Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo: Thúc đẩy hợp tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp

Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia lần thứ 5 đã trở "thành sân" chơi cho các startup Việt Nam trình diễn những sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ AI và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Diễn đàn đã tập trung thảo luận về mô hình Trường đại học Khởi nghiệp, hướng tới việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khởi nghiệp. (Ảnh: Vietnam+)

Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tiên tiến 5.0 đang mở ra những cơ hội chưa từng có cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

"Sân chơi" cho các startup Việt Nam

Ngày 8-10/12, Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia lần thứ 5 (Vietnam Startup 2024) đã chính thức diễn ra với chủ đề “Công nghệ trí tuệ nhân tạo và Thương mại điện tử xuyên biên giới.” Sự kiện do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với các tổ chức, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Quảng Nam, Nghệ An, Cần Thơ, Nam Định… tổ chức.

Diễn đàn đã thu hút hàng nghìn đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư và cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài nước.

Tiến sỹ Đinh Việt Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, chia sẻ sứ mệnh của Hiệp hội là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và phát triển những nhà sáng lập doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, diễn đàn là một nỗ lực của Hiệp hội nhằm kết nối các bên liên quan, chia sẻ kiến thức và thúc đẩy hợp tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Ông Hòa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giáo dục, tích hợp các yếu tố khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào giáo dục. Trên cơ sở đó, diễn đàn tập trung thảo luận về mô hình Trường đại học Khởi nghiệp, hướng tới việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khởi nghiệp.

Hoạt động khởi nghiệp là một trong những vai trò then chốt để phát triển kinh tế của đất nước. Ngay từ những ngày đầu đổi mới, Đảng và Nhà nước đã không ngừng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Sự kiện cũng là cơ hội để kết nối các startup với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, chuyên gia trong và ngoài nước, mở ra những cánh cửa mới cho sự phát triển. (Ảnh: Vietnam+)

Tiến sỹ Đinh Việt Hoà nhấn mạnh Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia là "sân chơi" cho các startup Việt Nam trình diễn những sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ AI và thương mại điện tử xuyên biên giới. Sự kiện cũng là cơ hội để kết nối các startup với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, chuyên gia trong và ngoài nước, mở ra những cánh cửa mới cho sự phát triển.

Trên cả nước, nhiều địa phương đã xác định khởi nghiệp là một trong những khâu đột phá phát triển. Tại sự kiện, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, ông Phan Thái Bình giới thiệu về những thành tựu của Quảng Nam trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

Tự hào chia sẻ “Quảng Nam là địa phương thứ 5 khu vực miền Trung - Tây Nguyên chính thức vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo,” ông Phan Thái Bình cho biết năm 2019, Quảng Nam đã công bố mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với chủ đề: “Quảng Nam-Vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo” và năm 2020 được Bộ Khoa học và Công nghệ chọn giao điều phối Mạng lưới khởi nghiệp vùng duyên hải miền Trung-Tây Nguyên.

Năm 2023, Quảng Nam là địa phương đầu tiên sáng kiến tổ chức Năm Khởi nghiệp với chuỗi hoạt động quốc tế-quốc gia-địa phương. Chuỗi sự kiện đã truyền cảm hứng và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đam mê sáng tạo trong toàn xã hội. Đặc biệt trong năm 2024, Quảng Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ chọn là 1 trong 16 tỉnh/thành phố được tuyên dương về xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

“Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Nam xác định khởi nghiệp sáng tạo là một trong ba khâu đột phá để phát triển Quảng Nam. Trước vận hội mới, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo kiến tạo tương lai, Quảng Nam tập trung xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp trên cơ sở phát huy tối đa kết quả nghiên cứu khoa học, lợi thế so sánh địa phương, sản phẩm quốc gia… để phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo năng động, năng lượng,” ông Bình nói.

Với tư cách là địa phương đồng chủ trì Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia lần thứ 5, ông Phan Thái Bình cho biết với tâm thế, hoài bão, khát vọng, Quảng Nam đã chủ động tham gia Diễn đàn-Triển lãm “Công nghệ trí tuệ nhân tạo và Thương mại điện tử xuyên biên giới” nhằm tiếp tục mở ra cơ hội và đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam.

Bên cạnh đó, ông Bình chia sẻ thêm vào tháng 6/2025, tại Phố cổ Hội An-Quảng Nam sẽ tổ chức Tuần lễ Khởi nghiệp sáng tạo lần thứ 6 và chính thức mở ra giai đoạn 2: Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo để phát triển thành doanh nghiệp” qua đó quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh, mở rộng giao thương, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Đến với diễn đàn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam, ông Kanat Tumysh, đã chia sẻ về kinh nghiệm của Kazakhstan trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

“Chính sách đổi mới của Kazakhstan tập trung vào việc tài trợ có mục tiêu cho các lĩnh vực công nghệ ưu tiên, bao gồm MedTech, AgriTech, GreenTech, trí tuệ nhân tạo, Công nghiệp 4.0, GovTech và MetallurgyTech. Trên cơ sở đó, các hệ thống chất lượng cao đã hình thành để phát triển các lĩnh vực này, bao gồm cung cấp nguồn nhân lực, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, cũng như phát triển các dự án đổi mới quan trọng và các biện pháp khác,” ông Tumysh nói.

Đặc biệt, ông Kanat Tumysh chia sẻ "Cửa sổ duy nhất của Hệ thống đổi mới quốc gia" với địa chỉ “www.astanahub.com” đã được thực hiện. Đây là cửa sổ duy nhất cung cấp cho các doanh nghiệp và cộng đồng sáng tạo quyền truy cập vào tất cả các biện pháp cần thiết để hỗ trợ các dự án và hoạt động đổi mới sáng tạo. Cửa sổ này hoạt động như một nền tảng quốc gia để đăng các nhiệm vụ công nghệ/đổi mới của doanh nghiệp và đảm bảo tính minh bạch của các quy trình, bao gồm toàn bộ chu kỳ của quá trình đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, ông Kanat Tumysh cho biết Chính phủ thực hiện các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước cho đổi mới sáng tạo, như tài trợ đổi mới sáng tạo, ươm tạo doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ… và được tăng cường trong giai đoạn 2023-2024. Tính đến cuối năm 2023, 31 dự án đã được hỗ trợ theo ba chương trình tài trợ với tổng giá trị khoảng 1,2 tỷ tenge (khoảng 2,5 triệu USD). Ngoài ra, Quỹ cụm tự trị-“Công viên công nghệ sáng tạo” đã ký kết 58 thỏa thuận với tổng số tiền là 8,2 tỷ tenge (16,5 triệu USD). Các khoản tiền này được sử dụng để tài trợ cho 32 dự án cho những người tham gia nhằm phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo…

Năm 2024, Kazakhstan đã tổ chức ba vòng thi theo các chương trình Liên đoàn ngành sản xuất và Liên đoàn đổi mới toàn diện, 13 tiểu dự án đã được tài trợ với tổng số tiền khoảng 3 tỷ tenge (khoảng 6 triệu đô la Mỹ). Nhờ dự án này, quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu Tumar Ventures đã được thành lập và một chương trình tăng tốc đã được thực hiện.

Trên nền tảng đó, ông Kanat Tumysh chia sẻ tình hình phát triển đổi mới sáng tạo hiện nay ở Kazakhstan khá tích cực. Cụ thể, các chỉ số chính đang tăng lên, như tỷ lệ doanh nghiệp tích cực đổi mới sáng tạo vào năm 2024 là 15%, so với 13% vào năm 2023, 11% vào năm 2022 và 10,5% vào năm 2021. Khối lượng sản phẩm đổi mới sáng tạo đạt 3 nghìn tỷ tenge (6 tỷ USD) vào năm 2024, trước đó 2,5 nghìn tỷ tenge (5 tỷ USD) vào năm 2023, 2 nghìn tỷ tenge (4 tỷ USD) vào năm 2022 và 1,5 nghìn tỷ tenge (3 tỷ USD) vào năm 2021.

“Năm nay, Kazakhstan xếp thứ 78 trong số 193 quốc gia, cải thiện thứ hạng của mình 3 bậc so với năm 2023. Tiến bộ lớn nhất đạt được ở các chỉ số như "Mức độ phát triển kinh doanh" (+9 bậc), "Đầu tư" (+5 bậc), "Sử dụng công nghệ thông tin" (+14 bậc) và "Kết quả của hoạt động sáng tạo" (+7 bậc),” ông Kanat Tumysh nói.

Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia là nơi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm đồng thời là nơi kết nối, truyền cảm hứng và tạo động lực cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Đến từ Thâm Quyến, Trung Quốc, ông Nguyễn Hiểu Ba, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Lực Hợp-Nam Ninh, cho biết diễn đàn là cơ hội để “chia sẻ kinh nghiệm đổi mới công nghệ của Trung Quốc và các công ty công nghệ của Thâm Quyến.” Theo ông, sự kiện này tạo cầu nối cho hợp tác công nghệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, giúp các doanh nghiệp hai nước tiếp cận những công nghệ tiên tiến và thúc đẩy chuyển đổi số.

Tại đây, các đại biểu có chung đánh giá Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia là nơi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm đồng thời là nơi kết nối, truyền cảm hứng và tạo động lực cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Sự kiện đã chứng kiến sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư cho các dự án tiềm năng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục