Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch điện 8), cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng đến năm 2030 sẽ đạt hơn 37.000 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện (trong đó nhiệt điện khí hóa lỏng lên tới gần 24.000MW, chiếm khoảng 15%).
Phát triển điện khí được đánh giá là phù hợp xu thế phát triển, vừa góp phần đa dạng nguồn cung, đảm bảo điện, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường và là nguồn dự phòng quan trọng khi tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên, phát triển điện khí cũng gặp không ít thách thức cần sớm được tháo gỡ để hiện thực hoá các dự án Điện khí tại Quy hoạch điện 8.
Đây cũng là nội dung chính được thảo luận tại Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam với chủ đề “Phát triển điện khí LNG - xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng,” do báo Sài Gòn Giải phóng chủ trì, phối hợp với các bên liên quan tổ chức ngày 22/11, tại Hà Nội.
Hướng tới nguồn năng lượng Xanh
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết xu hướng chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh khiến nhu cầu khí hóa lỏng (LNG) trên thế giới tăng đáng kể trong những năm gần đây, với nhịp độ bình quân 6,3%/năm. Thống kê cho thấy, công suất LNG trên thế giới tăng từ 340 triệu tấn/năm (năm 2017) lên 453 triệu tấn/năm vào năm 2022.
Cần “nhạc trưởng” cho phát triển điện khí LNG khi thiếu khí nội địa
Tại Việt Nam, Nghị quyết 55/NQ-BCT của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra yêu cầu phải chú trọng phát triển nhanh chóng nhiệt điện khí LNG, đồng thời phải ưu tiên phát triển hạ tầng nhập khẩu và phân phối LNG.
Hiện Quy hoạch điện 8 đưa ra mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14.000 MW điện khí LNG và 12-15.000 MW nguồn năng lượng tái tạo. Nghĩa là, đến năm 2030 sẽ phát triển khoảng 24.000 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 16% cơ cấu nguồn điện, tập trung chủ yếu ở miền Bắc để đảm bảo nguồn điện chạy nền cho khu vực này. Theo tính toán, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14-18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13-16 tỷ m3 vào năm 2045.
“Phát triển mạnh mẽ nhiệt điện khí LNG trong tương lai chắc chắn sẽ giúp ngành điện phát triển Xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỷ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay.…,” ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo nhấn mạnh.
Đồng bộ quy hoạch, tạo đà phát triển điện khí
Bên cạnh các cơ hội và ưu điểm của điện khí LNG như đảm bảo cấp điện ổn định và giảm thiểu tác động tới môi trường. Nhiệt điện khí với khả năng chạy phủ đỉnh sẽ là nguồn công suất cần thiết để bổ trợ cho các nguồn điện tái tạo không ổn định.
Điện khí LNG có khả năng đạt hơn 90% hệ số công suất khi cần thiết, không gặp phải tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện Mặt Trời… thì việc phát triển điện khí LNG cũng gặp không ít thách thức, trong đó phải kể đến việc đang còn phụ thuộc hoàn toàn vào khí LNG nhập khẩu, giá điện khí còn cao và quan trọng là thiếu các cơ chế, chính sách để phát triển hạ tầng điện khí tại Việt Nam.
Cụ thể, theo đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, việc phát triển các dự án LNG thường đòi hỏi nguồn vốn lên tới hàng tỷ USD cho cả chuỗi khí - điện, vì vậy để các nhà đầu tư cần có các tổ chức tài chính chấp thuận thu xếp cho dự án cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý, cung cấp tài chính cho các dự án. Việc thu xếp vốn cho dự án gặp nhiều khó khăn do cần đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính về các điều kiện bảo lãnh, cam kết để dự án đầu tư có hiệu quả.
Hơn nữa, giá phát điện LNG cao hơn so với các nguồn điện khác nên gặp khó khăn trong tham gia thị trường điện và đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Tiến sỹ Ngô Trí Long cho rằng, Việt Nam không chủ động được nguồn cấp LNG do hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này. Do vậy, trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều thay đổi khó lường, giá nhiên liệu LNG biến động thất thường và thường chiếm tỉ lệ từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu, nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.
Ông nhấn mạnh, khó khăn vướng mắc chính ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án LNG vẫn là việc đàm phán giá điện và bao tiêu sản lượng hằng năm. Nếu “vướng mắc” này không được tháo gỡ kịp thời, kế hoạch phát triển điện khí LNG sẽ rất khó thực hiện. Nếu không đàm phán được hợp đồng mua bán điện (PPA) sớm thì sẽ rất khó khăn trong việc triển khai dự án LNG theo đúng kế hoạch được giao.
"Trạng thái này tiếp tục tiếp diễn thì trọng trách "mũi nhọn của nền kinh tế" và đảm bảo an ninh năng lượng... sẽ đặt trong tình trạng đáng lo. Việc cam kết sản lượng điện phát và tiêu thụ khí hằng năm là rất quan trọng, là cơ sở để các ngân hàng xem xét tín dụng cho dự án, cũng như dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn để giá điện rẻ hơn," ông Long nêu ý kiến.
Theo Quy hoạch điện 8, sẽ có 15 dự án nhà máy nhiệt điện LNG nằm phân bố rải rác trên cả nước, trong đó, chỉ tính đến năm 2030, để đáp ứng khí cho 13 dự án nhiệt điện LNG với tổng công suất 22.400MW, mỗi năm cần tổng công suất kho chứa đạt khoảng 15-18 triệu tấn LNG. Trong khi, hiện nay, Việt Nam chỉ có duy nhất 1 dự án kho chứa LNG tại Thị Vải với công suất 1 triệu tấn LNG/năm.
Điều này cho thấy, việc nhập khẩu LNG cho sản xuất điện là xu hướng tất yếu không chỉ để cung cấp cho các dự án điện khí LNG mới, mà còn cấp thiết bù đắp nguồn khí cho các nhà máy điện khí hiện hữu có nguy cơ bị thiếu hụt nhiên liệu trong tương lai, khi các mỏ khí khai thác trong nước đang suy giảm nhanh qua từng năm.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, chuyên gia Kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rừng, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LGN, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện. Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
“Cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LGN quy mô hàng tỷ USD, cũng như rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư ở các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LGN,” chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến./.