Trong bối cảnh biến động chuỗi cung ứng, EU đang đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung và lựa chọn Việt Nam như một điểm đến chiến lược tại châu Á-Thái Bình Dương, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải có những chính sách thay đổi, có những bước chuyển mình để đáp ứng các tiêu chí của thị trường khó tính bậc nhất này.
Trên đây là ý kiến được đưa ra tại "Diễn đàn Thương mại Việt Nam-EU: Cơ hội mở rộng chuỗi cung ứng với các đối tác EU" do Bộ Công Thương tổ chức chiều 14/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ hội lớn để mở rộng chuỗi cung ứng với các đối tác EU
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực và toàn cầu với lợi thế cạnh tranh lớn từ vị trí địa kinh tế thuận lợi và hàng loạt các FTA đã tham gia.
Trong số đó, EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu khi là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam.
[Nhìn lại 3 năm Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU]
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang đứng vị trí đối tác thương mại thứ 16 của EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN, xếp thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU năm 2022 đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2021; chiếm tỷ trọng 8,5% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Trong số đó, xuất khẩu đạt 46,82 tỷ USD, tăng 16,7%, cơ cấu chủng loại mặt hàng xuất khẩu sang thị trường EU cũng ngày càng đa dạng hơn.
Không chỉ tập trung vào các mặt hàng chủ lực như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử; máy móc, thiết bị phụ tùng; giày dép; dệt may mà còn đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản sang EU.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu nhiều mặt hàng từ EU, đặc biệt là các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất như hóa chất, thức ăn gia súc và nguyên liệu, sữa và sản phẩm sữa, gỗ và sản phẩm gỗ, vải các loại, sắt thép các loại...
Do đó, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ nhận định Việt Nam đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng chuỗi cung ứng đa dạng bền vững với các đối tác EU khi Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia châu Á đầu tiên ký hiệp định FTA với EU.
Điều này sẽ tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam-EU cũng phần nhiều mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp.
Các nhóm mặt hàng trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam hầu hết đều là những mặt hàng EU có nhu cầu nhập khẩu và đã chuyển đổi sản xuất. Do vậy, dư địa thị trường còn tương đối lớn để các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới.
Ngoài ra, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và dòng đầu tư hiện đang mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc gia tăng cạnh tranh thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các đối tác EU.
Đặc biệt, với ưu thế về vốn và công nghệ, cùng những ưu tiên của EU về Chuyển đổi Xanh và Số sẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn.
Từ đó giúp hàng hóa Việt Nam có ưu thế về chất lượng, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của EU và cũng phù hợp với xu thế phát triển bền vững hiện nay.
Cần thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn châu Âu
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ về những gian truân đầu tiên khi xuất khẩu gạo sang châu Âu.
"Chúng tôi nhận được đơn hàng xuất khẩu gạo đầu tiên vào EU với yêu cầu đơn giản là "phải ăn được."
Tuy nhiên, để đạt tiêu chuẩn "ăn được" đó của họ, chúng tôi phải trải qua 300 bài kiểm tra, sau đó là 8 yêu cầu khắt khe khác; trong đó có những yêu cầu khá lạ như trồng lúa phải có trách nhiệm với môi trường, với trẻ em, phụ nữ, người tàn tật, người nông dân...," ông Thuận cho biết.
Sau lô gạo xuất khẩu đầu tiên, Lộc Trời bắt đầu quy trình trồng lúa theo tiêu chuẩn châu Âu bằng cách hình thành nên những cánh đồng lúa lớn, huấn luyện, dạy nông dân thực hành canh tác theo tiêu chuẩn châu Âu.
Hiện Tập đoàn Lộc trời xuất khẩu sang châu Âu 80.000 tấn gạo mỗi năm.
Ở lĩnh vực dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết không chỉ đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, để xuất khẩu sang châu Âu, các doanh nghiệp buộc phải "xanh hóa" quá trình sản xuất và môi trường sản xuất của mình như đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường làm việc, giảm khí thải carbon, chuyển đổi nồi hơi đốt bằng than đá, củi sang điện...
Điều này là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, để tham gia vào "cuộc chơi" của thị trường EU, các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận và thực hiện chuyển đổi.
Hiện những doanh nghiệp lớn như May Việt Tiến, May 10, May Bảo Minh, Đồng Tiến... đều đã phải thay đổi và chấp nhận "luật chơi" mà các nước nhập khẩu đặt ra.
Ở góc độ đại diện doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam, ông Đặng Quốc Thắng, Giám đốc sản xuất ngành dệt thoi, Công ty Dethalon Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam cần tối ưu quy trình sản xuất, xây dựng văn hóa cải tiến liên tục, đẩy mạnh sản xuất xanh bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng lô trình ngừng sử dụng than đá, củi... Dần dần hướng tới tự động hóa, số hóa các quy trình sản xuất.
Bên cạnh đó, cần tăng tính cạnh tranh trong cung ứng, thích ứng với các đơn hàng nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Chia sẻ diễn đàn, ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, nhấn mạnh kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do châu Âu-Việt Nam (EVFTA) được ký kết, các công ty từ Liên minh châu Âu đã đầu tư hơn 26 tỷ USD vào khoảng 2.250 dự án tại Việt Nam.
Vào năm ngoái, Tập đoàn Lego của Đan Mạch đã được cấp giấy phép đầu tư hơn 1 tỷ USD vào một nhà máy theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường với quy mô 44ha tại Bình Dương.
Tương tự, Tập đoàn Adidas của Đức đã hợp tác với 51 nhà cung cấp tại Việt Nam, góp phần tạo công ăn việc làm cho hơn 190.000 lao động.
Khi người tiêu dùng toàn cầu ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường và các công ty tập trung đầu tư nhiều hơn vào logistics xanh, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức liên quan đến chuyển đổi xanh, phát triển theo hướng bền vững.
"Việt Nam đối mặt với thách thức kép khi không chỉ phải tích hợp vào các chuỗi cung ứng toàn cầu này mà còn phải chuyển đổi mô hình thành chuỗi cung ứng xanh. Để giải quyết những khó khăn này, cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn xanh thông qua việc áp dụng các quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn; đầu tư nhiều vào nghiên cứu, phát triển và cải tiến hạ tầng; nâng cao năng lực logistics và đào tạo nguồn nhân lực," ông Jean Jacques Bouflet khuyến nghị./.