Diễn đàn Gặp gỡ Việt Nam - kênh kết nối doanh nghiệp Việt, Pháp

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa mong muốn các doanh nghiệp hai nước sẽ tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu phát triển.
Đại sứ Dương Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn "Gặp gỡ Việt Nam 2014." (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Ngày 23/9, Bộ Công Thương đã phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại Pháp (UBIFRANCE), cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp tổ chức diễn đàn "Gặp gỡ Việt Nam 2014" tại Paris.

Diễn đàn là một hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện "Năm Việt Nam tại Pháp," được đánh giá như là một hoạt động xúc tiến nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đã được Chính phủ hai nước Việt Nam và Pháp đặt ra trong Hiệp ước Đối tác chiến lược được ký tháng Chín năm ngoái.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao sáng kiến tổ chức diễn đàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp gặp gỡ, thảo luận về những cơ hội, cách tiếp cận thị trường và các nguồn tài chính, từ đó xây dựng quan hệ đối tác, mở rộng đầu tư và tăng cường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh những lợi thế khi đầu tư hoặc kinh doanh tại Việt Nam - một nền kinh tế năng động đang nổi lên trong khu vực. Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, các chỉ số của kinh tế Việt Nam đều rất tích cực trong năm ngoái với tăng trưởng đạt 5,42%, luân chuyển hàng hóa bán lẻ tăng 12,7%, xuất nhập khẩu tăng trên 15%.

Việt Nam là thị trường tiềm năng không phải chỉ với 90 triệu dân mà Việt Nam còn là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á. Thực vậy, ASEAN sẽ trở thành một cộng đồng kinh tế vào năm 2015 với 600 triệu dân. Vào thời điểm đó, 90-95% các dòng thuế trong khu vực sẽ giảm xuống còn 0-5%.

Ngoài ra, thị trường Việt Nam cũng đã mở cửa sâu rộng đối với kinh tế thế giới. Hiện tại, các nhà đầu tư từ 91 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa mong muốn các doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Pháp sẽ tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu phát triển: "Chúng tôi đang cần nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông. Thời gian qua, tiêu dùng điện luôn cao gấp hai lần tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Chính vì thế, chúng tôi kêu gọi đầu tư phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà đầu tư Pháp hợp tác trong lĩnh vực chế biến nông sản-thực phẩm bởi vì 70% lao động của Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, giày da và dệt may cũng là những ngành Việt Nam có doanh số xuất khẩu rất lớn. Hàng dệt may Việt Nam có doanh số đứng hàng thứ năm và giày da đứng hàng thứ tư trên thế giới về doanh số xuất khẩu."

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng cũng chia sẻ quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Thoa về tiềm năng cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Pháp. Đại sứ cho rằng hạ tầng cơ sở, năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, dịch vụ, công nghiệp dược phẩm, công nghiệp thực phẩm là những lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Pháp có thế mạnh. Vì vậy, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước sẽ mang lại lợi ích và hiệu quả cho cả hai bên.

Bà Muriel Penicaud, Tổng Giám đốc UBIFRANCE, Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến đầu tư quốc tế của Pháp (AFII), cho rằng với lợi thế về công nghệ, các doanh nghiệp Pháp trong đó có nhiều tập đoàn lớn, có đủ năng lực để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực khác nhau.

Bà nhấn mạnh: "Các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng ở Pháp. Chúng tôi xuất khẩu rất nhiều trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng dưới hình thức đối tác hoặc xuất khẩu. Pháp có những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này, các công ty vừa và nhỏ của Pháp cũng kiên trì đầu tư tại các quốc gia dưới hình thức đối tác và chuyển giao công nghệ. Hai lĩnh vực đó cùng các lĩnh vực khác như chế biến nông sản hay dược phẩm thì là những thế mạnh của Pháp mà hai bên có thể thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ." Bà Penicaud cũng bày tỏ niềm vui khi được đón tiếp các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư tại Pháp.

Trong phần tiếp theo của diễn đàn "Gặp gỡ Việt Nam 2014," đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp đã đọc các tham luận và phát biểu ý kiến trong đó đề cập thẳng thắn đến những thuận lợi cũng như những khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và Pháp.

Các doanh nghiệp đều cho rằng họ không có nhiều thông tin về thị trường và đối tác, ngoài ra, khác biệt về văn hóa và thói quen tiêu dùng cũng là những cản trở lớn đối với họ. Nhưng các doanh nghiệp đều thống nhất với nhau là còn rất nhiều cơ hội và tiềm năng để hợp tác giữa hai nước và cần kiên trì, chịu khó tìm hiểu thông tin, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của hai nước để đạt được thành công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục