Diễn giả 10 quốc gia cùng bàn cách dạy tiếng Anh hiệu quả

Sáng nay, ngày 12/10, 30 diễn giả đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cùng trao đổi học thuật tại Hội thảo khoa học Đào tạo tiếng Anh đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong cuộc cách mạng 4.0
Các diễn giả chụp ảnh cùng ban tổ chức. (Ảnh: BTC)

Sáng nay, ngày 12/10, 30 diễn giả đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cùng trao đổi học thuật tại Hội thảo khoa học quốc tế “Đào tạo tiếng Anh đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, diễn ra tại Đại học Công nghiệp, Hà Nội.

Hội thảo do Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh (VietTESOL) phối hợp với Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức.

Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày 12 và 13/10, với 165 báo cáo của các diễn giả đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Triều Tiên, Philippin, Canada, Mỹ, Anh, Cộng hòa Séc...

[Nam sinh lớp 9 chinh phục 8.0 IELTS sau một tháng tự học]

Bên cạnh bốn phiên toàn thể tại hội trường lớn, Hội thảo còn có 12 phiên song song để thảo luận theo ba chủ đề thiết thực trong đào tạo ngoại ngữ: công nghệ trong dạy và học tiếng Anh, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá trong giảng dạy tiếng Anh và tiếng Anh chuyên ngành theo định hướng nghề nghiệp.

Ở mỗi chủ đề, các diễn giả sẽ cùng trao đổi về nhiều nội dung cụ thể. Chủ đề công nghệ trong dạy và học tiếng Anh sẽ đề cập đến các vấn đề như môi trường học tập thực tế ảo, học tích hợp, học trực tuyến, phần mềm và trò chơi giáo dục, ứng dụng học tập trên điện thoại di động, công nghệ mới trong giảng dạy ngôn ngữ…

Chủ đề phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá trong giảng dạy tiếng Anh gồm các nội dung như giảng dạy kỹ năng ngôn ngữ, dạy ngữ pháp, dạy phát âm, đánh giá trên lớp, thiết kế bài thi và bài kiểm tra đánh giá, dạy và học theo dự án, dạy và học theo nhiệm vụ…

Chủ đề tiếng Anh chuyên ngành theo định hướng nghề nghiệp có hai nội dung cơ bản là phát triển chương trình và học liệu dạy tiếng Anh chuyên ngành, đánh giá chương trình dạy học tiếng Anh chuyên ngành.

Chia sẻ về lý do tổ chức Hội thảo, tiến sỹ Bùi Thị Ngân, Phó hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, trong những năm qua, nhà trường đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động và xã hội.

Trường triển khai áp dụng đề án đổi mới đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên giai đoạn 2015-2018, chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên về năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy.

Bên cạnh đó, trường thực hiện đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO,;ứng dụng phương pháp học kết hợp, theo định hướng nghề nghiệp; đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với các đối tượng sinh viên.

Đề án đổi mới đào tạo ngoại ngữ của trường đã nhận được sự ủng hộ của cán bộ, giảng viên, sinh viên và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng đào tạo, năng lực Tiếng Anh của sinh viên được nâng cao; nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã ghi nhận và đánh giá cao chất lượng đào tạo cũng như khả năng Tiếng Anh của sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội.

“Với chủ trương đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh cho sinh viên, Hội thảo này là cơ hội để đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của ngoại ngữ và đặc biệt là có cơ hội để tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh cho các giảng viên,” tiến sỹ Bùi Thị Ngân nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục