Diễn đàn kinh tế Davos đưa ra nhiều đánh giá lạc quan

Theo nhận định của những người tham dự Diễn đàn Davos, kinh tế thế giới đã vượt qua giai đoạn khôi phục hậu khủng hoảng.
Diễn đàn kinh tế Davos đưa ra nhiều đánh giá lạc quan ảnh 1Cao ủy thương mại châu Âu Karel De Gucht (trái) trao đổi với đại diện thương mại Mỹ Michael Froman tại Davos (Nguồn: AP)

Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 44 đã bế mạc ngày 25/1 tại thành phố Davos của Thụy Sĩ.

Theo nhận định của những người tham dự Diễn đàn, kinh tế thế giới đã vượt qua giai đoạn khôi phục hậu khủng hoảng, nhưng vẫn cần các nguồn lực mới để tăng trưởng. Dự báo cho tương lai là lạc quan, nhưng điều quan trọng nhất là phải tính toán đúng các rủi ro.

Diễn đàn Davos 2014 nổi bật với diễn văn kêu gọi đầu tư của Tổng thống Iran và sự hiện diện của lãnh đạo Brazil. So với những lần trước, số lượng doanh nhân đến dự Diễn đàn tại Thụy Sĩ cao gấp đôi và nhiều người hy vọng tình hình kinh tế thế giới sẽ được cải thiện trong 12 tháng tới.

Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda, nền kinh tế đầu tàu Mỹ sẽ còn tăng tốc so với tốc độ tăng trưởng 3% hiện nay, còn kinh tế châu Âu "cuối cùng cũng đã hồi phục."

Các nước có nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia... cũng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hoặc thậm chí tăng tốc. Khủng hoảng tại khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) không còn là trọng tâm lo ngại trong chương trình nghị sự kinh tế thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đặc biệt ghi nhận thành tích của các nước phải nhận chương trình cứu trợ tài chính quốc tế khi đã và sắp chấm dứt được chương trình này như Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp.

Tuy nhiên, các Bộ trưởng kinh tế, tài chính của các nền kinh tế hàng đầu cũng đưa ra cảnh báo cho năm tới.

Giáo sư Nouriel Roubini, người đoạt giải thưởng Nobel Kinh tế của Mỹ cảnh báo một cuộc khủng hoảng khác sẽ nổ ra trong hai năm nữa. Còn theo Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde một trong các rủi ro là "hiệu ứng tràn" ("spillover" - phản ánh mối quan hệ tương hỗ giữa các nền kinh tế thị trường) khi Mỹ thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng. Bà cũng không loại trừ khả năng Eurozone sẽ rơi vào giảm phát tuy Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi phủ nhận nguy cơ này.

Một thách thức khác mà cộng đồng quốc tế vẫn còn phải đương đầu là cách biệt giàu nghèo ngày càng gia tăng. Lần đầu tiên, Diễn đàn Kinh tế Thế giới ghi nhận cách biệt đó có thể là nguồn gốc dẫn tới bất ổn xã hội.

Một bản báo cáo của tổ chức Oxfam được bình luận khá nhiều tại Davos, cho thấy hiện nay, 1% dân số trên hành tinh đang nắm trong tay đến gần 1/4 của cải của toàn cầu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục