Diễn đàn Triển vọng khu vực 2025: Tín hiệu tích cực trước biến số khó lường

Diễn đàn thảo luận sâu về nhu cầu cấp thiết phục hồi trong bối cảnh gián đoạn và bất ổn do các biến động chính trị, địa chính trị, công nghệ và kinh tế ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Ngoại trưởng Philippines Enrique A. Manalo là diễn giả chính tại Diễn đàn Triển vọng khu vực. (Ảnh: Tất Đạt/TTXVN)
Ngoại trưởng Philippines Enrique A. Manalo là diễn giả chính tại Diễn đàn Triển vọng khu vực. (Ảnh: Tất Đạt/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 9/1, Diễn đàn Triển vọng khu vực (ROF) 2025, do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Yusof Ishak (ISEAS) tổ chức, đã diễn ra tại Singapore với chủ đề “Khả năng phục hồi trước những biến động toàn cầu” với diễn giả chính là Ngoại trưởng Philippines Enrique A. Manalo và phiên thảo luận chuyên đề.

Hội nghị thu hút khoảng 300 chính trị gia, chuyên gia, học giả cùng giới doanh nghiệp và truyền thông tham dự.

Phát biểu tại sự kiện này, Ngoại trưởng Philippines Manalo nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đối mặt với bối cảnh toàn cầu hoàn toàn khác trong thế kỷ 21… Tuy nhiên, hợp tác vẫn là yếu tố quan trọng trong trật tự khu vực và toàn cầu.”

Ông Manalo nhấn mạnh rằng hợp tác toàn cầu cần được xây dựng trên 3 điểm chính.

Thứ nhất là cần cởi mở với phương thức làm việc sáng tạo để giải quyết các thách thức mới dựa trên luật pháp quốc tế.

Thứ hai là động lực hành động không chỉ đến từ các "nước lớn" mà còn từ các nhân tố mới.

Thứ ba là thói quen hợp tác lâu dài giữa các quốc gia là tài sản quan trọng trong thời kỳ biến động.

Diễn đàn cũng tập trung thảo luận sâu vào nhu cầu cấp thiết về khả năng phục hồi trong bối cảnh gián đoạn và bất ổn do các biến động chính trị, địa chính trị, công nghệ và kinh tế ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh thảo luận về các nguy cơ, rủi ro toàn cầu, diễn đàn cũng thảo luận chuyên sâu vào các con đường để duy trì khả năng phục hồi và thích ứng.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh sự cấp thiết phải tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, bảo đảm quyền tiếp cận thị trường và công nghệ, đẩy nhanh chuyển đổi xanh và chuyển đổi số để tiếp tục tăng trưởng.

Các phiên thảo luận cũng hướng tới đánh giá tình hình chính trị trong nước ở các nước Đông Nam Á và những tác động đối với nền kinh tế và chính sách đối ngoại của mỗi nước.

Tại phiên thảo luận thứ tư với chủ đề “Philippines và Việt Nam - Động lực chính trị và hàm ý chính sách,” Việt Nam tiếp tục là tâm điểm quan tâm, chú ý và được được các chuyên gia và học giả trong khu vực cũng như trên thế giới đánh giá cao về đóng góp đối với hòa bình, ổn định và phát triển.

Theo Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Yusof Ishak (ISEAS), Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội từ biến động thế giới, Việt Nam cần tăng cường quan tâm một số khía cạnh như chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao hơn nữa năng suất và trình độ của người lao động, đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đảm bảo nguồn điện, bảo đảm về khuôn khổ chính sách, pháp lý rõ ràng và hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cùng đại diện các phái đoàn thường trực các nước tại ASEAN tại lễ công bố logo kỷ niệm 50 năm Quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN-New Zealand. (Ảnh: Đào Trang/TTXVN)

Công bố logo kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-New Zealand

Logo được thiết kế đơn giản, với những họa tiết và màu sắc đặc trưng của ASEAN và New Zealand nhằm truyền tải thông điệp về sức mạnh, sự kiên cường và tinh thần đoàn kết của quan hệ đối tác.