Diễn đàn Kinh tế Pháp ngữ Djerba - Nơi chia sẻ các giá trị tăng trưởng

Tổng Thư ký VCCI cho rằng các chủ đề của diễn đàn đều là những vấn đề nóng, thực sự thiết thực trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay.
Phiên họp toàn thể tại Diễn đàn kinh tế Pháp ngữ. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Tiếp nối Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18, trong các ngày 20 và 21/11, tại đây đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế Pháp ngữ (FEF).

Với chủ đề "Vì sự tăng trưởng được chia sẻ trong không gian Pháp ngữ," sự kiện do Cơ quan Xúc tiến đầu tư nước ngoài của Tunisia (FIPA-Tunisia) phối hợp với Liên minh Công nghiệp, Thương mại và Thủ công mỹ nghệ Tunisia (UTICA) và Phòng Thương mại và Công nghiệp của Tunis (CCIT) tổ chức, nhằm cung cấp thông tin cho các tác nhân kinh tế (doanh nhân, công ty, tổ chức, chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách,...) cũng như đại diện của Tunisia và hơn 80 quốc gia thành viên cùng các quan sát viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF).

Diễn đàn cũng nhằm tăng cường đối thoại và xác định các cơ hội hợp tác và đối tác mới giữa các quốc gia thuộc cộng đồng nói tiếng Pháp trong nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng nhất là đầu tư và số hóa. Đoàn Việt Nam có đại diện Bộ Công Thương và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tham gia FEF 2022.

Kể từ lần tổ chức đầu tiên tại Dakar 2014, FEF là một thành phần quan trọng trong hoạt động kinh tế của OIF nhằm cụ thể hóa "Chiến lược kinh tế cho Cộng đồng Pháp ngữ (SEF)," được thông qua cho giai đoạn 2020-2025. Với tinh thần vì "sự thịnh vượng chung" và "đặt các tác nhân vào trung tâm của quá trình phát triển kinh tế bền vững," chiến lược kinh tế Pháp ngữ hướng tới sự chia sẻ thịnh vượng, đáp ứng nguyện vọng của người dân, đặc biệt là giới trẻ và phụ nữ trong cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp.

Sau lễ khai mạc do ông Kaïs Saïed, Tổng thống Cộng hòa Tunisia, và bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký OIF, chủ trì, các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế và các quan chức có thẩm quyền đã thảo luận về nhiều chủ đề liên quan đến sự phát triển kinh tế trong các nước nói tiếng Pháp.

Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến sự tích hợp của các chuỗi giá trị và tăng cường trao đổi trong khu vực Pháp ngữ; việc cấp vốn cho doanh nghiệp tư nhân nói tiếng Pháp; phương tiện tăng trưởng chung, tạo việc làm và đổi mới; tinh thần kinh doanh của thanh niên và phụ nữ trong thế giới nói tiếng Pháp trong thời đại chuyển đổi kỹ thuật số. Sự kiện cũng là dịp để các doanh nhân đến từ hơn 50 quốc gia gặp gỡ, trao đổi và kết nối tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và thương mại. Lễ trao giải thưởng doanh nghiệp đã khép lại hai ngày hoạt động của diễn đàn tại Djerba.

Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam bên lề diễn đàn, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký VCCI, cho rằng các chủ đề của diễn đàn đều là những vấn đề nóng, thực sự thiết thực trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay. Chính phủ và doanh nghiệp các nước nói tiếng Pháp cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn, đề ra mục tiêu cả trong ngắn và dài hạn để có thể phát huy tối đa vai trò của mình trong bối cảnh mới.

[Việt Nam nêu 3 nhóm đề xuất lớn về định hướng của Cộng đồng Pháp ngữ]

Tính đến nay, Việt Nam đã có trao đổi thương mại với 44/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF, trong đó có 29 nước châu Phi. Năm 2021, nhờ các biện pháp hiệu quả trong kiểm soát dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế của các nước, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ đạt mức 33 tỷ USD, tăng 36,5%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 20 tỷ USD. Tính đến hết tháng 8/2022, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ đạt 24 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 16 tỷ USD.

Cũng theo bà Trần Thị Lan Anh, trong số các đối tác lớn của Việt Nam tại châu Phi phải kể đến Cote d’Ivoire, Ai Cập, Cộng hòa dân chủ Congo. Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước Pháp ngữ tại châu Phi về cơ bản mang tính chất bổ sung cho nhau. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này bao gồm nông sản (gạo, hạt tiêu, càphê, rau quả), thủy hải sản, hàng điện, điện tử, hàng dệt may và giầy dép, sắt thép…, trong đó kim ngạch nhiều mặt hàng có chiều hướng ngày càng tăng. Về nhập khẩu, đây là những thị trường đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất trong nước và chế biến xuất khẩu của Việt Nam như nông sản thô (hạt điều, bông), gỗ, cao su, quặng và khoáng sản, nguyên phụ liệu dệt may và da giầy…

Các đối tác làm việc trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Pháp ngữ. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Bà Trần Thị Lan Anh nhấn mạnh: "Từ thực tế và những dữ liệu kể trên, chúng ta có thể thấy thị trường các nước Pháp ngữ, đặc biệt là quốc gia châu Phi có sử dụng tiếng Pháp, thực sự là tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Từ góc độ VCCI, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư với các tổ chức xúc tiến thuộc các nước Pháp ngữ, tăng cường cung cấp thông tin, kết nối cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhiều hơn nữa với các quốc gia thuộc khu vực này."

Đánh giá về tình hình đầu tư, ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm các thị trường Tunisia, Gambia, Mali, Niger và Senegal, cho biết hợp tác đầu tư giữa các nước châu Phi nói chung và các nước châu Phi nói tiếng Pháp nói riêng hiện vẫn còn hạn chế. Việt Nam đã đầu tư sang châu Phi khoảng hơn 3 tỷ USD, chủ yếu trong các lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí tại Algeria, hoặc bưu chính viễn thông của Viettel tại Tanzania và Mozambique. Ngoài ra cũng có một số doanh nghiệp tư nhân đầu tư tại Cote d’Ivoire về chế biến hạt điều.

Ông cho biết thêm các đối tác, đặc biệt là các nước châu Phi nói tiếng Pháp, rất mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài trong đó có Việt Nam, chú trọng lĩnh vực chế biến nông sản và phát triển nông nghiệp. Trong thời gian tới, chính phủ cần có các chương trình, kế hoạch để tạo điều kiện thu hút đầu tư, ban hành luật đầu tư mới với nhiều ưu tiên, ưu đãi trong các lĩnh vực chế biến nông sản, khai thác mỏ, hay công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm.

Nhận xét về quan hệ thương mại Việt Nam-Tunisia, ông Chérif Lachenani, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Đông Bắc Tunisia, cho rằng tuy cách xa nhau về địa lý, nhưng giữa hai nước có một sợi dây liên kết giúp xích lại gần nhau hơn, đó là ngôn ngữ tiếng Pháp. Ông bày tỏ mong muốn Tunisia và Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để liên hệ, trao đổi hơn nữa trong bối cảnh thị trường thế giới đã mở cửa.

Các doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Kinh tế Pháp ngữ cho rằng trong thời gian tới, OIF cần đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ tăng trưởng để các nước thành viên có thể nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, phát triển kinh tế xanh, toàn diện, dựa trên sự đổi mới và sáng tạo.

Bên cạnh đó, OIF cũng cần chú trọng đẩy mạnh việc triển khai Chiến lược Kinh tế Pháp ngữ giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược Hợp tác số 2022-2026. Với 88 thành viên và quan sát viên, chiếm gần 20% kim ngạch trao đổi thương mại và 16% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, hy vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước thành viên Pháp ngữ sẽ liên tục phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục