Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022 chính thức khai mạc tại Thụy Sĩ

Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022 tập trung đẩy nhanh cuộc đua tới mức phát thải ròng bằng không, đảm bảo cơ hội kinh tế, tạo khả năng phục hồi không gian mạng, tăng cường chuỗi giá trị toàn cầu.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2022 diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2022 đã chính thức khai mạc tại khu nghỉ dưỡng Alpine của Thụy Sĩ tại Davos dưới hình thức trực tuyến.

Sự kiện kéo dài 1 tuần từ ngày 17-21/1/2022 với chủ đề "Cùng nhau làm việc, Khôi phục lòng tin" quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới để giải quyết tình trạng của thế giới, nhất là các vấn đề kinh tế, môi trường, chính trị và xã hội do đại dịch trầm trọng thêm.

Các nguyên thủ quốc gia và chính phủ, các giám đốc điều hành và các nhà lãnh đạo khác sẽ tiến hành thảo luận về những thách thức quan trọng mà thế giới hiện phải đối mặt và trình bày ý tưởng của họ về cách giải quyết.

Sự kiện này cũng đánh dấu việc khởi động một số sáng kiến của Diễn đàn, bao gồm nỗ lực đẩy nhanh cuộc đua tới mức phát thải ròng bằng không, đảm bảo cơ hội kinh tế, tạo khả năng phục hồi không gian mạng, tăng cường chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng nền kinh tế ở các thị trường mong manh, thu hẹp khoảng cách sản xuất vaccine và sử dụng các giải pháp dữ liệu để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo.

[Hội nghị WEF năm 2022 sẽ vẫn diễn ra tại Davos của Thụy Sĩ]

Ông Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết: “Mọi người đều hy vọng vào năm 2022, đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng đi kèm với nó, cuối cùng sẽ bắt đầu giảm bớt. Để giải quyết chúng, các nhà lãnh đạo sẽ cần áp dụng các mô hình mới, tầm nhìn dài hạn, đổi mới hợp tác và hành động một cách có hệ thống. Chương trình nghị sự Davos 2022 là điểm khởi đầu cho cuộc đối thoại cần thiết hướng tới sự hợp tác toàn cầu vào năm 2022.” 

Trong một thế giới đầy bất ổn và căng thẳng, các đối thoại cá nhân quan trọng hơn bao giờ hết. Các nhà lãnh đạo có nghĩa vụ làm việc cùng nhau và xây dựng lại lòng tin, tăng cường hợp tác toàn cầu và hướng tới các giải pháp bền vững, táo bạo. 

Cũng trong ngày 17/1, WEF kêu gọi các thành phố trên toàn thế giới nên tăng cường đầu tư vào việc mở rộng các không gian xanh và nuôi dưỡng các hệ thống tự nhiên cung cấp nước, thực phẩm và không khí trong lành, không chỉ vì sức khỏe của người dân và giải quyết các nguy cơ về biến đổi khí hậu, mà còn để thúc đẩy kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục