẳng định hai miền Triều Tiên có thể chung sống trong hòa bình và thịnh vượng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau./.