Diễn đàn kinh tế khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2019

Diễn đàn được tổ chức nhằm tăng cường liên kết trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và môi trường kinh doanh giữa các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải phía Bắc.
Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải phía Bắc gồm dự diễn đàn. (Ảnh: TTXVN phát)
Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải phía Bắc gồm dự diễn đàn. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 2/4, tại thành phố Uông Bí (Quảng Ninh), Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn kinh tế khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2019 nhằm thực hiện chủ trương liên kết phát triển kinh tế vùng của Chính phủ cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế các tỉnh, thành phố thuộc khu vực duyên hải phía Bắc.

Tham dự diễn đàn có đại diện các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải phía Bắc gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế vùng lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực Duyên hải phía Bắc và tại Quảng Ninh; tiếp nối ngay sau sự kiện Lễ Công bố bảng xếp hàng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) 2018 diễn ra tại Hà Nội vừa qua.

Diễn đàn được tổ chức nhằm tăng cường liên kết trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và môi trường kinh doanh giữa các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải phía Bắc.

Đây sẽ là cơ hội để các địa phương giới thiệu chiến lược phát triển kinh tế, môi trường kinh doanh và định hướng thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp với mục tiêu phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.

Qua đó, sẽ tạo được một thế mạnh chung, điểm đột phá cho các tỉnh, thành phố thuộc khu vực duyên hải phía Bắc trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế vùng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực trong những năm tới.

Tỉnh Quảng Ninh cùng với thành phố Hà Nội và Hải Phòng được xác định là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, là cửa ngõ kết nối ASEAN với quốc tế.

Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc.

Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả “3 đột phá chiến lược” từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” nhằm tạo bước đột phá trong quá trình phát triển, nhanh chóng khắc phục những điểm còn bất lợi để chuyển biến thành lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Ông Thắng đưa ra kinh nghiệm mà Quảng Ninh đang triển khai thành công đó là chủ động xây dựng đồng bộ hệ thống quy hoạch trọng điểm của tỉnh với sự tư vấn, tham gia lập quy hoạch của các tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới; tháo gỡ nút thắt về cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng cứng như kết cấu hạ tầng, đường cao tốc, cảng hàng không quốc tế, cảng biển và hạ tầng mềm đó là thành phố thông minh, thúc đẩy chính quyền điện tử, ứng dụng các phần mềm trong quản lý, giải quyết thủ tục hành chính; đa dạng hóa hình thức đầu tư và mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho phép huy động các nguồn vốn hợp pháp để triển khai các dự án trọng điểm, nhất là các dự án hạ tầng giao thông động lực. 

Diễn đàn kinh tế khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2019 ảnh 1Dự án cao tốc Hạ Long-Hải Phòng có chiều dài toàn tuyến 25 km. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Nhờ vậy, từ năm 2015 đến nay, tổng số vốn thu hút đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn Quảng Ninh đạt trên 36.000 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn đầu tư từ xã hội là chủ yếu (chiếm 3/4 tổng vốn đầu tư).

Đến năm 2018 tỉnh đã hoàn thành chuỗi các công trình giao thông mang tính động lực, trong kết nối vùng và quốc tế, như cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long-Vân Đồn; cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. 

Đại diện thành phố Hải Phòng cũng chia sẻ cách làm hay trong phát triển kinh tế, xã hội hướng tới xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam, đó là chính quyền thành phố Hải Phòng tập trung nhiều vào những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia định hướng đến năm 2020.

Liên tục từ năm 2016 đến nay, Hải Phòng lựa chọn chủ đề năm là “Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Từ năm 2016, Hải Phòng đã ký Bản Cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; trong đó, thành phố cam kết thực hiện các chỉ tiêu rất cụ thể về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thông quan, tiếp cận điện năng, tăng cường mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến….

Tham luận của các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình đều tập trung vào các giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, cụ thể vào các giải pháp như: tập trung vào các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết tới thị trường quốc tế với các hoạt động: tư vấn thông tin, xúc tiến thị trường, tổ chức nhiều khóa đào tạo hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, định kỳ đối thoại với các doanh nghiệp theo tháng…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục