Diễn đàn quốc tế bảo vệ, khôi phục loài hổ tại Nga

Bộ trưởng sinh thái 13 quốc gia hiện có hổ sinh sống đã thông qua chương trình toàn cầu tăng gấp đôi số lượng hổ lên đến 7.000 con.
Hoạch định chiến lược bảo vệ và khôi phục loài hổ trên Trái Đất cũng như tìm kiếm giải pháp bảo vệ loài thú dữ quý hiếm này trong môi trường tự nhiên của chúng là mục đích chính của Diễn đàn quốc tế về bảo vệ và khôi phục loài hổ, diễn ra trong các ngày 21-24/11 tại Saint Petersburg (Nga).

Ngay trong ngày đầu tiên, bộ trưởng sinh thái 13 quốc gia trên thế giới hiện có hổ sinh sống đã thông qua Chương trình toàn cầu giai đoạn 2010-2022 tăng gấp đôi số lượng hổ lên đến 7.000 con, với kinh phí dự kiến trong 5 năm tới là gần 350 triệu USD.

Chương trình toàn cầu quy định việc soạn thảo các kế hoạch quốc gia về khôi phục số lượng hổ tại 13 nước có hổ nói trên, bao gồm Nga, Thái Lan, Việt Nam, Bangladesh, Buhtan, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar và Nepal.

Bắt đầu từ thế kỷ trước, số lượng hổ từ 100.000 con đã giảm dần xuống còn 3.200 con và đang tiếp tục ít đi. Tại Ấn Độ, nơi tập trung nhiều nhất loài thú dữ này trong vài năm qua, số lượng hổ cũng giảm đi ba lần.

Tại các khu vực Ngoại Kavkas, Trung Á, đảo Bali và Java, hổ hầu như đã biến mất. Ngoài môi trường sống tự nhiên, rất khó nuôi giữ hổ trong vườn bách thú hay khu bảo tồn.

Ông Andrei Kushlin, điều phái viên tổ chức Sáng kiến về hổ thuộc Ngân hàng thế giới cho biết: "Hổ là loài thú chỉ sống được khi cảnh quan rộng lớn nơi nó sinh sống được bảo vệ."

Chuyên gia này cho rằng không chỉ bảo vệ môi trường sống của hổ dưới dạng rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, mà con người còn cần học cách trân trọng môi trường thiên nhiên ngoài các lãnh thổ được bảo vệ.

Nga được chọn là chủ nhà diễn đàn quốc tế lớn nhất về bảo vệ và khôi phục loài hổ, bởi vì đây là nơi tập trung nhiều hổ nhất thế giới với trên dưới 450 con, chủ yếu tại khu vực Viễn Đông, Primorie, Khabarốp...

Nga cũng là quốc gia duy nhất mà khu vực sinh sống của hổ từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay vẫn giữ được tính bền vững. Lệnh cấm săn bắn và đánh bẫy hổ đã giúp Nga đạt được thành tựu này. Loài hổ Amua của Nga còn được đưa vào Sách Đỏ bảo tồn các loài động vật quý hiếm.

Tham gia diễn đàn này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Bùi Cách Tuyến khi trả lời phỏng vấn của đài Tiếng nói nước Nga, đã khẳng định tầm quan trọng của diễn đàn để tìm ra tiếng nói chung trong việc bảo vệ và khôi phục loài hổ.

Bên cạnh hội nghị thượng đỉnh về hổ, tại Vladivostok (Viễn Đông, Nga) từ ngày 18-24/11 cũng đang diễn ra diễn đàn thanh niên về vấn đề bảo vệ hổ, nhằm thu hút thanh niên thế giới tham gia giải quyết vấn đề toàn cầu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục